Đầu tư BĐS tại Vĩnh Phúc có nguy cơ “mắc cạn”
Bội thực dự án nhà ởỞ thời điểm hoàng kim của thị trường bất động sản vài năm trước, sức nóng của thị trường địa ốc Hà Nội đã lan tỏa mạnh mẽ ra các tỉnh, thành phố lân cận, mà Vĩnh Yên là một địa phương tiêu biểu.
Theo con số thống kê không đầy đủ, trong 5 năm qua, trên địa bàn TP. Vĩnh Yên và các huyện lân cận của tỉnh Vĩnh Phúc, có gần 50 dự án nhà ở, khu đô thị lớn nhỏ được cấp phép đầu tư với diện tích chiếm đất hơn 1.000 ha. Không tính các dự án trên địa bàn huyện Mê Linh (đã sát nhập về Hà Nội) và bỏ qua các dự án sân golf, resort…, Vĩnh Phúc vẫn còn hàng loạt dự án bất động sản lớn như Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên (60 ha), Khu đô thị mới Xuân Hòa (33,3 ha), Khu đô thị mới Nam Đầm Vạc (39,5 ha), Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (447 ha), Khu đô thị mới Nam Đầm Cói – TMS (234 ha), Khu biệt thự Hồ Thiên Nga (14,5 ha), Khu dân cư Đồng Rừng – Hội Hợp (5,2 ha), Khu đô thị mới Hùng Vương – TMS (22 ha).
Ảnh chỉ mang tính minh họa |
Các doanh nghiệp ngành dầu khí trước đây muốn đầu tư vào Hòa Bình, nay chuyển hướng đầu tư về Vĩnh Phúc, với kế hoạch xây dựng Đại học Dầu khí và các khu đô thị đi kèm, với tổng diện tích hơn 448 ha.
Theo ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Toàn Cầu (GID), lý do trước hết khiến các nhà đầu tư bất động sản đăng ký đầu tư nhiều dự án vào Vĩnh Phúc xuất phát từ chính sách thu hút đầu tư của địa phương này. Với sự cởi mở của chính quyền địa phương, nhà đầu tư không gặp quá nhiều khó khăn khi thực hiện dự án đầu tư vào Vĩnh Phúc. Trong khi đó, “sức nóng” của thị trường địa ốc Hà Nội lại liên tục tăng cao, khiến nhiều người nhìn thấy tiềm năng phát triển dự án bất động sản của địa phương này nằm tiếp giáp với Thủ đô, có vị trí giao thông thuận lợi và tập trung rất nhiều khu công nghiệp lớn.
Một nhà đầu tư khác khi đang thực hiện dự án tại Vĩnh Phúc (xin không nêu tên) trong cuộc “trà dư tửu hậu” đã “bật mí” cho chúng tôi nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đua nhau đăng ký các dự án bất động sản vào Vĩnh Phúc là do giá đất (chủ yếu là đất nông nghiệp) tại đây thấp hơn nhiều lần so với Hà Nội, làm giảm nhẹ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, trong khi cùng với thời gian, chắc chắn, đất Vĩnh Phúc sẽ ngày một có giá!
Với nhiều lý do khác nhau, hàng loạt dự án bất động sản đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào Vĩnh Yên và thực hiện khởi công vào các năm 2007, 2008, trong đó chủ yếu là các dự án nhà ở, khu đô thị mới. Rất nhiều khách hàng cá nhân tại Hà Nội cũng đổ tiền vào đầu tư các dự án này.
Thi công cầm chừng… chờ giá lên
Để chuẩn bị tư liệu cho bài viết này, chúng tôi đã thực hiện chuyến khảo sát thực địa các dự án tại Vĩnh Yên thời điểm cuối tháng 10/2010. Khác với những lời giới thiệu “có cánh”, thực tế chỉ có một vài dự án đang được thi công hạ tầng cầm chừng, trong khi phần lớn các dự án còn lại đều bỏ hoang.
Theo giới thiệu của một chuyên viên thuộc Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi tìm đến khu đô thị Nam Đầm Vạc (TP. Vĩnh Yên) do công ty cổ phần thương mại du lịch Sông Hồng làm chủ đầu tư – được giới thiệu là một trong số các dự án có tiến độ thực hiện nhanh tại Vĩnh Yên. Dự án được khởi công năm 2009, bao gồm các hạng mục: Khách sạn 5 sao, bến du thuyền, công viên cậy xanh, đường dạo ven hồ, trường học, nhà chung cư, phố thương mại… được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án cam kết bàn giao mặt bằng cho khách hàng vào năm 2011. Tuy nhiên đến thời điểm (tháng 10/2010) khi chúng tôi tiến hành khảo sát mặt bằng dự án, về cơ bản, vẫn là mặt bằng tự nhiên, chưa san lấp, hạ tầng dự án như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước… vẫn là con số 0, cây dại vẫn bao trùm phần lớn dự án!
Tình trạng chậm tiến độ cũng xảy ra với Dự án Khu đô thị mới Xuân Hòa (thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hoài Nam làm chủ đầu tư (khởi công năm 2008 dự kiến hoàn thiện và bàn giao đất nền cho khách hàng vào tháng 12/2010). Theo giới thiệu của chủ đầu tư, cơ sở hạ tầng của Dự án Khu đô thị mới Xuân Hòa được thiết kế theo tiêu chuẩn đô thị loại I với không gian kiến trúc hiện đại gồm: nhà biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng, nghỉ dưỡng, siêu thị nhà trẻ, phòng khám đa khoa, khu vui chơi thể dục – thể thao… Tuy nhiên đến thời điểm này, khi thời hạn hoàn thành dự án đến gần, mà nhiều khu vực trong Dự án vẫn chưa hoàn thành việc san lấp mặt bằng, hạ tầng thi công giang dở…
Các dự án khác như khu đô thị mới Chùa Hà Tiên, phần lớn các lô đất liền kề, biệt thự bị bỏ hoang sau khi chủ dự án san lấp mặt bằng: Dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (447 ha) khởi công năm 2009 đến nay mới thực hiện san lấp mặt bằng một phần nhỏ; Dự án Khu đô thị Nam Đầm Cói – TMS (234 ha) thì vẫn là con số 0…
Và nguy cơ “mắc cạn”
Qua tìm hiểu, được biết, hầu hết chủ đầu tư các dự án là doanh nghiệp tại Hà Nội và Tp. HCM và cũng nhắm đến các đối tượng khách hàng Hà Nội và vùng phụ cận. Vào thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, trên trang thông tin điện tử chuyên về bất động sản Vĩnh Phúc là “batdongsan-vinhyen.vn” đăng hàng loạt thông tin rao bán các lô đất liền kề, biệt thự tại các dự án Chùa Hà Tiên, Khu đô thị mới Xuân Hòa, Khu đô thị mới Nam Đầm Vạc… Diện tích các lô đất từ 150 m2 (nhà liền kề) đến 350 m2 (biệt thự), với giá phổ biến 6,5 – 8,5 triệu đồng/m2.
Như vậy, để có một nền đất tại các dự án, trung bình người mua sẽ phải bỏ ra 1 – 3 tỷ đồng. Nguồn hàng rao bán chủ yếu từ các sàn giao dịch bất động sản và cá nhân tại Hà Nội. Trong khi đó, ở mục thông tin rao mua đất nền, đa số là yêu cầu mua các lô nhỏ lẻ, xen kẹt trong khu dân cư để xây dựng nhà với mức giá dưới 400 triệu đồng/mảnh (60 – 70m2). Đây là những người dân thực sự có nhu cầu sinh sống tại Vĩnh Phúc.
Theo ông Trần Xuân Lượng, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Taseco Land, một sự “lệch pha” khác khiến các tính thanh khoản của thị trường ở Vĩnh Phúc thấp là sự bất cập của nguồn cung. Trong khi nhu cầu của thị trường bất động sản Vĩnh Phúc tập trung vào 2 phân khúc chính (nhà giá rẻ cho công nhân khu công nghiệp và người dân có mức thu nhập trung bình; và biệt thự nhà vườn có thiết kế gần gũi với thiên nhiên dành cho những người có thu nhập cao), thì các dự án tại đây lại xây dựng theo hướng “thành phố” với các sản phẩm là: chung cư cao tầng, nhà liền kề, trung tâm thương mại – văn phòng và khách sạn.
Sự bất cập này có lẽ khiến nhiều người liên tưởng đến các dự án nhà ở, khu đô thị với hàng ngàn căn biệt thự bỏ hoang rêu mốc nhiều năm qua trên tuyến Quốc lộ 1B (Hà Nội – Lạng Sơn) qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh sau khi dự án hoàn thành mà không tìm được người có nhu cầu sử dụng.
(Theo TCTTBĐS)
- 0
- By Admin
- 24/01/2011
- 17