• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đề nghị truy tố Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn bất động sản VN

Đối tượng bị đề nghị truy tố là Lê Hồng Bàng, Tổng Giám đốc CTCP Sàn bất động sản Việt Nam cùng đồng phạm với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Kết thúc giai đoạn điều tra, đã có 256 người bị hại có đơn khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Liên kết tạo dựng dự án "ma"

Quá trình điều tra làm rõ Công ty Sàn bất động sản Việt Nam được thành lập từ tháng 4/2008, thời gian đầu do Nguyễn Trọng Ký giữ chức danh Tổng Giám đốc. Đến tháng 11/2008, đăng ký của công ty thay đổi với người đại diện chức danh Tổng giám đốc là Lê Hồng Bàng cùng 2 cổ đông sáng lập là Nguyễn Trọng Kỹ và Vũ Thị Minh (vợ của Bàng). Căn cứ vào sổ sách của công ty cho thấy từ khi thành lập đến tháng 3/2009, công ty không hoạt động kinh doanh, không báo cáo tài chính. Từ trụ sở làm việc của công ty tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy đến nhà ở của vợ chồng Lê Hồng Bàng ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, đều là nhà thuê.

Mặc dù CTCP Sàn bất động sản Việt Nam không có chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng, không có khả năng tài chính để tiến hành đầu tư xây dựng nhưng từ tháng 3/2009, Tổng Giám đốc Lê Hồng Bàng đã ký 4 hợp đồng liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án khu nhà ở thấp tầng, chung cư, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại với Hà Tuấn Linh - Giám đốc Công ty Hoàng Hà và Hoàng Văn Cường - Giám đốc Công ty Cường Thịnh, mục đích để Bàng đứng ra thu tiền trái pháp luật làm vốn đầu tư.

Lê Hồng Bàng (X) thời điểm bị cơ quan điều tra bắt giữ.

4 dự án này đều nằm trên địa bàn xã Minh Khai, huyện Từ Liêm gồm dự án khu nhà ở Phương Đông trên lô đất diện tích 25.000m2; dự án khu nhà ở 683 diện tích 100.000m2; dự án khu nhà ở Lộc Hòa diện tích 40.000m2; dự án khu nhà ở 683B diện tích 200.000m2.

Trong 4 dự án này, chỉ dự án Phương Đông được Hà Tuấn Linh đại diện Công ty Hoàng Hà có văn bản đề xuất UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng xin chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án. Đối với tên dự án này, sau khi nhận văn bản của UBND TP Hà Nội  giới thiệu, Sở KH&ĐT đã có văn bản gửi các Sở, ngành liên quan thẩm tra nội dung thuộc lĩnh vực chuyên ngành quản lý về đề nghị của Công ty Hoàng Hà.

Văn bản tham gia ý kiến của các Sở Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch kiến trúc và UBND huyện Từ Liêm nêu rõ: Khu đất nằm trong ranh giới quy hoạch chi tiết khu vực Phú Diễn, Minh Khai, huyện Từ Liêm tỷ lệ 1/2000 do Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và CTCP Vinaconex 2 là những đơn vị được UBND TP Hà Nội giao tổ chức lập quy hoạch, Sở QHKT đã thẩm định chưa được UBND TP phê duyệt.

Như vậy, xét về mặt quy hoạch kiến trúc, đề xuất của Công ty Hoàng Hà xin xây dựng khu nhà ở cao tầng và thấp tầng là không phù hợp với chức năng ô đất xác định tại quy hoạch chi tiết nên chưa được chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập dự án theo quy định. Mặt khác, Sở KH&ĐT chưa thụ lý hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án có tên nêu trên.

Thế nhưng, chỉ dựa vào các văn bản của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nhận và giải quyết hồ sơ xin lập dự án, Lê Hồng Bàng đã đưa ra "lòe" khách hàng để cam kết tính pháp lý của các dự án do Bàng và đồng bọn tạo ra là có thật, từ đó thu tiền của người có nhu cầu. Để khách hàng không nghi ngờ gì, Bàng ký hợp đồng tư vấn giao cho Nguyễn Văn Hòa - Tổng Giám đốc CTCP Tư vấn và Xây dựng ART (công ty này do Hòa và vợ chồng Bàng là các cổ đông sáng lập), thực hiện thiết kế tổng mặt bằng khu nhà ở theo tỷ lệ 1/500. Mặc dù thiết kế này cũng chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt nhưng theo chỉ đạo của Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh, Lê Hồng Bàng đã cho nhân viên in các bản thiết kế của 4 dự án, sử dụng để quảng cáo cho khách hàng chọn, đăng ký mua căn hộ trên bản vẽ.

Sau khi thu tiền của khách hàng, Lê Hồng Bàng cùng Đoàn Văn Kim nhận chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân xã Minh Khai, tổ chức đưa máy lu, máy đào, ủi để san nền trên tổng diện tích hơn 10.000m2 tại địa điểm khu Lò Gạch và Đòng Ré. UBND xã Minh Khai và UBND huyện Từ Liêm đã lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử phạt hành chính về hoạt động xây dựng này. Thế nhưng khách hàng do không biết thông tin, khi được Lê Hồng Bàng và các đối tượng giới thiệu đưa đến địa điểm thực hiện dự án, thấy máy móc san ủi mặt bằng nên càng tin những dự án của CTCP Sàn bất động sản Việt Nam là có thật nên đã tiến hành mua căn hộ dưới hình thức "Hợp đồng góp vốn".

Cơ hội nào cho khách hàng đòi tiền?

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT xác định từ tháng 2/2009, Lê Hồng Bàng ký hợp đồng vay vốn, đưa ra giá bán căn hộ là 6,5 triệu đồng/m2 đất, sau đó giá bán tăng dần và Bàng còn thu tiền chênh ngoài hợp đồng với giá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/m2. Đến tháng 7/2009, giá bán được tăng lên tới trên 28 triệu đồng/m2. Bàng đã cùng nhân viên công ty lập 841 hợp đồng vay vốn, thu tổng số tiền trên 346 tỷ đồng của khách hàng.

Cùng thời gian này, Hà Tuấn Linh và Hoàng Văn Cường lấy danh nghĩa Công ty Cường Thịnh thu của khách hàng góp vốn trên 78 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền các đối tượng đã thu trong 4 dự án "ma" này là trên 424 tỷ đồng. Bàng lấy ra trên 17 tỷ đồng trong tiền thu được để chi tiêu cá nhân, chuyển cho Hoàng Văn Cường 166 tỷ đồng, chuyển cho Hà Tuấn Linh trên 54 tỷ đồng và chi cho các cá nhân, công ty do Bàng là thành viên sáng lập trên 45 tỷ đồng.

Các dự án "ma" do Bàng và đồng phạm tạo dựng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức hợp đồng góp vốn.

Tháng 8/2009, khi vụ việc được cơ quan Công an phát hiện và bắt giữ Lê Hồng Bàng, Hà Tuấn Linh, Hoàng Văn Cường đã bỏ trốn. Khám xét và phong tỏa tài khoản của các công ty và cá nhân các đối tượng có liên quan, cơ quan Công an thu giữ 4 ôtô trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng và 5,8 tỷ đồng tiền mặt.

Trong thời gian điều tra vụ án, 256 người bị hại có đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền trên 198 tỷ đồng. Trong số tiền 346 tỷ đồng mà CTCP Sàn bất động sản Việt Nam thu, công ty đã trả lại cho khách hàng thanh lý hợp đồng trên 63 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều người bị hại còn khai, để mua được các căn hộ trong 4 dự án mà Lê Hồng Bàng đưa ra, họ phải thông qua môi giới và trả số tiền vênh rất lớn, từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ. Các đối tượng này đã trục lợi bằng hình thức đăng quảng cáo trên mạng Internet, trên báo "Mua và bán", hoặc giới thiệu người đến gặp Lê Hồng Bàng mua căn hộ, hoặc mua lại suất của những người đã đặt mua trước đó nhằm thu tiền vênh.

Sau khi sự việc xảy ra, những đối tượng này không trả lại tiền vênh cho bị hại nên cơ quan điều tra đã đề nghị Viện Kiểm sát kiến nghị Tòa án đề cập việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong bản án đối với những trường hợp có giấy biên nhận thu tiền vênh ngoài hợp đồng góp vốn nhằm giúp người bị hại thu hồi được tài sản. Để xác định những sai phạm của các hộ dân tại xã Minh Khai trong việc chuyển nhượng đất nông nghiệp, Cơ quan điều tra đã ra quyết định tách tài liệu và có văn bản gửi UBND huyện Từ Liêm đề nghị thanh tra xem xét và có hình thức xử lý hành chính.

Kết thúc điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đề nghị truy tố Lê Hồng Bàng, Tổng Giám đốc CTCP Sàn bất động sản Việt Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 139 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt quy định tù từ 12 năm, 20 năm hoặc chung thân. Đối với 3 bị can Hoàng Văn Cường, Hà Tuấn Linh, Đặng Hoàng Duy là đồng phạm của Lê Hồng Bàng trong vụ án này do đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra sẽ đề nghị xử lý sau khi bắt giữ.

(Theo CAND)

  • 0
  • By Admin
  • 01/12/2010
  • 17