• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đề xuất mua bảo hiểm cho nhà

“Đã có những công trình tuy chỉ gây ảnh hưởng nhẹ đến công trình lân cận nhưng đã bị thanh tra xây dựng địa phương đình chỉ thi công. Nhiều trường hợp công trình bị đình chỉ trong thời gian dài làm bên gây thiệt hại trở thành bên bị thiệt hại và ngược lại”. PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nêu ý kiến trong Hội thảo sự cố công trình do Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 10-12.

Tòa lúng túng khi phân xử

Theo quy định hiện hành, các công trình có tác động đến chất lượng công trình lân cận, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư đều phải bị xử lý. Cụ thể, những công trình xây dựng gây hư hỏng công trình lân cận sẽ bị lập biên bản ngừng thi công và chỉ được thi công lại nếu đạt một trong các điều kiện: Hai bên tự thỏa thuận được việc bồi thường; bên bị thiệt hại vắng mặt không có lý do chính đáng, hoặc có quyết định, bản án có hiệu lực của tòa án giải quyết tranh chấp giữa hai bên.

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, quy định này không rõ ràng nên đã gây khó cho việc áp dụng trong thực tế, đặc biệt khi chủ đầu tư và hộ dân bị ảnh hưởng đã có mâu thuẫn từ trước. “Thực tế cho thấy nếu phải giải quyết thông qua tòa án thì thường thời gian thụ lý kéo dài, công trình bị ngừng thi công lâu, gây thiệt hại nặng cho chủ đầu tư. Trong nhiều trường hợp thiệt hại này còn lớn hơn nhiều lần bên bị ảnh hưởng. Mặt khác, tòa án địa phương hầu hết đều lúng túng khi thụ lý những vụ án có nội dung này” - ông Hiệp chỉ rõ.

Theo ông Hiệp, nhà ở là công trình xây dựng nhiều nhất ở các TP. Do đó, với các vi phạm như đã nêu, nếu không có những hướng dẫn chi tiết sẽ dẫn đến việc bên bị thiệt hại gây khó khăn hoặc khiếu kiện kéo dài.

Từ thực tế trên, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị: “Những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng nhẹ đến công trình lân cận thì bị buộc đình chỉ thi công tối đa bảy ngày để chủ đầu tư khắc phục triệt để những hư hại. Sau thời hạn này, nếu kết quả kiểm tra cho thấy hư hỏng không đáng kể, phương án thi công sẽ không gây ảnh hưởng tiếp và chủ đầu tư đã khắc phục những hư hỏng thì công trình được tiếp tục thi công. Nếu sau đó công trình tiếp tục gây ảnh hưởng đến công trình lân cận thì sẽ bị buộc đình chỉ thi công một thời gian để có giải pháp khắc phục triệt để”.

Mua bảo hiểm là cần thiết

“Việc bồi thường thiệt hại ở TP.HCM còn xảy ra trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính giải quyết sự cố lớn, trong khi lại không tìm được nhà thầu vì công trình đã đưa vào sử dụng từ lâu. Ví dụ như vừa qua, nhà 124A đường số 11, phường 5, quận Gò Vấp sụp đổ, gây ảnh hưởng đến những nhà lân cận. Trong trường hợp này, trước mắt chính quyền quận Gò Vấp phải chịu tất cả chi phí để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực” - ông Hiệp nêu thực tế.

Hiện các đơn vị tư vấn cho những công trình xây riêng lẻ trong khu dân cư hầu như không mua bảo hiểm. Kết quả là khi xảy ra sự cố, đơn vị tư vấn không đủ khả năng tài chính để khắc phục. Mặt khác, các đơn vị thi công lại chưa bị bắt mua bảo hiểm nên thường không mua bảo hiểm công trình. “Sự cố công trình Pacific 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, cả chủ đầu tư lẫn các bên đều không mua bất kỳ loại bảo hiểm nào” - ông Hiệp chỉ rõ.

Mặt khác, các chủ đầu tư, đặc biệt là chủ các công trình nhỏ, không quan tâm đến việc nhà thầu có mua bảo hiểm hay không và cũng chẳng bao giờ ép nhà thầu mua bảo hiểm. Như vậy rủi ro do sự cố càng cao. Để khắc phục, ông Hiệp kiến nghị cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, buộc nhà thầu xây dựng hay chủ đầu tư phải mua bảo hiểm cho công trình (trong đó có nhà) và mua bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ ba với những mức phù hợp thông lệ trong khu vực. “Điều này sẽ làm tăng chi phí cho người dân khi xây dựng nhà ở của mình nhưng đây là chi phí cần thiết cho một xã hội tiến bộ” - ông Hiệp nói.

Theo PLTPHCM
  • 0
  • By Admin
  • 12/12/2009
  • 17