• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đầu tư phòng khách sạn cho thuê: Tại sao không?

Ở một số nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Australia hay New Zealand, hình thức đầu tư này đã có từ lâu, nhưng có lẽ ở Singapore đây là chuyện mới. Mới đây, các công ty môi giới bất động sản (BĐS) trên đảo Sư Tử đã bắt đầu quảng cáo các cơ hội đầu tư của các chuỗi khách sạn quốc tế ngoài lãnh thổ Singapore với những tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn.

Cụ thể, tháng 8 vừa qua, NS Global Properties đã quảng cáo cơ hội cho nhà đầu tư mua các phòng khách sạn cao cấp ở Malacca, Malaysia. Các loại phòng này, với mức giá tối đa 240.000 đôla Singapore (SGD) - khoảng 4 tỷ đồng Việt Nam, được quản lý bởi chuỗi khách sạn quốc tế Best Western với tỷ suất lợi nhuận 7%/năm.

Theo quảng cáo của NS Global Properties, thu nhập từ tiền thuê được đảm bảo đến 10 năm. Một hãng môi giới khác của Singapore là Reapfield Property Consultants đang xúc tiến dự án căn hộ có người phục vụ mang tên Chifley Suites tại Auckland, New Zealand với tỷ suất lợi nhuận cũng 7%/năm nhưng chỉ đảm bảo trong 4 năm.

Theo thông tin từ nhật báo The Straits Times (TST), các nhà đầu tư châu Á, chủ yếu là người Singapore, đã đăng ký mua 35% số căn hộ nói trên.

Đầu tư phòng khách sạn cho thuê: Tại sao không? | ảnh 1
Dự án đầu tư căn hộ có người phục vụ cho thuê Chifley Suites tại Auckland, New Zealand.

Loại hình đầu tư mua phòng khách sạn hay căn hộ có người phục vụ này khác với mô hình “time-share”. Theo đó một phòng khách sạn được một nhóm người đồng sở hữu và mỗi thành viên có quyền sử dụng miễn phí một khoảng thời gian.

Tính hấp dẫn của “time-share” nhiều khi bị lạm dụng và trên thế giới đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo nên mô hình này cũng bị tai tiếng.

Theo ông Peter Thng, Giám đốc điều hành của Reapfield Property Consultants, người đã có kinh nghiệm tiếp thị các dự án phòng khách sạn cho thuê từ gần 2 thập niên nay: “Mua phòng khách sạn cho thuê là sự kết hợp giữa đầu tư BĐS thương mại và nhà ở. Bạn sở hữu một loại BĐS nhà ở nhưng lại giao nó cho một nhà điều hành khách sạn chuyên nghiệp trong một thời gian trung và dài hạn để hàng tháng được hưởng một khoản thu nhập từ tiền thuê.

Sở hữu phòng trong khách sạn với giấy chứng nhận quyền sở hữu cũng không khác gì sở hữu căn hộ trong một chung cư.

Có nhiều cách thỏa thuận khác nhau nhưng nói chung người mua sẽ ký với khách sạn một hợp đồng cho thuê từ 10-20 năm và trong thời gian này căn phòng này sẽ được khách sạn khai thác kinh doanh. Mỗi năm, bạn có quyền sử dụng căn phòng của mình trong vài ngày”.

Theo ông Thng, nếu so với hình thức đầu tư căn hộ thông thường, việc mua phòng khách sạn cho thuê thường có tỷ suất lợi nhuận cao hơn bởi phòng khách sạn thường được cho thuê theo ngày chứ không theo tháng.

Nhìn chung, đầu tư bằng cách mua phòng khách sạn cho thuê phù hợp với những ai muốn ăn ngon ngủ yên: nhà điều hành khách sạn sẽ quản lý việc cho thuê, kế toán và việc bảo dưỡng cơ sở vật chất. Kết quả kinh doanh của khách sạn tùy thuộc vào tình hình kinh tế của quốc gia hay vùng nơi họ kinh doanh.

Đầu tư phòng khách sạn cũng không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như trong việc đầu tư căn hộ nhà ở. Tại Singapore, muốn mua phòng khách sạn cho thuê, nhà đầu tư thường phải chờ cơ hội khi có triển lãm giới thiệu dự án với ngân sách cho mỗi phòng khách sạn không quá 1 triệu SGD. Chi phí phát sinh cũng không khác đầu tư căn hộ như thuế trước bạ, phí luật sư.

Để cho đồng tiền mình sinh lời hiệu quả, nhà đầu tư phải dành thời gian nghiên cứu trước khi quyết định. Thí dụ, khách sạn nơi mình mua phòng phải nằm ở vị trí tốt, giao thông thuận tiện và có những điểm thu hút du khách. Một yếu tố quan trọng không kém là công ty quản lý khách sạn có đàng hoàng và uy tín hay không.

Theo ông Thng, nếu không cẩn thận, hợp đồng có thể thiên vị nhà điều hành khách sạn và ảnh hưởng đến thu nhập của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nhà đầu tư vẫn phải chịu chi phí điều hành như dịch vụ phòng cao, trong khi nhà quản lý vẫn hưởng thu nhập cao. Tốt nhất là vài năm phải xem xét điều chỉnh hợp đồng.

Thu nhập từ tiền thuê cũng thay đổi hàng tháng tùy thuộc vào tình hình kinh doanh, ngoại trừ có một thỏa thuận đảm bảo mức lợi nhuận cố định. Nhưng dù sao đi nữa, rủi ro không có lợi nhuận hầu như thấp hơn so với BĐS nhà ở thông thường vì hiếm khi hiệu suất sử dụng phòng của khách sạn bằng 0.

Lê Hữu Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
(Theo SG ĐTTC)

  • 145
  • By Admin
  • 05/10/2012
  • 17