Đến cuối quý III, thị trường thép sẽ "ấm" lên
Theo tính toán sơ bộ, sản lượng thép thành phẩm các loại của ngành thép trong 6 tháng còn lại của năm 2011 có thể đạt từ 4,2 – 4,5 triệu tấn. Đây là con số khá lớn so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, sức tiêu thụ của thị trường trong những tháng cuối năm vẫn là một dấu hỏi lớn.Khảo sát thị trường cho thấy, do nhu cầu trên thị trường nội địa xuống thấp và không có dấu hiệu cải thiện nên giá bán thực tế của các DN liên tục được điều chỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ mặc dù cùng lúc đó giá thép thành phẩm thế giói đang có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ trong ngắn hạn. Trước hoàn cảnh đó, các DN trong nước đã duy trì giá niểm yết tại nguồn không đổi, nhưng cạnh tranh với nhau gay gắt thông qua các biện pháp giảm giá gián tiếp như: tăng chiết khấu bán hàng, áp dụng chế độ hỗ trợ vận chuyển đến tận chân công trình, trợ giá đối với các công trình lớn...
Khó dự báo
Theo dự báo của TCty thép VN, sức tiêu thụ thép toàn cầu được dự báo tiếp tục yếu cho tới ít nhất hết qúy III/2011 do nền kinh tế thế giới vẫn chưa xuất hiện những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Lạm phát cao đe doạ sự ổn định kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển. Việc IMF cảnh báo về nợ công của nước Mỹ và tháng ăn chay Ramadan của đạo Hồi đang tới gần sẽ góp phần làm thị trường thép thế giới thêm ảm đạm trong quý III/2011.Trong khi đó, ở trong nước quý III chính là giai đoạn thị trường thép trong nước xuống thấp do trùng với mùa mưa vào tháng 7 âm lịch, nên nhu cầu xây dựng chắc chắn giảm, đặc biệt là nhu cầu của thị trường xây dựng dân dụng. Dự báo tình hình tiêu thụ thép trong quý III không có nhiều chuyển biến so với hiện nay.
Quý IV theo thông lệ sẽ bước vào mùa xây dựng và kinh tế trong nước cũng như quốc tế có xu hướng tăng trưởng cao hơn ở những tháng cuối năm. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thép có khả năng tăng trở lại.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường thép trong nước vẫn có khả năng diễn biến trái với thông lệ như năm 2010. Triển vọng thị trường thép nửa cuối năm phụ thuộc phần lớn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ và sự biến động tăng/giảm giá của nguyên nhiên liệu nhập khẩu.
DN “thế thủ”
Nhiều DN cho biết, trong bối cảnh thị trưòng thép hiện nay, không còn cách nào khác các DN bắt buộc phải co cụm sản xuất, chủ yếu rút về thế thủ để tồn tại là chính. Một mặt, sản xuất xuất khẩu thì bị “chặn” bởi lãi suất cao. Mặt khác, thị trường nội địa đang bị “bủa vây” bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các nước trong khu vực.Mối lo lớn nhất của DN thép trong thời gian tới chính là 'nhập siêu thép ngày càng nhiều, đặc biệt thép từ Trung Quốc. Các DN cho rằng, nếu các bộ, ngành không có biện pháp cương quyết, đủ mạnh để hạn chế ngay thì DN thép trong nước càng thêm khó khăn.
Hiện nay, để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, các nhà phân phối thép buộc phải giảm giá so với giá niêm yết của các nhà sản xuất bình quân từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn rất chậm và yếu. Thống kê của Hiệp hội thép VN, sản xuất và tiêu thụ của các thành viên trong hiệp hội trong quý II/2011 giảm từ 10-14% so với quý I.
Chủ tịch HĐQT một DN thép cho biết, khi giá thép thế giới có xu hướng giảm thì người mua trong nước chỉ mua cầm chừng, nhu cầu tiêu thụ giảm hẳn. Vì vậy, doanh số bán hàng của DN thép cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác, hiện sắp bước vào mùa thấp điểm của mặt hàng thép trong quý III hàng năm. “Nếu giá thép còn ở mức thấp kéo dài 3 - 4 tháng thì nhiều DN phải đẩy mạnh bán hàng tồn kho để trả nợ ngân hàng, khiến giá thép tiêu thụ trong nước còn có thể giảm” - vị chủ tịch này chia sẻ.
Có thể nói rằng, thời điểm hiện tại là khoảng thời gian khó khăn và là phép thử nghiệt ngã đối với DN thép. Chính vì vậy việc đưa ra các giải pháp hợp lý như giãn tiễn độ, cắt giảm một số hạng mục không cần thiết để vừa đảm bảo sản xuất, tạo việc làm cho người lao động là việc mà các DN nên tính ở thời điểm này.
Mặt khác, các DN đang cố gắng duy trì sản xuất để chờ đợi tính hiệu quả từ các chương trình chống lạm phát của Chính phủ. Các chuyên gia dự báo, nhiều khả năng đến cuối quý 3/2011, tình hình khá hơn đối với ngành thép.
Các DN ngành thép đang... chờ đợi và hi vọng sự hồi sinh của thị trường!
(Theo DDDN)
- 195
- By Admin
- 11/07/2011
- 17