Đề xuất cơ chế đặc thù hợp khối nhà, đất "siêu mỏng, siêu méo"
Do các trường hợp còn lại hầu hết là "ca khó" nên Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị UBND TP cho phép giãn thời điểm xử lý dứt điểm là trong quý II/2013, thay vì quý I. Đồng thời, Sở cũng đề xuất giải pháp hợp khối kiến trúc công trình mà không cần hợp thửa đối với những trường hợp đủ điều kiện.
Còn lúng túng, chưa quyết liệt
Đáng chú ý, có hai huyện là Gia Lâm, Thanh Trì đã xử lý xong các trường hợp SMSM. Còn tồn đọng nhiều nhất là quận Ba Đình với 69 trường hợp, tiếp đến là Hà Đông với 34 trường hợp, Đống Đa 28 trường hợp, Tây Hồ còn 23 trường hợp, Hai Bà Trưng với 19 trường hợp…
Để Hà Nội khang trang, hiện đại cần phải xử lý dứt điểm các thửa đất, căn nhà có kích thước, hình khối không hợp lý. Trong ảnh: Nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên phố Nguyễn Trãi. |
Tính đến thời điểm này, việc xử lý các trường hợp SMSM đã chậm so với tiến độ yêu cầu. Theo đánh giá của Sở Xây dựng, nguyên nhân do chính quyền địa phương còn lúng túng và xử lý chưa quyết liệt. Ngay từ đầu việc lập tiến độ các bước xử lý chưa cụ thể hoặc có tiến độ cũng không thực hiện được. Do vậy, mặc dù Sở Xây dựng đã phải đề nghị TP cho giãn tiến độ nhưng nhiều quận, huyện vẫn chưa đưa ra được tiến độ xử lý cụ thể. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở để quận, huyện thực hiện trong vấn đề này còn chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nhà, đất SMSM. Đến đầu tháng 4, Sở KH&ĐT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các quận, huyện trong việc bố trí kinh phí.
Bên cạnh đó, việc xử lý các nhà, đất SMSM dù diện tích lớn hay nhỏ, theo quy định hiện hành khi thu hồi đất để đầu tư công trình công cộng đều phải thực hiện lập dự án đầu tư xây dựng, thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai. Do đó, để có cơ sở thu hồi đất ngoài quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 được duyệt, phải thực hiện nhiều thủ tục liên quan như: dự án đầu tư được phê duyệt, phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thẩm định; trích đo địa chính hoặc bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500 hoặc tỷ lệ 1/2000 do đơn vị có tư cách pháp nhân lập… Việc thực hiện các thủ tục như với một dự án khiến cho tiến độ xử lý của các quận, huyện bị ảnh hưởng nhiều.
Hợp khối là phương án tối ưu
Qua thực tế xử lý các trường hợp SMSM, Sở Xây dựng cho rằng, giải pháp hợp khối kiến trúc công trình (không hợp thửa) nếu thực hiện được sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý. Do việc thực hiện thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, với 23 trường hợp còn lại (đã phê duyệt phương án xử lý là thu hồi), quận Tây Hồ đã đề xuất chuyển từ thu hồi sang cải tạo chỉnh trang thành những ki ốt 1 tầng và yêu cầu các chủ sử dụng đất cam kết thực hiện.
Tuy nhiên, cách làm này liên quan đến quy định về cấp phép xây dựng cho hai trường hợp liền kề có hai giấy tờ về sở hữu khác nhau của hai hộ dân khác nhau. Do vậy, cần có sự tham gia phối hợp giữa Sở Xây dựng và Phòng Quản lý đô thị các quận, huyện trong việc cấp phép xây dựng. Cùng với đề xuất giãn tiến độ xử lý các trường hợp SMSM, Sở Xây dựng cũng đề xuất TP cho phép thực hiện và ban hành cơ chế riêng để giải quyết theo hướng không hợp thửa đất, chỉ hợp khối kiến trúc công trình.
Nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên đường Lê Văn Lương kéo dài. |
Với 9 quận, huyện còn những trường hợp SMSM chưa xử lý, Sở Xây dựng đề nghị tiếp tục vận động người dân hợp thửa, hợp khối vì đây là giải pháp hiệu quả, nhanh gọn nhất. Theo đánh giá của Sở này, từ số liệu các quận, huyện báo cáo, nếu thành công trong việc hợp thửa, hợp khối thì có thể giải quyết được trên 50% số trường hợp SMSM đang tồn đọng. Do nhiều nguyên nhân, việc thu hồi đất được xem là giải pháp cuối cùng. Các quận, huyện cũng cần chủ động trong việc báo cáo TP và các sở, ngành liên quan về kinh phí giải phóng mặt bằng, nhà tái định cư cho các trường hợp thu hồi đất.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP, Sở Xây dựng chuẩn bị sẵn sàng quỹ nhà tái định cư cho việc thu hồi đất của các trường hợp SMSM.
- 161
- By Admin
- 22/04/2013
- 17