Đề xuất cấp phép thêm 33 sân golf!
Sau khi 27 dự án sân golf nằm ngoài quy hoạch được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) lên tiếng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch sân golf trình Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cấp phép thêm 33 dự án sân golf mới đến năm 2020, trong đó có 27 dự án sân golf nằm ngoài quy hoạch.Cấp phép “ngoài luồng”
Trong báo cáo của mình, Bộ KH-ĐT cũng nêu việc phát hiện 27 dự án sân golf nằm ngoài quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg và không phù hợp quy hoạch sử dụng đất được duyệt. Theo Bộ KH-ĐT, trách nhiệm trước hết thuộc về UBND các địa phương có 27 dự án sân golf này vì đã không thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ TN-MT cho biết trong 27 dự án sân golf nằm ngoài quy hoạch, có 5 dự án (Khánh Hòa 1, Bình Thuận 4) đang triển khai thực hiện với diện tích hơn 1.200 ha. Trong đó, diện tích đất quy hoạch xây dựng sân golf là 241,12 ha (chiếm 20%), còn lại 975,10 ha (chiếm 80%) được sử dụng cho các mục đích xây dựng khu du lịch, trung tâm thương mại...Các dự án “ngoài luồng” đã vậy, các dự án trong quy hoạch xem ra còn tệ hơn. Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cả nước có 90 dự án sân golf ở 34 tỉnh, thành. Trong đó, 24 dự án đang hoạt động, 25 dự án đang xây dựng, 13 dự án đã được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư, 23 dự án được chấp nhận chủ trương đầu tư và 5 dự án bị đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.
Xe chờ đón người chơi golf tại sân golf Đà Nẵng do Vinacapital đầu tư. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Sông Bồ |
Bộ KH-ĐT cho biết trong số 90 dự án sân golf, 59 dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng chỉ 13 dự án (chiếm 22%) được chủ đầu tư sử dụng đất đúng mục đích, ranh giới, diện tích được giao, xây dựng các hạng mục công trình đúng theo dự án… Đặc biệt, có tới 69 dự án trong 90 dự án kết hợp kinh doanh sân golf và bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chiếm diện tích rất nhỏ. Điển hình là dự án sân golf tại huyện Tam Nông - Phú Thọ có diện tích hơn 2.000 ha nhưng diện tích xây dựng sân golf chỉ 171 ha; dự án Khu Du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) có diện tích 1.204 ha nhưng diện tích sân golf chỉ 222 ha.
Theo Bộ KH-ĐT, tổng vốn đăng ký của 90 dự án sân golf là 24,5 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 20,5 tỉ USD (chiếm 84%) và vốn trong nước là gần 4 tỉ USD (chiếm 16%). Vốn đăng ký cao là vậy nhưng vốn thực hiện lại rất thấp. Chỉ tính riêng 24 dự án sân golf đã đi vào hoạt động, mới giải ngân được 75,6 triệu USD. Chưa hết, hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf chủ yếu là từ việc kinh doanh bất động sản (bán, cho thuê biệt thự trong khu vực dự án) và bán thẻ hội viên. Nếu chỉ tính kinh doanh dựa trên việc thu phí chơi golf từ khách hàng (khoảng 100 USD/ngày/lượt) thì hiệu quả chưa cao và chậm thu hồi vốn.
Quy hoạch “mở”
Bộ KH-ĐT cho rằng sở dĩ có những sai phạm trên là do công tác kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành và địa phương còn hạn chế. Đồng thời, chưa tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng trong xây dựng sân golf. Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 3 phương án xử lý 27 dự án sân golf ngoài quy hoạch và 12 dự án sân golf vừa được các địa phương xin cấp phép đầu tư mới. Điều đáng nói là bộ này lại ủng hộ phương án 3 là điều chỉnh tổng thể một lần - quy hoạch “cứng” đến năm 2020 với 118 dự án sân golf, gồm 85 dự án trong danh mục và bổ sung 33 dự án ngoài danh mục.Bảo vệ cho đề xuất của mình, Bộ KH-ĐT cho rằng phải có quy định chặt chẽ hơn về các giải pháp thực hiện quy hoạch như tiến độ thực hiện, năng lực tài chính của chủ đầu tư, giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường. Lý lẽ của Bộ KH-ĐT được giải trình bằng kiến nghị ở các TP lớn, các khu du lịch trọng điểm và các khu đô thị sẽ dành một số địa điểm để xây dựng sân golf phục vụ cộng đồng hoặc theo hướng dành một số buổi/tuần cho cộng đồng. Có điều, giải pháp vì cộng đồng này của Bộ KH-ĐT rất khó thuyết phục vì trên thực tế, để phục vụ cho số đông người dân được chơi môn thể thao “quý tộc” này là không khả thi vì số tiền mua 1 bộ gậy tối thiểu cũng cả ngàn USD, chưa kể nhiều chi phí khác…
Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ tiêu chí loại đất được phép sử dụng để xây dựng sân golf và các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi xây dựng cũng như quá trình hoạt động của sân golf. Theo đó, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán hoặc chuyển nhượng.
(Theo NLĐ)
- 0
- By Admin
- 25/05/2011
- 17