Để thu hút đầu tư vào thị trường BĐS: Minh bạch hơn nữa về chính sách
Môi trường đầu tư đã cải thiện hơnTheo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài, so với 10 năm trước, đến nay môi trường đầu tư vào lĩnh vực BĐS ở Việt Nam đã được cải thiện hơn (cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài). Điều này thể hiện qua việc Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản qui phạm pháp luật quan trọng để điều chỉnh hoạt động của thị trường BĐS (như Luật Đất đai (2003), Luật Xây dựng (2003), Luật Nhà ở (2005), Luật Đầu tư (2005) và Luật Kinh doanh BĐS (2006) và các Nghị định hướng dẫn kèm theo)… Phân tích của các chuyên gia về lĩnh vực này cho thấy, trước đây thời hạn thuê đất của các liên doanh nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh BĐS phụ thuộc vào loại dự án, mức vốn đầu tư và tối đa là 50 năm, thì nay thời hạn thuê đất của các nhà ĐTNN tối đa là 70 năm, nếu có nhu cầu thì được gia hạn sử dụng nhiều lần. Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời hạn thuê đất hoặc trả tiền thuê đất hàng năm. Mức giá cho thuê bình đẳng cho cả các nhà đầu tư trong nước và nhà ĐTNN.
Song còn nhiều "cửa ải" phải "mở"
Điểm dễ nhận thấy nhất vẫn là tính chuyên nghiệp của thị trường BĐS Việt Nam (kể cả từ hệ thống chính sách đến các chủ thể tham gia thị trường). Cơ chế chính sách, quy trình thủ tục đầu tư của Việt Nam có điểm còn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, làm cho các nhà ĐTNN đầu tư vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian để nghiên cứu, thích ứng với thị trường … Tính minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam chưa cao. Công tác qui hoạch xây dựng đô thị còn chưa theo kịp tiến trình phát triển của đất nước, hầu hết các dự án BĐS lớn vẫn phải theo cơ chế "xin - cho", điều chỉnh quy hoạch. Chưa có cơ chế cung cấp thông tin thị trường BĐS một cách hữu hiệu. Tình trạng giao dịch ngầm, đầu cơ nhà đất, kích cầu ảo để nâng giá BĐS diễn ra khá phổ biến làm cho thông tin về thị trường BĐS không phản ánh đúng thực tế, từ đó làm tăng độ rủi ro trong kinh doanh BĐS….
Đặc biệt, các chính sách về tài chính chưa tạo được một hành lang thông thoáng như mong muốn. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính BĐS phù hợp để thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển. Thị trường BĐS cần phải liên thông với thị trường vốn, trong khi đó hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng cho vay dài hạn, lãi suất cho vay trung hạn vẫn còn rất cao, dẫn đến thiếu vốn cung cấp cho thị trường BĐS… Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn yếu kém, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông, những dự án phát triển BĐS vẫn tập trung ở khu vực trung tâm đô thị, chưa phát triển được ra vùng ngoại ô, vì vậy làm giảm sức hút và qui mô của thị trường BĐS… Thêm vào đó là việc chúng ta chưa tạo được một hành lang hỗ trợ thông thoáng về mặt chính sách, đặc biệt là khâu cải cách hành chính từ Trung ương đến cơ sở, để các nhà ĐTNN có thể giải quyết công việc của mình theo đúng thời gian quy định mà không gặp những trở ngại không đáng có.
Tiềm năng để ngỏ
Trong các chiến lược phát triển liên quan đến thị trường BĐS Việt Nam: Diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 105.000 ha hiện nay lên đến 460.000 ha vào năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa 28% hiện nay, dự kiến sẽ đạt tới khoảng 45% vào năm 2025. Nhu cầu về nhà ở đặc biệt là nhà ở đô thị để đáp ứng cho số dân đô thị khoảng 23 triệu người hiện nay, dự kiến sẽ tăng lên 46 triệu người vào năm 2025. Nếu chỉ tính riêng nhu cầu nhà ở đô thị, trung bình mỗi năm Việt Nam đã cần phải phát triển thêm 35 triệu m2 nhà để phấn đấu đạt 20 m2 nhà ở/người tại đô thị vào năm 2020…
Nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại cũng đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu về văn phòng loại A, B, căn hộ cao cấp cho thuê, khách sạn 3-5 sao tại các đô thị lớn. Dự kiến, riêng tại Tp.HCM nhu cầu văn phòng loại A, B khoảng 200.000m2 và 10.000 phòng khách sạn loại 3 - 5 sao trong vài năm tới. Tại Hà Nội, khách sạn phục vụ khách quốc tế cũng thiếu nghiêm trọng. Đặc biệt, Việt Nam đang là thị trường thu hút sự quan tâm của các tập đoàn bán lẻ thế giới (nhu cầu về các công trình dịch vụ thương mại, siêu thị sẽ tăng). Nhu cầu về phát triển hạ tầng khu kinh tế và khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao cũng vô cùng lớn với tổng vốn đầu tư lên đến nhiều chục tỷ USD…
Tất cả những điều đó cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam đang hiển hiện tiềm năng rất lớn để thu hút đầu tư. Chỉ có điều, các chính sách có được cải thiện theo hướng minh bạch hơn thị trường này hay không mà thôi.
(Theo Bộ TNMT)
- 0
- By Admin
- 16/09/2010
- 17