Đâu là "bệnh nan y" của doanh nghiệp BĐS?
Từ thực tế thị trường bất động sản cho thấy, mặc dù lãi suất đã giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay sẽ không dễ dàng. Trong khi đó hàng tồn kho “chất đống” mà không bán được. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản đối mặt với rủi ro thanh khoản.Hầu hết các doanh nhiệp bất động sản hiện nay đang khốn đốn vì thiếu tiền, Ảnh minh họa |
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều tận dụng lợi ích từ việc vay nợ và hạn chế tiền mặt tồn quỹ. Tuy nhiên, nếu mọi thứ diễn ra không suôn sẻ như kế hoạch đề ra, lượng tiền mặt dự trữ không đủ đáp ứng các trường hợp như: Thanh toán lãi vay, nợ gốc đến hạn phải trả, chi phí hoạt động, các tình huống khẩn cấp,…
Chủ trương gia hạn nợ, tái cấu trúc nợ của NHNN được cho là một cứu cánh đối với doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, với việc thị trường càng ngày càng khó khăn đa số các doanh nghiệp đia ốc đang phải mang gánh nặng nợ nần, chi phí lãi vay cao trong khi lượng tiền và các tài khoản tương đương tiền sụt giảm mạnh.
Điển hình, tiền và các tài khoản tương đương tiền của Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh đến ngày 30/6 là 55,7 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm 2011. Đáng chú ý, hàng tồn kho của công ty lên tới 243 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án như: Phú Gia Hưng 168,28 tỷ đồng, Gold Hill 72,78 tỷ đồng,...
Cùng cảnh ngộ, tài khoản tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty Cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay đến hết quý 2 khoảng 12,3 tỷ đồng trong khi con số này của cùng kỳ năm ngoái là 17,2 tỷ. Hay tài khoản này của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm 28% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2012 của Quốc Cường Gia Lai, tiền và tương đương tiền đến ngày 30/6/2012 là 16,9 tỷ đồng, giảm đến 72% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, áp lực nợ đang trở thành gánh nặng đối với Quốc Cường Gia Lai. Cụ thể, nợ ngắn hạn đến hết quý 2/2012 hơn 2.000 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với đầu năm. Nếu dựa vào chỉ số thanh toán hiện hành của Quốc Cường Gia Lai (vào khoảng 1,7 lần), có thể nói doanh nghiệp này hoàn toàn có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, chỉ số thanh toán hiện hành không phản ảnh đúng tình hình tài chính thực tế tại Quốc Cường Gia Lai bởi tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp này chủ yếu nằm dưới dạng hàng tồn kho đến hơn 2.846 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn hơn 543 tỷ đồng. Điều này cho thấy Quốc Cường Gia Lai sử dụng tài sản không hiệu quả và khả năng thanh toán thực tế không cao nếu không muốn nói là không có khả năng thanh toán.
Tình trạng tiền mặt sụt giảm là “căn bệnh” chung của phần lớn các doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tình trạng này có thể còn tiếp tục kéo dài. Do vậy, lối thoát đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay không chỉ là đảo nợ hay vay thêm tiền mà cần phải bán bớt tài sản hoặc chuyển nhượng dự án để cải thiện thanh khoản. Thực tế, một số doanh nghiệp như Quốc Cường Gia Lai đang đàm phán chuyển nhượng các dự án như: 24 Lê Thánh Tôn, Hải Âu và vài tiểu khu của dự án Phước Kiển,… để trả bớt nợ. Một số doanh nghiệp khác cũng đã đang tiến hành các thủ tục để bán, chuyển nhượng thậm chí trả lại dự án.
(Theo CafeLand)
- 0
- By Admin
- 23/08/2012
- 17