Đề cao quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT, đại diện Ủy ban Pháp luật QH và các cơ quan chuyên môn tham gia buổi giao lưu.
Thu hồi đất được nhiều người dân quan tâm
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, qua tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân tại các tỉnh thành và cơ quan trên toàn quốc cho thấy nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề như: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gần 30%, 1.991.176 lượt ý kiến); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1.407.554 lượt ý kiến); quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai (798.496 lượt ý kiến); tài chính đất đai và giá đất (743.309 lượt ý kiến); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (738.879 lượt ý kiến). Ngoài ra nội dung về quy hoạch sử dụng đất, xử lý đối với dự án treo như thế nào; quyền người sử dụng đất, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất đai.
Cũng theo ông Hiển, dự thảo Luật Đất đai lần này có những điểm mới nổi bật như, làm rõ hơn quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai (không phải nhiều quyền hơn); quy định rõ ràng và cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Nhà nước sẽ hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp theo hướng mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích việc nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; quy định chặt chẽ chế độ sử dụng đất trồng lúa, đất rừng nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường.
Dự án Thành phố giao lưu bị “treo” 10 năm nay |
Đồng thời, Nhà nước sẽ tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường thông qua việc hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để tính thu các nghĩa vụ tài chính khi giao đất, cho thuê đất, khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất.
Quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân
Trả lời câu hỏi về sự thiếu minh bạch trong quản lý và tham nhũng về đất đai, ông Hiển cho rằng luật cơ bản đã đạt được kết quả ở góc độ tạo sự minh bạch trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Điều đó góp phần làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai thông qua việc bổ sung quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai…
Về vấn đề tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, bà Hoàng Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế (Bộ TN&MT) cho biết, trong thời gian qua, việc sử dụng đất của các tổ chức sử dụng còn chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, còn để xảy ra nhiều tiêu cực như sử dụng không đúng diện tích, không đúng mục đích, không sử dụng, để bị lấn chiếm…
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, dự thảo Luật đã được xây dựng theo hướng chuyển các đơn vị sự nghiệp sang áp dụng hình thức thuê đất trả tiền hàng năm thay cho quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất hiện nay. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định vừa áp dụng biện pháp thuế lũy tiến, vừa áp dụng biện pháp hành chính thu hồi đất đối với các trường hợp chậm đưa đất đã được giao, cho thuê vào sử dụng; tổ chức đấu giá đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.
Thẩm định năng lực chủ đầu tư trước khi giao dự án
Để hạn chế tình trạng dự án treo trong khi người dân trong vùng dự án không có đất canh tác, ông Nguyễn Đắc Nhẫn, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, vấn đề này đã được khắc phục trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng: Bổ sung quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, gồm: Có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm các quy định của pháp luật đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác.
Đồng thời, dự thảo Luật quy định xử lý đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng theo hướng: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất và không thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Dự kiến, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII (từ ngày 20/5 đến ngày 25/6/2013), Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi).
- 215
- By Admin
- 10/05/2013
- 17