Đầu tư đô thị hai bên sông Hồng: Dùng quỹ đất tạo vốn thực hiện
Nước sông đang ngấp nghé tràn lên đường ở khu dân cư bờ Nam sông Hồng
Ông Chiến giải thích kỹ hơn: Một trong những mục tiêu chính của dự án là bảo đảm thoát lũ cho Hà Nội. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống đê sông Hồng sẽ được nắn chỉnh lại theo hướng giữ tuyến đê cũ đồng thời xây dựng tuyến đê mới. Như vậy khả năng an toàn trước lũ của Hà Nội sẽ cao hơn. Hơn thế, giữa 2 tuyến đê sẽ hình thành một quỹ đất lớn lên đến 2.462ha. Trong quỹ đất này, có 700ha thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên dự kiến xây dựng các công trình tầm vóc quốc gia, 1.700ha thuộc địa bàn Hà Nội. Trong 1.700ha này lại có 200ha được nghiên cứu bố trí là công viên đô thị. Diện tích còn lại chia 8 khu vực dọc hai bên bờ, có khả năng khai thác phát triển đô thị. Và chính quỹ đất này sẽ tạo ra nguồn vốn thực hiện toàn dự án.
Cũng theo ông Chiến, trong tổng nguồn vốn thực hiện nghiên cứu quy hoạch cơ bản của dự án 4,5 triệu USD thì phía TP Soeul - Hàn Quốc hỗ trợ 9 phần, Hà Nội chỉ đóng góp một phần. Kết quả, Hà Nội có được một nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng (mà nói như Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn) “Kỹ nhất và công phu nhất” (trong các nghiên cứu về sông Hồng từ trước tới nay - PV). Nếu dự án được phép triển khai, quy hoạch cơ bản sẽ là cơ sở để nhà tư vấn lập quy hoạch chi tiết xây dựng.
Thời cơ đang đến?
Ông Chiến cho biết, trong thời gian triển lãm kéo dài 1 năm, tổ Dự án Sông Hồng sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các giới chuyên môn, của nhân dân đóng góp cho dự án. Hiện tại, các ý kiến đóng góp tạm theo 3 nhóm chính. Nhóm thứ nhất (chiếm 60%) ủng hộ và đề nghị nhanh chóng tổ chức lập dự án quy hoạch xây dựng. Nhóm thứ hai, cũng đồng ý với việc triển khai dự án nhưng cần có những điều chỉnh cục bộ. Nhóm ý kiến thứ ba thì vì nhiều lý do, vẫn còn băn khoăn, lo lắng.
Khu dân cư ven Sông
Một trong những nguyên nhân khiến nhóm ý kiến 3 lo lắng là trước nghiên cứu này, từ năm 1954 (khi số dân cư trú tại bãi sông mới chỉ 2 - 3 vạn người) đến nay có không ít nghiên cứu quy hoạch chỉnh trị sông Hồng nhưng sau khi đem bàn rút cục đều gác lại. Trong khi, dân cư ngoài bãi tiếp tục phát triển tự phát và hiện lên đến con số gần 20 vạn người. Con số này chắc chắn chưa dừng lại.
Để giải toả nỗi lo lắng này, ông Chiến phân tích: Những khi ấy, thời cơ chưa tới. Chính luật pháp cũng là một rào cản. Pháp lệnh Đê điều cấm mọi tác động đến hệ thống đê. Nhưng thời điểm này thì khác, Luật Đê điều đã được ban hành. Theo đó các nhóm đối tượng nằm trong hành lang đê, hành lang thoát lũ đều phải giải toả, di dời. Tức là dù có hay không có dự án thì rất nhiều hộ dân đang sống ngoài đê sông Hồng cũng phải thực hiện di dời ra khỏi hành lang thoát lũ.
Một thuận lợi khác là quy hoạch thoát lũ trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu… đã được phê duyệt. Đây là căn cứ quan trọng trong nghiên cứu chỉnh trị sông Hồng. Bởi khi xác định hành lang thoát lũ rồi, chuyên gia sẽ có cơ sở khoa học đề xuất xây dựng tuyến đê mới.
Việc di dời dân sẽ căn cứ trên cơ sở pháp luật. Những đối tượng còn lại, dựa trên nghiên cứu cơ bản, sẽ cho điều tra hiện trạng, từ đó phân loại đánh giá và quyết định công trình nào để lại, công trình nào phải di dời - ông Chiến nói - Ngược lại, nếu vẫn lừng khừng thì hai bên bờ sông dân số tiếp tục tăng, các công trình xây dựng tiếp tục phát triển tự phát thành bức tường bê tông. Lòng sông bị thu hẹp, không bảo đảm yêu cầu thoát lũ. Cuộc sống của người dân sống ven sông thiếu an toàn. Thậm chí, nếu không bảo đảm thoát lũ, tức nước vỡ bờ, khi ấy sẽ là mất an toàn cho Thủ đô. “Đây chính là thời điểm thích hợp để nghiên cứu quy hoạch hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội” - một lần nữa ông Chiến khẳng định.
Được biết, trong năm 2008, dự án sẽ lần lượt báo cáo 7 bộ liên quan, đầu tiên là Bộ NN&PTNT, kế đó là Bộ Xây dựng.
Theo Báo Xây dựng
- 212
- By Admin
- 20/08/2008
- 17