Đề nghị thu hồi, chuyển đổi chủ đầu tư của nhiều khu công nghiệp
Báo cáo trên cũng cho biết, danh sách các KCN đã thu hồi, hoặc đang bị đề nghị thu hồi đã được lập ở hàng loạt địa phương.
Cụ thể, tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành thu hồi dự án KCN Bá Thiện và giao cho Ban Quản lý các KCN làm chủ đầu tư hoàn thiện hạ tầng của dự án này giai đoạn 1. Cùng với đó, Ban Quản lý KCN Vĩnh Phúc cũng cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh giảm quy mô dự án KCN Bình Xuyên II từ 481,5 ha xuống còn 45,6 ha; phần diện tích còn lại đang mời nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản).
UBND tỉnh Hải Dương cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty TNHH Phúc Hưng (Đài Loan). Tỉnh này cũng chuyển đổi chủ đầu tư dự án KCN Cẩm Điền - Lương Điền bàn giao cho Công ty CP phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore. Còn KCN Cộng Hòa - Chí Linh thì được yêu cầu khẩn trương xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư.
Nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh thành vẫn đang trong tình trạng để hoang hóa. Ảnh TL |
Phía UBND tỉnh Hưng Yên thì chỉ đạo Ban Quản lý các KCN yêu cầu chủ đầu tư của các KCN nhanh chóng xây dựng hạ tầng để mời gọi đầu tư, tiến hành rà soát và đề xuất đưa các dự án KCN Minh Quang, KCN Vĩnh Phúc, KCN Ngọc Long và KCN Megastar ra khỏi quy hoạch phát triển KCN đến năm 2020.
Với các tỉnh thành miền Nam, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tiến hành tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng để đầu tư hạ tầng cho dự án KCN Long Hương. Tỉnh này còn yêu cầu chủ đầu tư của KCN Long Sơn (850 ha) nhanh chóng làm thủ tục bồi thường, GPMB và đầu tư xây dựng hạ tầng KCN. Nếu chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính chưa thể triển khai thì được phép giảm tiếp quy mô KCN hoặc sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
UBND tỉnh Long An cũng đang có chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài hàng rào của dự án KCN Đức Hòa III và KCN Đông Nam Á đồng thời hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác GPMB. Với những phần diện tích đất của KCN khó có thể đền bù, GPMB thì được phép giảm diện tích quy hoạch. Tỉnh Long An cũng đang xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các chủ đầu tư có khó khăn về tài chính để chuyển giao cho chủ đầu tư khác có năng lực.
UBND tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận cũng đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của các dự án KCN Nam Cam Ranh (Khánh Hòa), Du Long (Ninh Thuận) đồng thời tìm kiếm chủ đầu tư khác có năng lực.
Trong khi đó, UBND các tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Phước, Tiền Giang và Cà Mau được yêu cầu phải chỉ đạo Ban Quản lý các KCN, KKT nhanh chóng tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để đầu tư hạ tầng các KCN đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Báo cáo trên còn cung cấp thông tin, hiện có 14 KCN trên toàn quốc vẫn đang có tỷ lệ lấp đầy thấp; chưa đền bù, GPMB và chưa triển khai xây dựng hạ tầng. Trong số này, có 5 trường hợp KCN được giải quyết theo hướng giảm diện tích quy hoạch, chuyển đổi nhà đầu tư và chuyển đổi mục đích sử dụng đất để có thể tiếp tục triển khai thực hiện dự án, đó là: dự án KCN Quang Minh II - Hà Nội, dự án KCN Cộng Hòa - Chí Linh và KCN Cẩm Điền - Lương Điền (Hải Dương), dự án KCN Kim Động (Hưng Yên) và dự án KCN Phong Phú (Tp.HCM).
Như vậy, tính đến cuối năm 2014, tại địa bàn các tỉnh thành trong cả nước đã có 295 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê chiếm khoảng 56.000 ha, tương đương 66% tổng diện tích đất tự nhiên. Hiện có 212 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 60.000 ha và 83 KCN đang trong giai đoạn đền bù GPMB và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 24.000 ha.
- 136
- By Admin
- 23/03/2015
- 17