• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đến năm 2020 vùng ĐBSCL sẽ có 250 đô thị

Đến năm 2020 vùng ĐBSCL sẽ có 250 đô thị | ảnh 1
Mạng lưới quy hoạch không gian vùng ĐBSCL.

Con số trên và mô hình phát triển trong thời gian tới sẽ theo hình thức đa cực - tập trung kết hợp với các hành lang kinh tế là một trong những nội dung quan trọng trong “Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050”.

Chủ trì Lễ công bố có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cùng đại diện lãnh đạo 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Theo Quy hoạch, ĐBSCL bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của 13 tỉnh, thành gồm: TP Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau với diện tích tự nhiên khoảng 40.604,7 km2; có đường biên giới với Campuchia khoảng 330km; đường bờ biển dài trên 700km và khoảng 360.000 km2 vùng biển thuộc chủ quyền.

Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu, là vùng kinh tế phát triển năng động, bền vững; có môi trường đầu tư thuận lợi; có điều kiện và chất lượng sống đô thị và nông thôn cao; là trung tâm văn hóa - lịch sử và du lịch, dịch vụ ẩm thực lớn với các vùng nông - lâm và sinh thái đặc thù; có cảnh quan và môi trường tốt.

Theo dự báo của Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam (QHĐTMN), dự kiến dân số trong vùng đến năm 2020 khoảng 20 - 21 triệu người (năm 2050 là 30 - 32 triệu người) và theo mô hình phát triển vùng ĐBSCL sẽ theo hình thức đa cực- tập trung kết hợp với các hành lang kinh tế.

Đến năm 2020, vùng sẽ có 250 đô thị bao gồm: 1 đô thị loại I (TP Cần Thơ), 6 đô thị loại II (Mỹ Tho, Cao Lãnh, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng và Cà Mau), 11 đô thị loại III (Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Vị Thanh, Sa Đéc, Gò Công, Châu Đốc, Hà Tiên và Dương Đông- Ba Tơ), 34 đô thị loại IV (các thị xã, thị trấn) và 198 đô thị loại V (chưa xếp loại).

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, cho biết đề án quy hoạch vùng như là một bức tranh tổng thể đã được khảo sát, được thực tế, được nghiên cứu để vẽ ra nhằm dự báo mô hình tương lai phát triển cho vùng ĐBSCL.

Bộ trưởng khẳng định: “Có 2 quy hoạch: quy hoạch vật thể là quy hoạch không gian và quy hoạch phi vật thể là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hôi. Hai quy hoạch này gắn kết chặt chẽ với nhau, nghĩa là kinh tế phát triển thế nào thì không gian phải tương ứng”. Bộ trưởng đề nghị, các địa phương cần triển khai ngay quy hoạch này. Tuy nhiên khi triển khai cần tính toán làm sao giữa quy hoạch vùng tỉnh phải đồng bộ với quy hoạch toàn vùng.

(Theo Dân Trí)




  • 150
  • By Admin
  • 15/03/2011
  • 17