Đề án sửa đổi, bổ sung 25 điều của Luật Đất đai: "Gỡ vướng" luật Đất đai
Dự kiến, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8 này. Điểm mới đầu tiên của Dự luật được người dân đặc biệt quan tâm là việc xây dựng và ban hành giá đất.Khác với trước đây, việc xây dựng khung giá đất do UBND cấp tỉnh xây dựng hàng năm và công bố vào ngày đầu tiên của năm, Dự thảo Luật lần này đã giao cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng giá các loại đất tại địa phương theo kỳ 5 năm một lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ.
Điều khác biệt lớn nhất là khung giá đất trên chỉ được sử dụng để làm căn cứ tính các loại thuế, lệ phí về đất, tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất và tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Trong trường hợp giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm 30% so với giá do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và công bố công, thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Riêng đối với việc xác định giá đất để bồi thường giải phóng mặt bằng và một số công việc khác, Dự thảo Luật nêu rõ: “UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định giá đất sát với giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường khi giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất; xác định giá sàn trong đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà đưa giá trị quyền sử dụng đất vào cổ phần hóa; tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước".
Để xác định giá đất cho những công việc trên, Dự thảo Luật yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập tổ chức định giá đất để thực hiện việc định giá đất và thành lập hội đồng để thẩm định giá đất trước khi quyết định ban hành giá đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có hướng dẫn cụ thể về cơ chế hoạt động của tổ chức định giá đất và hội đồng thẩm định giá đất.
Đối với quy định về đất sử dụng ổn định lâu dài, Dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ thêm một số loại đất như sau: đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao; đất vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở không được công nhận là đất ở; đất ở do hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng; đất ở giao cho tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê; đất do tổ chức kinh tế đang sử dụng làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguồn gốc từ đất của hộ gia đình, cá nhân; đất do Nhà nước giao theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.
Những quy định về đất sử dụng có thời hạn cũng được bổ sung nhiều nội dung mới. Cụ thể, thời hạn cho thuê đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đối với hộ gia đình, cá nhân là không quá 20 năm; thời hạn cho thuê đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất đối với hộ gia đình, cá nhân là không quá 50 năm.
Thời hạn cho thuê đất được tính từ ngày có quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp đất được Nhà nước cho thuê trước ngày 15/10/1993, thì thời hạn cho thuê đất được tính từ ngày 15/10/1993.
Khi hết thời hạn cho thuê, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng đất và sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức do được giao trước ngày 1/1/1999, thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Theo Đầu Tư
- 338
- By Admin
- 08/08/2008
- 17