Đầu tư BĐS Đông Nam Á, tại sao không?
Theo báo cáo của JLL, sự thành lập của AEC sẽ hợp nhất một cộng đồng kinh tế vững mạnh với dân số khoảng 600 triệu người, GDP ước tính gần 2 nghìn tỷ USD. Cộng đồng kinh tế mới này có khả năng tạo ra 14 triệu việc làm mới, tăng trưởng hàng năm đạt trung bình 7,1% trong vòng 10 năm tới.
Các thị trường trọng điểm được nhắc đến trong báo cáo của JLL gồm có: thị trường văn phòng Manila, thị trường bán lẻ Bangkok, kinh doanh khách sạn ở Myanmar, dịch vụ logistics ở Jakarta và văn phòng, căn hộ cao cấp Singapore.
Theo JLL, Đông Nam Á là thị trường đầu tư BĐS mới và hứa hẹn nhiều tiềm năng sinh lời. Ảnh: Internet |
JLL phân tích, yếu tố làm gia tăng sức hấp dẫn của thị trường BĐS Đông Nam Á là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại các quốc gia trong khu vực. Ước tính có khoảng 8 triệu người có xu hướng dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị từ nay cho đến năm 2020. Tại nhiều nơi, tỷ lệ đô thị hóa có khả năng sẽ đạt trên 50% diện tích lãnh thổ.
Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu cũng là nhân tố ảnh hưởng tích cực đến thị trường BĐS. Hiện tại, Đông Nam Á có khoảng 125 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, dự kiến sẽ tăng lên hơn 200 triệu người trong 5 năm tới. Tầng lớp này có xu hướng trẻ hóa, nhu cầu mua nhà và khả năng thanh toán đều tăng trưởng tích cực, đặc biệt là ở Singapore, Malaysia và Philippine.
Tuy nhiên, JLL cũng chỉ ra những rủi ro khi đầu tư vào BĐS Đông Nam Á. Đó là nạn tham nhũng, bất ổn chính trị, thiếu minh bạch trong hoạt động kinh doanh BĐS và cơ sở hạ tầng chưa phát triển tương xứng.
Dù vậy, chính phủ các nước trong khu vực đang nỗ lực nhằm giảm trừ các rủi ro và cải thiện môi trường đầu tư. BĐS Đông Nam Á là một thị trường mới nổi đầy tiềm năng của châu Á, “miếng bánh ngon” dành cho những nhà đầu tư có năng lực và tầm nhìn.
- 203
- By Admin
- 01/06/2015
- 17