Để giảm rủi ro khi mua nhà
Theo quy định, nhà đất tham gia giao dịch phải đảm bảo không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan có thẩm quyền. Do đó nhà đất nào đang bị kê biên hoặc bị cấm chuyển nhượng... gọi chung là bị hạn chế giao dịch thì đều không được chuyển nhượng, nếu chuyển nhượng thì chắc chắn giao dịch bị tuyên vô hiệu.
Oái oăm thay, thực tế có rất nhiều trường hợp nhà đất đang nằm trong tình trạng bị hạn chế giao dịch nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà lại không bị tạm giữ hoặc tịch thu. Người mua hoàn toàn không thể biết được tình trạng “khó ở” của căn nhà, thấy có sổ nên yên tâm và đồng ý mua.
Hạn chế giao dịch... âm thầm
Một nguyên nhân hết sức quan trọng dẫn tới các rủi ro cho người mua tài sản, đó là các quyết định về việc hạn chế giao dịch của các cơ quan có thẩm quyền như tòa án, cơ quan thi hành án, viện kiểm sát... thường chỉ có chính cơ quan đó và đương sự biết, chứ không được công bố rộng rãi và cũng không có một cơ quan nào có thể quản lý thống nhất được việc này. Thậm chí có trường hợp tài sản ở tỉnh này nhưng cơ quan ra quyết định hạn chế giao dịch lại thuộc tỉnh khác.
Còn về phía người bán, nhằm tẩu tán tài sản hoặc để tránh thực hiện nghĩa vụ, họ lại càng cố gắng bưng bít thông tin. Cuối cùng là do không có sự kết nối thông tin đồng bộ giữa phía công chứng và các cơ quan ban hành quyết định nên hợp đồng cũng “qua” trót lọt khâu công chứng.
Do đó đã có không ít trường hợp người mua đã ký hợp đồng, chồng tiền mua bán xong xuôi mới “té ngửa” khi được trưng ra quyết định về việc hạn chế giao dịch.
Thông tin nên quy về một mối
Hiện nay, cơ chế quản lý thông tin bằng việc quy về một đầu mối đã được áp dụng đối với tài sản bị hạn chế giao dịch do đang bị cầm cố, thế chấp, bảo lãnh. Cơ chế này đã và đang phát huy tốt, vì vậy tôi cho rằng việc quản lý thông tin về hạn chế giao dịch tài sản cũng nên áp dụng như thế.
Theo đó, tất cả quyết định của cơ quan có thẩm quyền như tòa án, viện kiểm sát, thi hành án và các cơ quan nhà nước khác về việc hạn chế giao dịch đối với nhà đất thì nên đưa về văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, còn nếu tài sản bị hạn chế là động sản (như máy móc, thiết bị, tàu thuyền, xe cộ...) thì đưa về Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Bộ Tư pháp.
Để đảm bảo thông tin của hai cơ quan nói trên luôn được chính xác, đầy đủ thì nên có quy định: các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền có liên quan đến tình trạng pháp lý của tài sản, liên quan đến hạn chế giao dịch tài sản chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba sau khi đã được văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản ghi nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu.
Theo tôi, cơ chế này sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin trước khi quyết định thực hiện các giao dịch lớn như mua nhà đất, hạn chế rủi ro cũng như tranh chấp xảy ra. Đối với các văn phòng công chứng, đây cũng sẽ là một kênh thông tin quan trọng giúp hoạt động của công chứng được chính xác hơn, tránh được các rủi ro cho văn phòng công chứng.
(Theo Thanh niên)
- 292
- By Admin
- 13/08/2010
- 17