• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đầu tư đất nền ngoại tỉnh: Chết vì “điểm nóng”

Còn nhớ đầu năm 2007, thị trường BĐS Bình Dương bỗng dưng nóng cao độ, chính sách quy hoạch, phát triển hạ tầng làm Thành phố mới trở thành điểm nóng, hút dân đầu tư kéo nhau về săn đất. Người người tranh nhau mua làm giá nhà tăng chóng mặt. Tuy nhiên đó chỉ là chuyện quá khứ, hiện tại nhà đất Bình Dương gần như đã mất “thiêng”.  

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, khu liên hiệp công nghiệp – dịch vụ - đô thị Bình Dương, nơi được xem là khu đất vàng tập trung nhiều dự án lớn, các sàn môi giới, doanh nghiệp BĐS một thời nay rơi vào thực trạng đìu hiu vắng lặng, cửa đóng then cài vì khách giao dịch thưa thớt. Khu vực Phú Mỹ, Hòa Lợi, Phú Chánh, Định Hòa… vốn tập trung nhiều dự án hiện cũng chỉ giao dịch cầm chừng, có nơi còn đóng cửa. Anh Lê Văn Đạt, chủ một công ty môi giới tại Bình Dương cho biết, mấy năm trở lại đây, dân đầu tư ở Tp.HCM và Hà Nội không còn mặn mà với nhà đất Bình Dương như trước kia, giao dịch nhà đất đa phần là khách hàng trong tỉnh, lúc trước còn có một số từ miền Tây và vùng lân cận mua đầu tư nhưng sang tay không được nên giờ để đất chết. Mới năm vừa rồi thị trường vẫn sôi động, hầu như tuần nào khu này cũng đón khách từ thành phố về xem đất nhưng gần đây thì thưa thớt, hợp đồng cũng khó chốt hơn trước kia, có nhiều khách ký giữ chỗ rồi lại trả. Nhiều nhà đầu tư trót lao vào đầu tư lớn giai đoạn sốt đất giờ phải ngậm ngùi vì muốn bán lỗ cũng khó tìm người mua. 

Đất nền ngoại tỉnh
Đất nền ngoại tỉnh trở thành nơi chôn vốn của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: vnxpress

Tương tự Bình Dương, khu vực Long Thành, Nhơn Trạch là điển hình về điểm nóng nhà đất tại Đồng Nai. Năm 2009, thông tin về quy hoạch phát triển sân bay Long Thành làm cảng hàng không lớn nhất phía Nam khiến giá đất khu vực này ngay lập tức tăng vùn vụt. Nhà đầu tư Hà Nội, Tp.HCM đổ xô về Đồng Nai săn đất tốt, đất dự án, đất thổ cư, thậm chí đất nông nghiệp cũng bị xẻ bán với giá trên trời. Đất nền Nhơn Trạch từng một thời gây sốt theo thông tin triển khai các dự án hạ tầng nối liền Tp.HCM, viễn cảnh tươi sáng được cò vẽ ra đã làm mê muội không ít người mua giúp nhà đất khu vực này sôi động một thời gian dài.

Tuy nhiên, hiện tại nhiều nhà đầu tư đang “vỡ mộng” khi giá đất ở khu vực đã chững lại thậm chí tụt dốc. Từ chỗ có trong tay nhiều mảnh đất vàng, nhiều nhà đầu tư bỗng chốc trở thành những kẻ nợ nần chồng chất vì mắc kẹt vốn tại đây. Vừa qua, khi chính sách xây sân bay lần nữa được thông qua, giới cò đất lại được dịp tung chiêu, thổi giá làm thị trường xôn xao trở lại. Ông Võ Văn Điền, một nhà đầu tư Sài Gòn chia sẻ, bản thân ông đang nắm hơn gần chục nên đất tại Đồng Nai mua từ năm 2009,  khi đó nhà đất khu này còn rất nóng. “Lúc đó giá mua vào chỉ tầm khoảng 600-800 tr/lô, mấy tháng sau đã lên đến 900 triệu -1 tỷ, mục tiêu của tôi là kiếm lời từ đền bù hoặc chuyển nhượng lại khi giá đất tăng cao nhưng được 1-2 năm thì giá chựng lại rồi nằm chết dí. Gần đây nghe đâu lại tăng nhưng tôi thấy toàn là thổi giá ảo, đất tôi đăng bán giá gốc hơn năm nay còn chẳng thấy có người mua”. 

Dù thị trường không còn mặn mà nhưng giá nhà đất ở Bình Dương, Đồng Nai  thời gian qua vẫn tăng đều đều. Sự tăng giá này phần nhiều là do giới đầu cơ làm giá, can thiệp quá nhiều nên khi chính sách tín dụng bị siết chặt, thị trường rất dễ bị đóng băng. Dân đầu tư nóng lòng bán ra để bảo toàn vốn làm cho nguồn cung thứ cấp dư thừa, nhà đất sang tay liên tục, một lô đất được mua đi bán lại 3-4 lần. Anh Trần Mạnh Hào, giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại thành phố mới Bình Dương cho biết: “Các công ty môi giới chỉ muốn phân phối các dự án mới, đối với sản phẩm ký gởi bán lại thì rất khó tìm người mua, không có khách nên doanh nghiệp cũng không mặn mà dù được trả phí hoa hồng cao. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bán ra với giá gốc nhưng chẳng có mấy giao dịch thành công”. 

Một khi tỉnh lại sau cơn sốt đất do đón không đúng điểm rơi, nhiều nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận những hệ quả mà nó để lại. Sau giai đoạn đổ xô tranh mua bằng được thì giờ lại phải tranh nhau bán ra. Không ít người đang chết dở vì ngâm vốn liên tục, ôm một đống tài sản mãi chưa sinh lợi. “Dân địa phương thì không đủ tiền mà dân thành phố thì đâu mặn mà sinh sống ở khu vực này. Giới đầu tư thì nhiều người rút còn không kịp, chưa ai vội quay lại ngay lúc này nên đất mới khó bán”, ông Điền chia sẻ.

Hiện tại chỉ có bộ phận nhỏ khách hàng lớn tuổi là còn chuộng xu hướng sở hữu đất như một tài sản tích lũy, dân đầu tư trẻ hay giới văn phòng thì chọn cách đầu tư sinh lợi nhanh, xoay vòng vốn nhanh thay vì để tiền chết quá lâu một chỗ. Vì vậy, khu vực có tiềm năng, phân khúc nào sinh lợi tốt mới có sức thu hút. Nhìn chung xu hướng đầu tư vào các dự án tại Tp.HCM với khả năng bán ra tốt hơn được chuộng thay cho việc đi săn nhà đất ở tỉnh. 

Phương Uyên
(Theo Nhịp sống thời đại)

  • 0
  • By Admin
  • 31/07/2015
  • 17