Đầu tư 20 năm cho quy hoạch Thủ đô bằng 4 năm GDP cả nước
Nếu bản quy hoạch này được thực thi nghiêm túc thì trong vòng vài chục năm nữa Hà Nội sẽ là Thủ đô mà nhiều nước trên thế giới phải ngước nhìn. Theo tính toán của các chuyên gia, để thực hiện được dự án này thì số vốn phải lên tới 300, thậm chí là 400 tỷ USD. Ước tính, 20 năm cho Hà Nội bằng 4 năm GDP của cả nước, tức 4 năm cả nước sẽ ngồi chơi?DĐDN đã có cuộc trao đổi riêng với ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội để làm rõ hơn vấn đề này.
Nguồn vốn từ ngân sách không quá 20%
- Thưa ông! nguồn tiền để thực hiện quy hoạch Thủ đô lên đến hàng trăm tỷ USD liệu có là quá lớn?Ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Hà Nội |
Quy hoạch Hà Nội được đánh giá là đô thị có diện tích lớn nhất Việt Nam và là đô thị xếp vào dạng quy mô lớn so với các nước trên thế giới. Theo công bố của Bộ Xây dựng, trước mắt chúng ta sẽ cần khoảng 90 tỷ USD, lớn hơn hẳn dự án đường cao tốc Bắc - Nam để thực hiện những hạng mục cơ bản. Tuy nhiên, theo tính toán của chúng tôi, để thực hiện được dự án này thì con số đã vượt qua rất nhiều, thậm chí lên tới 300 – 400 tỷ USD. Một tính toán rất đơn giản, 20 năm cho Hà Nội bằng 4 năm GDP cả nước, tức là 4 năm cả nước sẽ ngồi chơi.
- Vậy Hà Nội sẽ huy động như thế nào thưa ông?
Vấn đề đặt ra là nguồn vốn huy động từ đâu trong khi ngân sách Thành phố có hạn. Tôi khẳng định, nguồn vốn từ ngân sách Thành phố không quá 20%. Nguồn vốn từ đấu thầu sử dụng đất cũng không lớn bởi muốn đấu thầu sử dụng đất thì phải có đất sạch mới đấu thầu có giá.
Cái khó của Hà Nội hiện nay là Luật Thủ đô chưa được Quốc Hội thông qua do vậy Hà Nội chưa có được cơ chế đặc thù trong việc huy động nguồn vốn. Hơn nữa, chúng ta lại chưa có Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Trong bối cảnh hàng loạt dự án chiếm đất lúa mọc kín tại vùng ven thời gian qua do phát triển đô thị quá nóng đã khiến quỹ đất ngày càng cạn kiệt. Vì thế không còn cách nào khác, việc điều chỉnh theo quy hoạch, thu hồi các dự án không đủ điều kiện để lấy lại quỹ đất này là điều phải tính đến.
- Đó là vấn đề vốn, còn về quy hoạch nhiều người lo ngại rằng, việc xây trục Hồ Tây - Ba Vì có nguy cơ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh, tạo cơ hội cho các khu đô thị bám theo. Ông có lo ngại điều này?
Trong thực tiễn, xung quanh trục này đã có nhiều dự án “ăn” theo. Theo quan điểm của tôi càng có nhiều trục càng tốt nhưng phải cân đối hài hòa. Một điểm mà tôi không đồng tình là quan điểm “Nối văn hóa xứ Đoài với văn hóa Thăng Long thông qua một con đường” – Đây là tư duy không hợp lý. Trong quy hoạch lần này đã khẳng định, Ba Vì không phải khu dự trữ mà là khu sinh thái vì vậy tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì chỉ có đọan nối từ vành đai 3 đến vành đai 4 còn các đoạn khác với mặt cắt rất nhỏ, bám theo địa hình chứ không phải chạy thẳng như trước. Điều này đã thể hiện sự tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học.
Thực tiễn xung quanh trục này đã có nhiều dự án “ăn” theo |
- Thế còn hầm qua sông Hồng liệu có khả thi không thưa ông?
Quy hoạch về thành phố ven sông và hầm chui qua sông Hồng đoạn từ Trần Hưng Đạo đến sân bay Gia Lâm là những dự định hướng tới. Tuy nhiên, thời điểm nào làm lại là việc khác bởi kinh phí để xây hầm đắt gấp 4 lần kinh phi để xây cầu và hơn nữa điều kiện địa chất phải khảo sát có chịu được xây hầm hay không và nhất là cốt nước của Hà Nội còn khác rất nhiều so với sông Sài Gòn. Muốn tổ chức thực hiện được thì còn phải có nghiên cứu sâu.
Cấu trúc siêu đô thị không còn thích hợp
- Ở khía cạnh là một kiến trúc sư, ông có điểm gì chưa hài lòng với đồ án quy hoạch lần này?Tôi băn khoăn rằng, Hà Nội đã có cơ chế nào để giảm dân số trong nội đô. Theo định hướng, hiện nay dân số là 1,3 triệu dân nội đô và định hướng đến năm 2030 sẽ giảm xuống còn 80.000 người. Liệu trong vòng 20 năm nữa chúng ta có làm được không khi mà hiện nay Luật cư trú rất thoáng, người dân di chuyển vào nội đô là một điều rất dễ dàng.
Điều thứ hai mà chúng ta cần suy nghĩ là sau quy hoạch chung cần có cơ chế quản lý mới để thực hiện. Ví như hiện nay là cơ chế quản lý cũ khó phân cấp quận huyện, giờ chúng ta là chùm đô thị nên chúng ta cần một cơ chế quản lý để các đô thị vệ tinh phát triển. Cơ chế quản lý cũ là có các sở, ngành, sắp tới quy họach này chúng ta phải phân cấp như nào, các sở, ngành bố trí ra sao?
Điều thứ ba là phải sớm có nghiên cứu để đưa ra các dự án ưu tiên bởi nguồn vốn đầu tư vào đây là cực lớn.
Một vấn đề nữa mà chúng ta chưa tính tới là là cấu trúc dân số già hóa. Hà Nội hiện nay có khoảng 10% dân số già, rõ ràng khoảng 15 năm nữa Hà Nội sẽ đối mặt với khó khăn là cấu trúc dân số già. Đã là dân số già thì cấu trúc mô hình nhà ở phải khác, cấu trúc hạ tầng xã hội phải khác, cách ăn ở... phải khác. Đây là bài học kinh nghiệm của nhiều nước. Lúc này, cấu trúc siêu đô thị không còn thích hợp nữa, cái này chỉ phù hợp với người trẻ.
- Thế còn định hướng Hà Nội Xanh – Văn hiến – Văn minh - Hiện đại đã phát huy hết tác dụng trong bản quy hoạch này chưa thưa ông?
Bản quy hoạch đã tôn trọng mục tiêu và định hướng Hà Nội Xanh – Văn hiến - Văn minh – Hiện đại nhưng hiện Hà Nội đang tồn tại nhiều điều chưa hài hòa. Điển hình như không nơi nào có nhiều di sản đô thị như Hà Nội. Chúng ta có di sản thế giới như Đường thành Thăng Long, Lễ hội đền Gióng, Văn Miến...và gần 1.000 di tích xếp loại quốc gia, bằng 1/3 di sản của cả nước; có 1.300 làng nghề; có cảnh quan tuyệt đẹp. Phải chăng Hà Nội cần sớm nhận dịên được giá trị di sản này để có kế họach bảo tồn.
Tôi rất thích câu của Tổng Giám đốc Unessco “Không có biểu tượng hữu nghị hòa bình nào thể hiện sự hội nhập, bản sắc bằng bảo tồn các di sản”. Rõ ràng Hà Nội vốn có nhiều tiềm năng nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Cổ Loa là một di tích thành hơn 2.300 năm nhưng chúng ta không hề bảo vệ lại đem ra xây dựng nhà như ở phố.
Trong số 756 đồ án, dự án phải rà soát chắc chắn có những dự án phải điều chỉnh |
Theo tôi, Hà Nội muốn vươn lên ngang với các khu vực trên thế giới phải bằng sự cạnh tranh bằng giá trị bản sắc tức là những di tích như thế này. Đừng nghĩ còn rằng 20 năm nữa là thời gian còn dài vì vậy để thực hiện quy hoạch đòi hỏi chính quyền thành phố cần có sự quyết liệt. Hà Nội tương lai phải có hình thức quản lý theo kiểu mới.
Nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần "thép"
- Hiện nay cú sốc đối với giới đầu tư bất động sản đó là thông tin các dự án nằm trong không gian xanh của Hà Nội có nguy cơ bị khai tử? Ông nghĩ sao về vấn đề này?Trong số 756 dự án, phân bố phần lớn là ở Hà Tây cũ và 4 xã của Hòa Bình nhập về Hà Nội, đợt vừa qua mới rà soát được 244 dự án với tổng diện tích gần 6.000ha. Trong khi đó 756 dự án kia đã chiếm tới 59 – 60.000ha. Hiện nay đất đô thị là 18.000, chúng ta muốn nâng lên là 93.000 trong khi đất dự án là gần hơn 60.000ha. Rõ ràng, để không ảnh hưởng đến chủ đầu tư nhưng đồng thời phải thực hiện theo quy họach chung là một cái khó. Bởi vậy, không phải chờ sau khi quy họach chung mà phải làm quy hoạch phân khu, quy hoạch từng quận, huyện hoặc từng vùng một, quy hoạch chi tiết và chọn các giải pháp ưu tiên để làm nóng lại thị trường bất động sản.
Chắc chắn trong những dự án này có những dự án phải điều chỉnh. Có dự án phải điều chỉnh về chỉ tiêu, có dự án phải điều chỉnh về chức năng. Trước kia doanh nghiệp làm dự án này là khu đô thị để ở nhưng giờ anh phải điều chỉnh sang mục đích khác. Theo tôi, các nhà quản lý phải sớm tìm ra giải pháp, các nhà đầu tư phải chuẩn bị sẵn tâm lý có thể được tiếp tục nhưng cũng có thể dừng lại ....vấn đề đặt ra là làm sao phải hài hòa lợi ích các bên. Đây quả thực là bài toán khó.
- Với quyết định công bố đồ án quy hoạch chung, theo ông nó sẽ có tác động như thế nào đến thị trường bất động sản đang trầm lắng hiện nay?
Quy hoạch chung chắc chắn làm thị trường khởi sắc trở lại. Nhưng muốn thực sự đi vào cuộc sống, đẩy mạnh thị trường bất động sản khởi sắc thì phải sớm công bố tất cả các dự án. Làm sớm ngày nào, thị trường sẽ khởi sắc ngày đó.
- Vâng! Xin cảm ơn ông.
(Theo DĐDN)
- 0
- By Admin
- 02/08/2011
- 17