• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đấu thầu điện tử còn nhiều bất cập

"2 giờ sáng cũng có thể dự thầu"

Theo TS Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), với hệ thống đấu thầu điện tử, các nhà thầu sẽ không phải đi từ TP.HCM ra Hà Nội để mua hồ sơ mời thầu, làm các thủ tục đăng ký... rườm rà mất thời gian, tốn chi phí và công sức. "Trước kia, để nộp hồ sơ, 8 giờ nhà thầu phải có mặt, nếu người nhận hồ sơ đi vắng không nộp được thì phải đợi phải chờ, nhưng với đấu thầu qua mạng, lúc nào nhà thầu cũng có thể vào internet gửi hồ sơ dự thầu, kể cả 2 giờ - 3 giờ sáng", ông Tăng nói.

Ông Nguyễn Sơn, Cục phó Cục Quản lý đấu thầu, cho biết chủ đầu tư và nhà thầu lâu nay thường đấu trực tiếp với nhau, chỉ có họ mới biết được đấu như thế nào, tiền bao nhiêu... nhưng hệ thống đấu thầu qua mạng sẽ có số liệu cụ thể, chi tiết về số lượng mời thầu, chủ đầu tư không thể giấu giếm, móc nối với nhau được.

Cũng theo ông Sơn, xưa nay do muốn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, nâng cao năng lực của chủ đầu tư nên hoạt động đầu tư được phân cấp mạnh. Nguồn vốn được giải ngân xuống từng bộ, ngành, địa phương, nhiều khi công tác quản lý, giám sát đấu thầu gặp khó khăn. Chủ đầu tư, nhà thầu thường không báo cáo thông tin, báo cáo thiếu đầy đủ. Việc đấu thầu rộng rãi qua mạng, có những hồ sơ dự án tương đương, có những thông tin đầy đủ về dự án tương tự sẽ tạo căn cứ, cơ sở để các nhà thầu khác có thể cùng "soi xét".

"Nhiều địa phương gửi thông báo mời thầu rất kín đáo và khéo léo nhằm hạn chế người mua hồ sơ. Có nhà thầu đến mua, chủ đầu tư bảo đến giờ tôi đóng cửa. Nhưng trên hệ thống điện tử, ai mua cũng được. Chất lượng hồ sơ mời thầu như thế nào thì nhà thầu khác biết, chuyên gia biết và dư luận biết. Hồ sơ mà lởm khởm sẽ bị loại, không có chuyện trúng được thầu", ông Sơn nhấn mạnh.

Chưa xử lý được "bẫy" thầu giá rẻ

Đấu thầu điện tử thuộc dự án xây dựng hệ thống mua sắm Chính phủ điện tử thử nghiệm, có giá trị hơn 3 triệu USD, do Bộ KH-ĐT làm chủ dự án, Cục Đấu thầu triển khai. Từ tháng 6.2008, dự án được triển khai thí điểm tại VNPT, EVN, Sở KH-ĐT Hà Nội. Hiện Bộ KH-ĐT đã ban hành Thông tư số 17 quy định chi tiết thí điểm đấu thầu qua mạng. Sau 1 năm thực hiện thông tư thí điểm sẽ ban hành thông tư để thực hiện chính thức. Dự kiến đến 2015 sẽ có khoảng 15-20% tổng số gói thầu được đấu qua mạng.

Tuy nhiên, trả lời Thanh Niên, hệ thống đấu thấu qua mạng có thể xử lý được những hạn chế về "bẫy" thầu giá rẻ trong các gói thầu EPC (thiết kế - cung ứng vật tư thiết bị - xây lắp), các gói thầu lớn, gói thầu quốc tế hay không? Ông Lê Văn Tăng cho biết do hệ thống hiện nay mới triển khai thí điểm đối với các gói thầu nhỏ, thông thường. Còn đối với các gói thầu lớn, gói thầu quốc tế vẫn chưa tính đến.

Ông Nguyễn Sơn cho rằng, do hồ sơ mời thầu của những gói thầu EPC có thể lên tới hàng nghìn trang giấy, việc sử dụng cổng http://muasamcong.mpi.gov.vn để đấu thầu sẽ rất khó khăn. "Nhưng cũng có thể tăng tính giám sát, nâng chất lượng các gói thầu EPC bằng cách đăng tải các thông tin quan trọng về dự án này lên cổng điện tử. Như vậy sẽ có nhiều chuyên gia, nhiều nhà thầu biết để bình luận, đóng góp ý kiến trước khi hồ sơ dự thầu được chủ đầu tư quyết định", ông Sơn chia sẻ.

Ý nghĩa lớn của đấu thầu điện tử là không thể phủ nhận, nhưng quá trình triển khai thời gian qua còn tồn tại nhiều bất cập. Bà Nguyễn Thị Bài - Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội - cho biết đơn vị này tích cực tham gia nhưng khi hệ thống hoạt động thì các cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật vẫn chưa thực sự được đảm bảo. Còn theo bà Trịnh Thị Lan Anh - đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - từ năm 2008, EVN đã xây dựng hệ thống đấu thầu qua mạng. Khi triển khai, khó khăn lớn nhất là việc phải thay đổi thói quen, trong khi đó hệ thống cũng chưa được ổn định. Đến năm 2009 dù có nhiều "bứt phá", nhưng hệ thống của EVN vẫn chủ yếu sử dụng để đăng tải những tin thông thường, chưa phát huy được hiệu quả.

Ông Lê Văn Tăng thừa nhận, hạn chế lớn nhất hiện nay của đấu thầu qua mạng là phải đương đầu với hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn chỉnh. Thứ hai là về nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư chưa cao. Khi thực hiện đấu thầu qua mạng, các chủ đầu tư phải thay đổi cả một tư duy lề lối làm việc từ thủ công, gặp trực tiếp nhà thầu nay chuyển sang mô hình mới, hiện đại hơn, tinh gọn hơn. "Chắc chắn không loại trừ trường hợp một số chủ đầu tư ngần ngại, vì nó làm mất đi quyền nào đó của mình theo cách đấu thầu truyền thống", ông Tăng nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo của Cục Quản lý đấu thầu khẳng định, sau thí điểm sẽ soạn thảo một thông tư chính thức, đưa ra những yêu cầu cụ thể không chỉ khuyến khích, động viên mà yêu cầu mỗi bộ, mỗi ngành, mỗi địa phương thực hiện theo. "Lúc đó không phải hô hào, mà có văn bản pháp quy các đơn vị buộc phải thực hiện", ông Tăng cho biết.

(Theo Thanh niên)

  • 0
  • By Admin
  • 23/09/2010
  • 17