Đầu tư vào BĐS du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân
Đại diện Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) vừa cho biết, trong quý I/2012, Saigontourist sẽ khởi công xây dựng Dự án Khách sạn Sài Gòn - Vĩnh Long (4 sao) tại TP. Vĩnh Long, với tổng vốn đầu tư 157 tỷ đồng. Theo thiết kế, khách sạn có diện tích 2.300 m2, 9 tầng, 84 phòng. Dự kiến, khách sạn sẽ hoàn thành vào quý III/2013.Kế đến, Saigontourist sẽ đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Phú Quốc (5 sao) tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), với tổng vốn đầu tư là 85,08 triệu USD. Với diện tích 205,6 ha, quy mô 900 phòng khách sạn, sân golf 27 lỗ, Dự án dự kiến sẽ được khởi công trong quý II/2012 và hoàn thành vào quý IV/2014.
“Saigontourist xác định Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là thị trường lớn, tuyến điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn, home-stay rất hấp dẫn. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhằm phát triển một cách hệ thống các dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch”, vị đại diện Saigontourist nói.
Dự kiến, từ nay đến năm 2015, trung bình mỗi năm Saigontourist ước sẽ đầu tư mới 1.000 tỷ đồng vào lĩnh vực du lịch nội địa.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội chợ Du lịch quốc tế (ITC HCMC) với chủ đề “Bốn quốc gia một điểm đến” đang diễn ra tại Tp.HCM, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, vừa qua Vingroup đã đầu tư vào du lịch qua thương hiệu Vinpearl với chuỗi các dòng sản phẩm du lịch về nghỉ dưỡng và lưu trú với hai dòng thương hiệu là Vinpearl Luxury và Vinpearl Resort tại Nha Trang, Đà Nẵng.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào ngành du lịch. Chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Hội An, Phú Quốc, Đà Lạt... Vinpearland sẽ được đầu tư lớn hơn, phát triển dịch vụ vui chơi giải trí, mở rộng những hoạt động hiện có để kéo dài thêm ít nhất một ngày lưu trú khi du khách đến Nha Trang”, ông Hiệp nói.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư vào du lịch thời gian qua chủ yếu là của khối doanh nghiệp tư nhân.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2006 - 2010, riêng tại khu vực ĐBSCL, vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vào du lịch là 2.197 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với tổng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Mới đây, hai doanh nghiệp lữ hành đã ký thỏa thuận đầu tư vào lĩnh vực vui chơi giải trí tại ĐBSCL. Cụ thể, Dự án Khu vui chơi giải trí do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Địa Cầu làm chủ đầu tư, sẽ thực hiện trong Công viên Trần Huỳnh, phường 7 (TP. Bạc Liêu), với tổng vốn đầu tư 90 tỷ đồng và có thể sẽ sớm triển khai. Tiếp theo, Dự án Khu du lịch Công tử Bạc Liêu do Saigontourist liên kết cùng Công ty cổ phần Sinh thái Rồng Việt Bạc Liêu đầu tư. Dự án được thực hiện tại phường 3 (TP. Bạc Liêu), với số vốn dự kiến từ 250 đến 300 tỷ đồng, bắt đầu triển khai ngay trong năm nay.
Một điểm đáng chú ý là, xuất phát từ dự báo lĩnh vực du lịch sẽ sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nên các tỉnh đang “chạy đua” kêu gọi đầu tư vào du lịch. Riêng các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL đã mời gọi tổng cộng 88 dự án đầu tư vào du lịch, trong đó có 55 dự án khu nghỉ dưỡng – khu du lịch sinh thái – điểm tham quan; 18 dự án khách sạn- nhà hàng…, với tổng vốn đầu tư lên đến 19.230,9 tỷ đồng.
Dù du lịch đang là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư, song tình trạng cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực…, nhất là ở khu vực ĐBSCL chưa đồng bộ đang là trở ngại cho thu hút đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Nga, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Đồng Tháp nêu rõ: “Dù cho DN cố gắng tạo ra sản phẩm du lịch có tính đặc thù đến đâu, nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém, không có đường dẫn đến nơi có sản phẩm du lịch đặc thù đó, thì cũng rất khó phát triển du lịch”.
Theo các chuyên gia, hiện có 4 “nút thắt” đòi hỏi ngành du lịch cần sớm tháo gỡ, đó là phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển sản phẩm du lịch; liên kết và quảng bá xúc tiến du lịch và đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
(Theo VIR)
- 0
- By Admin
- 16/09/2011
- 17