• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đầu tư bất động sản: Có tiền, không biết làm gì

Đầu tư bất động sản: Có tiền, không biết làm gì | ảnh 1
Nhiều đầu tư bất động sản dường như đang mất phương hướng, cho dù không quá khó khăn về vốn

Giới đầu tư chứng khoán vẫn có câu “thị trường khó khăn thì người có tiền mặt là vua”, nhưng xem ra quan niệm đó có vẻ như không đúng với những nhà đầu tư địa ốc, thậm chí là cả những nhà tạo lập ra bất động sản.

Có tiền, không biết làm gì

Với những người có tiền, người ta vẫn thường khuyên nhau rằng, cứ “ném” vào nhà, đất là an toàn nhất, sinh lợi nhiều nhất. Tuy nhiên, đó là chuyện của dăm năm về trước. Còn hiện nay, khi mà thị trường bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn, người bán nhiều hơn người người mua thì chuyện “ném” tiền vào đất cát, nhà cửa lại không được “bở ăn” như trước.

Chỉ cần bỏ ra vài phút, bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy đầy rẫy trên mạng Internet những thông tin rao bán, bán lại các căn hộ, ô đất tại các dự án có tiếng ở Hà Nội như Times City, Royal City, Kim Chung - Di Trạch... với những mức chiết khấu, cắt lỗ lên tới 10 - 15%.

Với những người có nhu cầu mua nhà để ở, không quá khó để có thể tìm ra và kết nối được với những chủ nhân của căn hộ, lô đất trên ở hầu hết các dự án từ bé đến lớn trên địa bàn Hà Nội. Thậm chí, họ có thể đăng ký trực tiếp với các sàn, bộ phận bán hàng của các chủ đầu tư nhưng vẫn được hưởng chiết khấu ở mức cao.

Anh Việt Anh, một nhà đầu tư bất động sản cho hay, hơn một năm trước, cùng với phong trao “ôm” các dự án khủng, sàn giao dịch bất động sản của anh đã ôm một lúc gần 20 suất tại dự án Times City với kỳ vọng sẽ bán hết trong vòng vài ba tháng. Nếu thành công, anh và các cộng sự cũng có thể bỏ túi từ 1 - 2 tỷ đồng.

Thế nhưng, từ tháng 6 đến nay, chỉ có duy nhất một giao dịch thành công nên mọi trù tính của anh đều đổ bể. Theo tìm hiểu của anh, không phải là các nhà đầu tư nhỏ lẻ không có tiền, nhưng do tác động của tâm lý thị trường, đi đâu cũng thấy người người kêu bất động sản khó khăn nên họ cũng không vội xuống tiền, dù họ có nhiều, thậm chí rất nhiều.

Ngay như doanh nghiệp của vị này, là công ty cổ phần, hiện vốn góp của các cổ đông cũng lên tới trên 100 tỷ đồng dư thừa. Hai năm trước, họ còn sang tận Long Biên, Gia Lâm mua đất thổ cư rồi xây nhà để bán, cho thuê nhưng hiện nay cách làm đó cũng không còn hiệu quả khi đầu ra rất hạn hữu.

“Hiện nay chúng tôi không phải là không có tiền đầu tư, song do nhu cầu trên thị trường quá thấp nên đầu tư vào phân khúc nào cũng không có thanh khoản. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng để sản xuất, kinh doanh, còn chúng tôi có tiền cũng không biết rót vào đâu, nên cuối cùng cũng lại gửi tạm ở ngân hàng gỡ chút lãi, chờ thị thường ấm lên”, anh Việt Anh cho hay.

Thực tế trên xảy ra không chỉ với các nhà đầu tư mà với các chủ đầu tư, các nhà tạo lập bất động sản cũng chịu chung số phận.

Đại diện một tổng công ty bất động sản lớn của Hà Nội, cho hay doanh nghiệp này cũng vừa được thành phố cấp cho hơn 3.000 m2 đất ở khu Trung Yên để xây chung cư cao tầng. Tuy nhiên, do không huy động được thêm vốn từ cán bộ, nhân viên trong công ty cũng như nhà đầu tư bên ngoài nên kế hoạch khởi công dự án vào cuối năm nay đã phải hoãn lại.

Vị này chia sẻ, một phần vốn dành để đầu tư dự án trên hiện công ty cũng chưa biết sử dụng vào đâu, vì chức năng chính xưa nay là phát triển nhà và đầu tư bất động sản. Nay cả mảng này đang khó khăn thì nhiều phòng, ban của công ty cũng rỗi việc hơn ban giờ hết và tiền thì cũng bất đắc dĩ phải gửi tạm vào ngân hàng nhằm bảo toàn đồng vốn.

Nhiễu thông tin đầu tư

Ông Vũ Thế Năng, một nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp nói, hiện rất nhiều nhà đầu tư trong nhóm đầu tư của ông đang khá rủng rỉnh về vốn, tuy nhiên lại không biết là nên mua vào những sản phẩm nào, khu vực nào.

Theo ông, chung cư cao cấp hiện nay chắc chắn là không phải lựa chọn của các nhà đầu tư bởi tính thanh khoản của nó luôn nằm dưới cùng của bảng xếp hạng danh mục đầu tư từ vài năm nay.

Đất thổ cư trong các quận nội thành lại càng không bởi giá của nó quá cao, hơn nữa lại không có nhiều người bán nên đầu tư cũng khó.

Đích ngắm còn lại chỉ có thể là đất, các biệt thự nghỉ dưỡng ở các vùng ven thành phố. Song vùng nào có thể thành công mới chính là yếu tố quyết định. Bài học về đất Sóc Sơn, Đông Anh vẫn còn y nguyên trong nhóm đầu tư của ông.

“Một số khuyên chúng tôi nên hướng đến khu vực Ba Vì với đích đến là biệt thự, các lô đất trong các dự án ở khu vực Ba Vì, một số khác lại cho là nên hướng lên mạn Lương Sơn, Hòa Bình vì đó mới là điểm đến của những đại gia trong tương lai vì theo quy hoạch thu đô Xuân Mai mới là đô thị sinh thái của Hà Nội. Nói chung hiện chúng tôi đang bị rối thông tin về các khu vực đầu tư”, ông Năng phân trần.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của vị này, khu vực Xuân Mai, Hòa Bình sẽ là điểm đến tiềm năng cho những nhà đầu tư trường vốn, có ý định đầu tư lâu dài bởi hiện giá đất ở đây khá “mềm”, lại thuận tiện về giao thông, hạ tầng. Việc một số nhà đầu tư có tiếng đang âm thầm rót vốn vào khu vực này cũng không phải là không có cơ sở.

Trong một lần trao đổi mới đây với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho hay, đúng là nguồn tiền trong dân, từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ không thiếu, song thị trường chững lại là do ảnh hưởng của yếu tố tâm lý, trong đó có nguyên nhân là họ không biết đầu tư vào phân khúc nào, khu vực nào.

“Nếu như thập kỷ trước, thế giới chú trọng vào công nghệ thông tin thì thập kỷ này được xác định là của dịch vụ và sức khỏe. Chính vì vậy, cùng với chung cư có giá trung bình, thì đất thổ cư, các dự án nghỉ dưỡng ở vùng ven Hà Nội sẽ là những điểm đến tiềm năng cho giới đầu tư”, GS. Đặng Hùng Võ nhìn nhận về xu hướng đầu tư trong thời gian tới.

(Theo VnEconomy)


  • 0
  • By Admin
  • 20/09/2011
  • 17