Nhiều nhược điểm
Số lượng và tỷ lệ các dự án vi phạm các quy định quản lý đầu tư có xu hướng tăng lên (năm 2005 có 1.822 dự án vi phạm, chiếm 14,57%; năm 2006 có 3.173 dự án, chiếm 18,19%; năm 2007 có 4.763 dự án chiếm 16,6%). Tình trạng dự án chậm tiến độ vẫn chưa được khắc phục, còn có xu hướng tăng dần lên theo các năm; các dự án phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện có xu hướng tăng lên về số lượng cũng như tỷ lệ. Nếu như năm 2005 có 28 dự án có lãng phí, chiếm 0,1%; năm 2006 có 8 dự án có lãng phí, chiếm 0,03% thì năm 2007 có 17 dự án có lãng phí, chiếm 0,06% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong năm.
Xu hướng “tăng lên” ở phần “hạn chế” này được thể hiện rất rõ trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn Bộ Tài chính thì cho biết, qua kiểm soát thanh toán từ năm 2005-2007, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện nhiều khoản thanh toán sai chế độ, tính trùng lắp hoặc thừa khối lượng, áp dụng sai định mức, đơn giá và đã từ chối thanh toán hơn 1.570 tỷ đồng (trong đó năm 2005 là 554 tỷ đồng, năm 2006 là 551 tỷ đồng, năm 2007 là 465 tỷ đồng).
3 Thứ trưởng bức xúc về 1 luật
Là một người có nhiều năm làm công tác xây dựng cơ bản, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng được mời có mặt ở tất cả các cuộc làm việc của Đoàn giám sát với 8 bộ, ngành. Ông cho biết: “Mặc dù đoạn đầu báo cáo của các bộ ngành đều có nhận định chung rằng, hệ thống chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước cơ bản là đầy đủ, hợp lý, nhưng khi vào việc cụ thể, hoặc trước các câu hỏi chất vấn của đoàn giám sát, bộ nào cũng chỉ ra những khiếm khuyết của hệ thống chính sách”.
Được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Xây dựng. Theo Điều 122 Luật Đất đai năm 2003, yêu cầu hồ sơ xin cấp đất của nhà đầu tư phải có đơn xin cấp đất, giấy phép đầu tư, và hồ sơ dự án mới được giao đất. Nhưng theo Điều 37 Luật Xây dựng thì nhà đầu tư lại không thể xin phê duyệt và cấp phép đầu tư nếu không có đất cho dự án! Một ví dụ khác: tuy phát biểu trong những buổi làm việc hoàn toàn khác nhau, nhưng có đến 3 vị thứ trưởng cùng bày tỏ nỗi bức xúc về Luật Đấu thầu. Ông Ngô Thịnh Đức (Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) than: “Lắm khi di chuyển có một cái cột điện để giải phóng mặt bằng cũng mất cả năm”, chỉ vì Luật Đấu thầu quy định quá chi tiết! Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên thì cho rằng, cứ theo luật, thời gian đấu thầu mất trung bình 5- 6 tháng, nếu có tranh cãi thì một năm là chuyện thường ở các dự án. Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp công nhận, ngay cả trong trường hợp chỉ định thầu thì quy trình chọn lựa nhà thầu cũng khá phức tạp, phải trải qua nhiều khâu, dù là với các gói thầu có giá trị nhỏ. Vấn đề đặt ra đối với Luật này là vấn đề nào cần quy định khung, vấn đề nào cần quy định chi tiết.
Không kém phần “nóng bỏng” là chuyện chính sách quản lý xây dựng cơ bản thay đổi đến chóng mặt. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, thời kỳ 1980- 1990, các nghị định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản ít thay đổi, 3- 4 năm mới bổ sung, sửa đổi một lần, nhưng từ năm 1999 đến nay thì “ông bạn Xây dựng” liên tục sửa đổi, bổ sung. Nói có sách, mách có chứng: năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định 16 quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí đầu tư xây dựng công trình. Một năm sau đó, Nghị định 112 ra đời, sửa đổi bổ sung Nghị định 16. Được biết, một nghị định khác sửa đổi Nghị định 112 đang được Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo và đang trên đường đệ trình lên Thủ tướng. Nghị định liên tục được sửa đổi, bổ sung như vậy, các ban quản lý dự án có kịp hiểu mà áp dụng không? Câu hỏi này của một thành viên Đoàn giám sát nêu ra với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên đã bất ngờ khơi lên vấn đề chất lượng của các ban quản lý dự án, “niềm đau chôn giấu” của rất nhiều bộ ngành!
Nhân lực thiếu và yếu!
Được hỏi về sự chậm trễ của chương trình kiên cố hóa trường lớp học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận lý giải, một nguyên nhân quan trọng là do “cán bộ quản lý dự án không đủ năng lực và cơ chế quản lý không phù hợp với điều kiện cán bộ”. Tương tự, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm, tiến độ thi công và giải ngân các công trình y tế đều chậm, và với năng lực hạn chế hiện nay, các ban quản lý dự án của ngành này khó làm thay đổi cục diện đầu tư yếu kém (ngành y tế luôn luôn bị quá tải về cơ sở hạ tầng nhưng năm 2007 đã không “tiêu hóa” được hết số ngân sách được bố trí, phải trả lại).
Được biết, Luật Xây dựng có quy định trong trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực thì có thể thuê tư vấn giám sát, quản lý từng phần, nhưng trên thực tế việc này cũng không dễ thực hiện. Một đại diện của Bộ Giao thông Vận tải nói thẳng: “Chúng tôi biết thuê ai, khi mà cả nước hiện mới có 2 công ty tư vấn chuyên nghiệp?! Thuê tư vấn nước ngoài thì tiền đâu? Chưa kể mức chi phí quy định của ban quản lý dự án không cho phép”. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận kể một chuyện thật như đùa: Bộ đã cho phép dự án Đại học Tây Bắc thuê tư vấn cho ban quản lý dự án “với cơ chế rất thoáng” nhưng tìm kiếm ở Sơn La cả tháng trời không được ai, vì những người có chuyên môn về xây dựng cơ bản đã bị thu hút hết vào công trình thủy điện Sơn La. Xuống Hà Nội “chiêu hiền đãi sĩ” cũng không được.