• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Để phát triển GTVT thủ đô giai đoạn 2011 - 2015, cần 260.000 tỷ đồng

Bản báo cáo này gây ấn tượng bởi danh mục và số vốn đầu tư “khủng”, 260.000 tỷ đồng cho giao thông thủ đô 5 năm tới.

Để phát triển GTVT thủ đô giai đoạn 2011 - 2015, Sở GTVT Hà Nội dự kiến nhu cầu vốn là xấp xỉ 260.000 tỷ đồng. 102.000 tỷ đồng từ nguồn vốn này sẽ “rót” cho các tuyến đường vành đai, trong khi các trục chính đô thị dự kiến ngốn 50.000 tỷ đồng.

Hoá giải tắc nội đô bằng đường vành đai

Trong kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ của Hà Nội 5 năm tới (2011-2015), thành phố đặt mục tiêu ưu tiên hoàn chỉnh các tuyến vành đai 2, vành đai 3 theo hướng một phần đi trên cao. Đặc biệt đoạn tuyến vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Nhật Tân sẽ được tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành nhằm tạo được tuyến vành đai hoàn chỉnh để điều tiết và hạn chế ùn tắc giao thông cho nội đô.

Không phải lần đầu quy hoạch mạng lưới đường bộ Hà Nội được đưa ra bàn bạc

Các “trọng điểm” khác cũng được xem xét như triển khai đầu tư trước đoạn vành đai 4 từ Quốc lộ 32 - Quốc lộ 6, Quốc lộ 6 - Quốc lộ 1. Cải tạo, mở rộng các quốc lộ hướng tâm như Quốc lộ 1A cũ từ Văn Điển - Cầu Giẽ, Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai, Quốc lộ 3 cũ… Một số trục đô thị quan trọng được xác định đầu tư: Ô Chợ Dừa - Voi phục, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (vành đai 1), hoàn thành tuyến Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng, tuyến Văn Cao - Hồ Tây, mở mới tuyến Tôn Thất Tùng - vành đai 3 - vành đai 3,5…

Một số nút giao thông quan trọng khác cũng được đầu tư như: nút giao đường vành đai 2 với Trần Duy Hưng, Láng Hạ, nút giao Cầu Chui, nút giao Huỳnh Thúc Kháng - Láng Hạ, nút Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch…

Ông Lê Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tỏ ra lo ngại vì triển vọng đặt ra cho 5 năm tới quá lớn. “Đưa ra danh mục đầu tư lớn như thế này mà không thực hiện được sẽ mâu thuẫn với thực tế hiện nay khi ta đang chủ trương đầu tư tập trung, tránh dàn trải” - ông Vinh phân tích.

Vị Phó Viện trưởng kiến nghị kế hoạch 5 năm chỉ nên tập trung làm cho xong hệ thống đường “khung” là 4 đường vành đai. Theo ông Vinh, đến 2015, chưa hi vọng giãn được dân theo định hướng của quy hoạch chung đến 2030. Mà hiện tại Hà Nội đang đặc biệt “tắc” ở khu vực nội thành, cần tập trung “gỡ” khu vực này bằng hệ thống đường “khung”. Ông Vinh nhấn mạnh, trước mắt, chỉ cần hoàn thành đường vành đai 1, sẽ “thông” được khu vực lõi.

5 lần ngân sách vẫn không đủ

Về hệ thống giao thông tĩnh, giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến sẽ phát triển diện tích các bến, bãi đỗ xe, phấn đấu tăng thêm 300 - 426 ha. Khoảng 40 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô sẽ được xây dựng.

5 năm tới, Hà Nội cũng phấn đấu nâng 65 tuyến xe buýt với sản lượng vận chuyển từ 422 triệu lượt khách năm 2011 lên 77 tuyến với sản lượng 777 triệu lượt năm 2015. Dự kiến lượng taxi tăng từ 14.000 xe, vận chuyển khoảng 42 triệu lượt khách/năm lên 20.000 xe với 70 triệu lượt khách/năm.

GĐ Sở GT-VT (đứng) báo cáo phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội đến 2015.

Đại diện Sở Xây dựng nhận định, bức tranh giao thông Hà Nội 5 năm tới vẫn khó hình dung khi nỗ lực giảm phương tiện cá nhân không hiệu quả. Giao thông công cộng hiện chỉ đáp ứng được 8 - 9% yêu cầu. Đường phố sẽ chưa thể “thông” nếu lúc nào cũng có hàng nghìn hàng vạn ô tô, xe máy cá nhân đang lưu thông.

“Gật đầu” với nhận định này, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng cho rằng “công sức làm đường bao nhiêu mà phương tiện không kiểm soát thì cũng bỏ sông bỏ biển”.

Báo cáo của Sở GT-VT cũng khiến nhiều đại biểu tham dự “choáng” vì con số nhu cầu vốn cho phát triển GTVT thủ đô giai đoạn này dự kiến cần xấp xỉ 260.000 tỷ đồng. Trong số này, vốn từ ngân sách TƯ là 12.000 tỷ đồng, ngân sách thành phố gần 54.000 tỷ đồng, vốn ODA gần 14.000 tỷ đồng và lớn nhất là vốn BT, BOT, PPP gần 180.000 tỷ đồng. Khoảng 40% nguồn vốn này “rót” cho các tuyến đường vành đai (102.000 tỷ đồng). Các trục chính đô thị cũng dự kiến ngốn 50.000 tỷ đồng.

Đại diện Sở Xây dựng đặt dấu hỏi về tính khả thi của kế hoạch. Theo đó, số vốn đầu tư lên tới gần 260.000 tỷ đồng là vượt cả mức tổng đầu tư toàn xã hội của Hà Nội trong 5 năm tới. “Kịch bản” phát triển giao thông thủ đô như vậy có thể “tràn” qua 2015, tới tận 2020 cũng chưa chắc xong.

Đại diện Sở xây dựng cũng tính toán, mỗi năm tăng đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó có hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện mới dao động trong mức 4000-5000 tỷ đồng. “Như vậy, 5 năm tới, có nhân 5 lần ngân sách cũng không đủ. Tốc độ tăng trưởng của thành phố, giỏi lắm cũng chưa được 100.000 tỷ đồng chứ đừng nói gì 260.000 tỷ đồng” - đại biểu cảnh báo.

Theo đại biểu, cần xem lại quan điểm đầu tư, phải xác định đâu là trọng tâm, là khâu đột phá và phải đưa được giải pháp để đảm bảo tính khả thi khi xây dựng kế hoạch.

(Theo Dân trí)

  • 0
  • By Admin
  • 20/04/2011
  • 17