• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đẩy mạnh sản xuất thép bằng việc kích thích đầu ra

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, vấn đề lớn nhất hiện nay là phải kích thích đầu ra để đẩy mạnh sản xuất và tạo việc làm cho lao động trong ngành.
Đẩy mạnh sản xuất thép bằng việc kích thích đầu ra | ảnh 1
Nguồn: baohaiquan.vn

- Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất thép đã giảm sản lượng nhưng hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Thưa ông, vậy lượng thép tồn kho cao có nguyên nhân chính từ đâu?

Trong 9 tháng qua, sản xuất và tiêu thụ thấp so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 10%. Nhưng có thể thấy, công suất của nhà máy đang hoạt động và nhà máy đang xây dựng tại nước ta là khoảng 11 triệu tấn, vượt so với nhu cầu sử dụng. Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành cũng phải cạnh tranh với nhau. Trong khi đó, thép sản xuất ở nước ngoài tiếp tục được nhập khẩu vào nước ta, với số lượng ngày càng tăng.

Dựa trên số liệu cung cấp của cơ quan hải quan thì thấy, thép cán nóng dạng cuộn của Trung Quốc tăng 179% so với 7 tháng năm ngoái; cán nóng dạng tấm riêng nhập khẩu từ quốc gia này cũng tăng 199%, thép mạ kẽm khổ hẹp tăng 131%, thép xây dựng dạng cuộn (phi 6, phi 8) tăng 557%, thép xây dựng dạng thanh tăng 123% và thép hình tăng tới 1.612%. Bên cạnh đó, việc các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như than, điện, xăng, dầu đều tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, có nguy cơ phá sản.  

- Trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp đã có những giải pháp nào để ổn định sản xuất, giảm hàng tồn kho?

Tính đến 30.6 lượng tồn kho là 360.000 tấn, đến cuối tháng 7.2012 là 330.000 tấn, tháng 8.2012 là 315.000 tấn và cuối tháng 9 khả năng tồn kho khoảng 320.000 tấn. Tồn kho như vậy là vẫn cao nhưng cũng thấp hơn so với dự báo. Kết quả này có được do việc áp dụng các biện pháp kiềm chế, tiết giảm sản xuất của các doanh nghiệp trên cơ sở thị trường, nhằm giảm hàng tồn kho, gây lỗ lớn cho mỗi đơn vị.

Trong đó, doanh nghiệp trong hiệp hội đang phối hợp để đưa ra mức sản xuất phù hợp với sức mua của thị trường. Giải pháp này giúp tránh gây căng thẳng về ứ đọng hàng hóa, dù đây đang là thời điểm mùa xây dựng cuối năm. Thứ hai là tiếp tục bàn cách để giảm các chi phí thông qua những tiến bộ kỹ thuật mới, giảm chi phí gián tiếp, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Thứ ba là đẩy mạnh xuất khẩu các loại thép để giảm sức ép trong nước, mặc dù nhiều sản phẩm xuất khẩu không có lãi nhưng vẫn tiến hành nhằm giảm sức căng ở trong nước.

- Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và hiệp hội cần có những giải pháp nào để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh thép, thưa ông?

Tôi thấy rằng, trước mắt, không nên tiếp tục cấp phép đầu tư sản xuất những sản phẩm trong nước đang dư thừa công suất, đang cung lớn hơn cầu. Đây là giải pháp giúp ổn định thị trường lâu dài. Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp bí nhất là đầu ra nên Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích đầu ra. Cụ thể như thuế VAT hiện nay đang được đề nghị giảm từ mức 10% xuống 5%, để khuyến khích người tiêu dùng. Tôi cũng cho rằng, tại các công trình cơ sở hạ tầng, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích sử dụng sắt thép, xi măng trong nước để kích cầu sản xuất, tạo việc làm.

Đồng thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thép nói riêng, cũng như các doanh nghiệp nói chung có thể tiếp cận vốn. Và tăng cường kiểm tra chống gian lận thương mại vì hiện nay tình hình nhập khẩu thép từ các nước vào tương đối nhiều. Một vấn đề nữa là cũng cần nghiên cứu áp dụng những biện pháp tự vệ cần thiết để hạn chế việc nhập khẩu các loại thép mà trong nước đang dư thừa. Nhưng có thể thấy, vấn đề lớn nhất hiện nay là đầu ra cho sản phẩm thép. Kích thích đầu ra sẽ đẩy mạnh được sản xuất, tạo việc làm cho lao động trong ngành.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo ĐBND)

  • 247
  • By Admin
  • 26/09/2012
  • 17