Đến hạn, vẫn chưa có trường đại học nào đăng ký di dời
>>Di dời các trường đại học: Phương án nào khả thi?Đại học Xây dựng sẽ chuyển về Hòa Lạc . Ảnh: Xuân Phú |
Chưa nhận được công văn
Theo kế hoạch, từ tháng hai các trường phải đăng ký di dời ra ngoại thành. Nhưng đến chiều qua (10 - 2), trao đổi với PV Tiền Phong, Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội cho hay, vẫn chưa có trường nào đăng ký.
Nằm trong số 12 trường ở Thủ đô phải đăng ký di dời ra ngoại thành từ tháng 2 năm nay, song cả hai trường ĐH Luật và ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng mới được biết thông tin này. Trong lần họp cuối cùng với các bên liên quan về kế hoạch di dời, một số lãnh đạo ĐH Luật còn không biết trường mình phải di chuyển khi nào.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật thậm chí cho hay mới biết kế hoạch di dời qua… báo mạng tối 9- 2 chứ chưa nhận được công văn của cơ quan quản lý. Hơn nữa, trường cũng chưa tìm được đất để xây trường mới.
Theo ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội, các trường tự đi tìm đất và hỏi huyện nào cũng nhận được câu trả lời: Bao giờ có công văn chính thức của thành phố “sẽ nghiên cứu”. Cũng vì không thể huy động đủ kinh phí đầu tư xây trụ sở mới, trường này chỉ lên kế hoạch di dời cuốn chiếu.
Theo ông Thành, tốt nhất là Nhà nước cho phép các trường trích ra 20% quỹ đất xây dựng cơ sở vật chất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, đổi đất lấy hạ tầng.
Có trường còn khẳng định đây là “kế hoạch trên mây” bởi thời gian di dời gấp rút và kinh phí đầu tư xây trụ sở mới quá eo hẹp. Trường Đại học Y HN sẵn sàng kế hoạch di dời nhưng vẫn đang loay hoay tìm vốn đầu tư và vị trí mới.
Ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường cũng tỏ ra luyến tiếc cơ ngơi 100 năm của trường nhưng “đã có chỉ thị của Chính phủ thì cứ thế thực hiện, có tiền đến đâu, làm tới đó”.
Mạnh trường nào trường đó di dời?
ĐH Công đoàn dự tính di dời về Hưng Yên. Nhưng tiền đền bù hơn 20 ha đất ruộng để xây cơ sở mới tính ra lên tới 60- 70 tỷ đồng, trong khi ngân sách một năm của trường chỉ 30 tỷ đồng.
Chưa hết, theo ông Dương Văn Sao- Hiệu trưởng nhà trường, phải mất 3-5 năm và cần 500 tỷ đồng mới xây được hội trường, phòng học. Do vậy, nếu năm nay hoàn tất đền bù đất, san lấp, xây dựng dự án, phê duyệt dự án, nhanh nhất phải đến năm 2012- 2013 trường mới có một số khoa ở cơ sở mới.
Ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cho biết, đến nay là lần thứ tư trường lên kế hoạch di dời nhưng không thành. Đây là trường theo mô hình ĐH mở, ĐH nhân dân nên không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Do vậy, trường lên kế hoạch huy động 3 nguồn vốn: giải phóng mặt bằng phải trông chờ vào kinh phí nhà nước; xây dựng cơ sở vật chất bằng vốn vay ODA trả chậm với mức lãi suất thấp; cổ phần hóa và kêu gọi nhà đầu tư.
Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhận định: Một số trường có tâm lý không muốn di dời nhanh, do đã quen sống ở nội đô. Do vậy, với những trường được cấp đủ đất và vốn, nếu vẫn chây ỳ, Bộ Xây dựng sẽ quyết liệt yêu cầu di dời ngay.
TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam lý giải, các trường ngại chuyển ra ngoại thành một phần vì ở xa trung tâm sẽ không được thỏa mãn nhu cầu thông tin văn hóa, gặp gỡ, giao lưu… “Vẫn còn phân biệt Hà Nội 1 và Hà Nội 2. Nhiều người vẫn coi ra khu Hòa Lạc là về quê” - TS Bình nói.
Theo ông, để khắc phục hiện tượng này, quy hoạch Hà Nội cần thống nhất, rõ ràng, và phải đầu tư mạnh hơn vào phát triển văn hóa khu vực nông thôn, ngoại thành song song với phát triển kinh tế…
Theo Sở Quy hoạch & Kiến trúc Hà Nội, một trong những tiêu chí xét di dời là các trường nằm ở vị trí có tuyến giao thông quan trọng chạy qua, khu vực sản xuất ô nhiễm, nằm ở các vị trí phát triển chiến lược của đô thị, cần chuyển đổi để bố trí cho các mục đích khác, như hạ tầng, an ninh - quốc phòng, dịch vụ công…
Sở này dự tính, với việc di dời các trường, sẽ giảm số lượng SV ở nội thành xuống còn 200 nghìn. Hà Nội hiện chiếm 1/3 tổng số trường ĐH, CĐ cả nước, chiếm 40% tổng số SV toàn quốc (660 nghìn SV), tập trung chủ yếu khu vực nội đô, gây nên áp lực quá tải tới hạ tầng đô thị. Chỉ tiêu diện tích/SV cao nhất là 17m2/SV, có nơi chỉ đạt 0,2m2/SV, trong khi tiêu chuẩn quốc gia là 25m2/SV.
(Theo Tiền Phong)
- 0
- By Admin
- 11/02/2011
- 17