Đầu tư cho sân vườn- tùy cơ ứng biến
Không gian chuyển tiếp
Dĩ nhiên, với một vài gia chủ, một khoảng sân vườn có cây xanh, khoảng đất... là vừa đủ để sử dụng, nhưng nếu gia đình bạn có điều kiện để đầu tư kỹ càng cho sân vườn của mình, thì deck – sàn ngoại thất là một trong những lựa chọn phổ biến khi nhắc đến một nơi sinh hoạt và giải trí thú vị ngoài trời.
Sự phong phú về mặt hình thức của sàn ngoại thất là tập hợp từ sự đa dạng về vật liệu lát (gỗ, bêtông, đá, gạch vỉa hè...) cùng với sự tương quan giữa nó với công trình chính (sàn tiếp giáp cấu trúc nhà, sàn hồ bơi, sàn nổi...). Sự thú vị ở đây là chúng hoàn toàn có thể kết hợp đan xen cùng nhau để cung cấp cho bạn vô số không gian mới mẻ và khác lạ cho những khu vực vốn quen thuộc như khu vực ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn hoặc vui chơi cho trẻ em...
Tuy nhiên trong phạm vi bài viết hôm nay chỉ xin đề cập đến loại sàn tiêu chuẩn tiếp giáp với cấu trúc nhà mà ta thấy phổ biến nhất hiện nay. Mang đặc tính vừa hướng ngoại lại vừa hướng nội, loại sàn này được xem là một trong những khoảng đệm trung gian rất độc đáo mà chỉ cần một vài lưu ý nhỏ, bạn hoàn toàn có thể tạo ra một “bước chuyển” dung hoà, cân bằng mà vẫn bền vững, ổn định cho ngôi nhà của mình.
Vị trí ánh sáng và bóng đổ tinh tế
Bạn có cảm thấy thú vị và hứng khởi không khi vào một ngày đẹp trời bạn có thể bước ra một góc sân vườn yên ả của mình và tận hưởng khoảng không gian thiên nhiên dưới những bóng nắng lung linh và thơ mộng?
Có thể nói ánh sáng tự nhiên luôn mang đến một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại trong thiết kế. Chính vì vậy việc lựa chọn một vị trí lắp đặt sàn ngoài trời đạt được sự giao hoà hợp lý với với nguồn sáng tự nhiên là điều cần thiết tiên quyết nhất. Song song đó thì việc tận dụng và xử lý tốt bóng đổ tạo ra từ các mái che nhân tạo và cây trồng xung quanh sẽ càng làm cho khu vực sinh hoạt ngoài trời thêm phần tiện dụng và bắt mắt. Nắng gió là của trời, sân vườn là của ta, chỉ cần chú ý chút ít đến hướng nắng, hướng gió và nhiệt lượng, sao cho vừa có thể che được nắng gắt, vừa tạo được hiệu ứng bóng râm dễ chịu, mà đồng thời vẫn để lộ những khoảng trời cho gia chủ tận hưởng thiên nhiên thì thật là tuyệt vời!
Lẽ thường, cái thú tận hưởng nắng gió đó chỉ có thể thoả mãn cho gia chủ... vào ban ngày. Điều đó không có nghĩa là đến đêm thì cái khoảng sàn thú vị này trở thành vô dụng đâu nhé. Bằng sự bố trí, xếp đặt khéo léo ánh sáng nhân tạo từ các dạng đèn phục vụ mục đích chiếu sáng lẫn trang trí, đặc biệt là đèn chiếu lối đi, bậc thang... về đêm, “deck” trở thành một thế giới khác hẳn, ấm cúng, gần gũi và tĩnh tại. Việc bố trí đèn không khó, nhiều cách, nhiều chủng loại, nhưng cần chú trọng về kiểu dáng sao cho hài hoà với phong cách kiến trúc và cảnh quan sân vườn. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lắp đặt thêm đèn tạo nhiệt làm ấm không khí và sàn ngoài trời vào những khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp, nhất là các khu vực có khí hậu thay đổi rõ rệt theo mùa và các giờ trong ngày.
Nhu cầu hoà trộn và kết nối
Sàn ngoài trời là một gạch nối giữa không gian nội thất và không gian sân vườn. Bởi vậy để tạo được sự tự nhiên và ăn khớp giữa trong và ngoài, đôi khi bạn cần phải “kỳ công” hơn trong việc chọn lựa vật liệu, hình dáng, cách thi công và chăm chút cho khu vực sàn ngoài trời của mình.
Một trong những cách phổ biến là tạo mảng sàn bám theo ranh giới chung quanh khu vực kết nối. Việc này có thể là một thách thức đối với bạn, nhưng khi kiên trì thực hiện thành công với từng mảnh ván sàn bạn sẽ nhận được kết quả hết sức bất ngờ. Sự tinh tế, thanh lịch pha trộn giữa các tầng sàn và môi trường xung quanh sẽ khiến những người khách của bạn phải trầm trồ khen ngợi. Đây cũng là một cách sử dụng hiệu quả không gian sẵn có, bổ trợ cho vẻ đẹp của sàn ngoài trời và tạo được nét chuyển tiếp mạnh mẽ với cảnh quan xung quanh.
Bên cạnh đó để tăng tính kết nối với không gian trong nhà, thì một số vật dụng nội thất có thể xuất hiện ở sàn vào một vài thời điểm đẹp trời trong năm. Chiếc sofa, bộ bàn tròn và giá đựng sách... sẽ thật sự tạo cho bạn sự thú vị với cảm giác “nửa trong nửa ngoài”. Song song đó thì sự lặp lại vật liệu, môtíp hay những hình thức cấu trúc gần đó cho các bộ phận khác nhau của sàn ngoài trời cũng làm cho không gian này trông hài hoà và tự nhiên hơn.
Sử dụng những đường cong
Sàn ngoài trời với những nét kỷ hà, đường thẳng và những góc vuông luôn là sự lựa chọn phổ biến và đơn giản khi thi công cảnh quan sân vườn. Tuy nhiên, chúng có thể “điệu đà” hơn nếu được kết hợp với các đường cong mềm mại, len lỏi, giao hoà linh hoạt với cảnh vật và cây cỏ xung quanh.
Từ lan can vòng cung, cái hoạ tiết uốn lượn đến sàn bo góc mềm mại, tất cả đều có thể uyển chuyển để hoà mình vào thiên nhiên, và trên hết là góp phần làm tăng nét độc đáo bắt mắt cho khu vực sinh hoạt ngoài trời của bạn. Bên cạnh đó bạn cũng cần phải chú trọng việc liên kết các mối nối và lựa chọn vật liệu phù hợp cho các khu vực chịu uốn cong. Gỗ tuyết tùng tây còn non là một sự lựa chọn tốt bởi tính mềm dẻo, màu sắc ấm áp, và khả năng chịu đựng thời tiết ngoài trời khá cao.
Cấu trúc linh động và đa chức năng
Ngày nay, đa dạng hoá chức năng có mặt rất nhiều trong kiến trúc nội ngoại thất, nó mang đến tính linh động cũng như đáp ứng được nhiều mục đích khác nhau trên cùng một khoảng không gian hay sản phẩm. Sàn ngoài trời cũng không ngoại lệ, một số hình thức sàn có sự kết hợp lan can với kệ, bồn hoa, băng ghế ngồi… đây thực sự là một ý tưởng tuyệt vời khi bạn muốn phá cách cho không gian sinh hoạt ngoài trời của mình, cũng như tạo một điểm dừng cho khu vực ranh giới, đồng thời đa dạng hoá chức năng cho sàn.
Với những khu vực khí hậu và thời tiết thay đổi quá nhanh thì một sàn ngoài trời với những kết cấu linh động thực sự là lựa chọn hiệu quả. Bạn có thể tạo ra một khoảng che mưa nắng cho khu vực sàn với các loại trần mềm như pergola có mái đóng mở hay đơn giản hơn với một chiếc ô di dộng mang hơi thở vùng nhiệt đới mà bạn có thể tuỳ chỉnh vị trí một cách dễ dàng. Ngoài ra một số sàn ngoài trời còn có các tấm chắn nghiêng, mành tre, màn sáo v.v có thể đóng mở để lấy gió và thoát nhiệt hết sức linh động.
Kết hợp vườn trên sàn
Thật không khó để tạo ra một khu vườn trên sàn vừa mang đậm cá tính gia chủ lại vừa có tác dụng làm mềm không gian và những góc chết không mong muốn.
Bạn hoàn toàn không cần một khoảng sân quá rộng cho cây trồng xung quanh, thay vào đó trồng cây trong chậu, bồn, v.v. là những thứ mà bạn có thể tự do di chuyển vị trí, thay đổi màu sắc chủng loại theo mùa và theo gu thưởng thức của chính mình. Đừng lo lắng vì những loại này thường không chiếm quá nhiều diện tích trên mặt sàn của bạn, thậm chí bạn có thể làm một khu vườn treo xinh xắn gắn liền với những giàn pergola hay dọc theo lan can của sàn cùng với dây treo chắc chắn sẽ góp phần làm không gian sinh hoạt ngoài trời thêm tươi mới và gần gũi với thiên nhiên.
Một sân vườn hoàn hảo với chi phí hợp lý hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn! Hãy liên hệ với công ty chúng tôi để được tư vấn, thiết kế và thi công cảnh quan sân vườn ngay từ bây giờ. Với đội ngũ những kiến trúc sư, kỹ sư cảnh quan chuyên nghiệp am hiểu về cảnh quan, phong thuỷ và đặc tính từng loại cây trồng, chúng tôi chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những không gian xanh giá trị và bền vững, mang thiên nhiên đến với bạn và hơn thế nữa!
Nhóm KTS Nguyễn Đình Thanh Tâm – Nguyễn Bảo Tiên Hoàng
Phòng nghiên cứu hình thái cảnh quan – Công ty CP DV Giải Pháp Cảnh Quan (LSS)
- 227
- By Admin
- 28/10/2013
- 17