Đầu tư hạ tầng: Cần quan tâm tới lợi ích xã hội
Dưới đây là bài viết của TS. Hoàng Tùng, thay mặt nhóm chuyên gia Bộ môn Đường ô tô và đường đô thị (ĐH Xây Dựng), phan tích về đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao).Hiệu quả của hình thức BT trong việc thu hút một nguồn vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư tư nhân là đã rõ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngoài việc quan tâm tới lợi ích kinh tế của mình, nhà đầu tư cũng phải có chú ý đặc biệt tới lợi ích của xã hội. Các lợi ích đó là gì, cách quan tâm ra sao?
Có thể lấy dự án đường trên cao làm một ví dụ. Trong thực trạng hiện nay về kinh tế, xã hội, quỹ đất của thành phố Hà Nội, rõ ràng việc xây dựng đường trên cao là cần thiết. Tuy vậy, khi làm đường trên cao, trước hết cần phải chú ý đến quy hoạch chung của Hà nội đã được phê duyệt. Nếu để xảy ra hiện tượng nhà đầu tư được "sửa quy hoạch", sẽ dẫn đến tiền lệ rất nguy hiểm.
Tiếp đó, liên quan đến vấn đề tổ chức giao thông. Các ách tắc giao thông của Hà Nội chỉ được giải quyết triệt để khi chúng ta đưa ra các giải pháp mang tính hệ thống, tổng thể. Nếu theo cách làm hiện nay, rất dễ dẫn đến tình trạng làm manh mún, chuyển ách tắc từ khu vực này sang khu vực kia, và như vậy tắc vẫn hoàn tắc. Cách xử lý đó, có thể coi như theo kiểu của đàn kiến, chặn chỗ này, lại bò sang chỗ kia.
Vấn đề thứ ba là hạ tầng kỹ thuật, vị trí xây dựng công trình. Hiện nay, đại đa số đường phố của Hà Nội đều có mặt cắt ngang hẹp (hai làn xe). Vậy nếu bố trí đường trên cao tại các khu vực này, mặt cắt ngang đường hiện trạng sẽ bị thu hẹp rất nhiều (để dành đất cho các kết cấu mố, trụ).
Trong khi đó, nếu chúng ta tăng số làn xe ở phần đường trên cao, sẽ làm cho đường sát vào nhà dân. Như vậy, hàng lọat dân cư bên đường sẽ chịu hậu quả lớn về ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi. Cảnh quan đô thị vì thế mà cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Điều này có thể kiểm chứng một phần tại khu đô thị Linh Đàm-Hà Nội.
Vấn đề cuối cùng là giá thành xây dựng. Nhà đầu tư tư nhân theo hình thức BT, vì lợi ích riêng, sẽ có xu hướng tăng giá trị công trình. Từ đó, dẫn đến sử dụng nhiều loại kết cấu to, nặng (đắt tiền), làm ảnh hưởng nhiều tới mĩ quan đô thị, trong khi giá trị sử dụng không tăng lên.
Với các nội dung trên, khi các cấp có thẩm quyền ra các quyết định đầu tư cho các dự án xây dựng công trình giao thông đô thị theo hình thức BT, nên thông báo rộng rãi, trưng cầu ý kiến của người dân trong khu vực có công trình và của các nhà chuyên môn.
Về phía nhà đầu tư, nên quan tâm đến quy hoạch chung và các biện pháp tổ chức giao thông tổng thể của đô thị, chú ý lựa chọn vị trí đặt công trình có quỹ đất đủ lớn, các loại kết cấu gọn nhẹ, có khả năng tái sử dụng, tháo lắp (ví dụ kết cấu thép). Vấn đề môi trường, cảnh quan đô thị cũng là nội dung phải được đặt lên hàng đầu.
Có như vậy, hình thức đầu tư BT mới thực sự đem lại kết quả cao cho thủ đô Hà Nội.
Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (gọi tắt là hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT. |
(Theo VEF)
- 0
- By Admin
- 16/03/2011
- 17