• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Dấu hỏi lớn cho xu hướng đầu tư đô thị sinh thái

Bùng nổ

Những Ecocity như vẽ ra một cuộc sống đầy mơ ước với cam kết đem lại một không gian hoàn hảo, hiện đại và “rợp bóng cây xanh”. Trải dài từ Bắc đến Nam, những dự án Ecocity thay phiên nhau “mọc lên như nấm”. Thuộc hàng “khủng” về diện tích và vốn đầu tư, phải kể đến khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Nông (Dream City) tạo lạc tại tỉnh Phú Thọ với tổng diện tích trên 2.000ha.

Chủ dự án, Công ty Việt Hân đã được cấp giấy phép xây dựng vào đầu năm 2010. Hay một “Phú Mỹ Hưng thứ hai”, là dự án Ecolakes Mỹ Phước thuộc tỉnh Bình Dương dựa trên ý tưởng Ecocity đạt giải thưởng quốc tế và được kỳ vọng đem lại một cuộc sống hiện đại nhưng vẫn “gần gũi với thiên nhiên”.

Tại quận 2, TP.HCM, một “Đảo Kim Cương” với những tòa nhà chọc trời đã khởi công từ tháng 6/2011. Đầu tư 350 triệu USD cho dự án này, chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản Thiên Bình An (BTA) tin rằng, một thành phố đẳng cấp quốc tế sẽ hình thành tại Việt Nam.

Dấu hỏi lớn cho xu hướng đầu tư đô thị sinh thái | ảnh 1

Một loạt dự án như Sunflower City (Đồng Nai), Eden A (TP.HCM), Times City (Hà Nội)... cũng đa thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, thay vì đón nhận tín hiệu “đáng mừng” về cuộc sống xanh - sạch - đẹp, phản ứng chung của đông đảo dân cư là... cái lắc đầu ngán ngẩm. Bởi vì, để sở hữu một căn hộ tại các thành phố sinh thái này, số tiền thấp nhất người dân phải chi trả đều thuộc mức chục tỷ đồng. Không ít ý kiến cho rằng, Ecocity giống như một nơi chỉ dành cho người giàu.

Dấu hỏi lớn

Cùng quan điểm với đông đảo ý kiến của người dân, những chuyên gia đô thị cũng đang đặt dấu hỏi lớn cho Ecocity Việt Nam. Theo PGS - TS. Lưu Đức Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cụm từ “đô thị sinh thái” vẫn chưa xuất hiện chính thức trong một văn bản pháp lý nào của Việt Nam.

Nếu nói Ecocity là một đô thị sinh thái thì yếu tố sinh thái đó được “đo đạc” như thế nào? Bên cạnh đó, phần lớn những dự án thành phố sinh thái đến nay vẫn đang trong giai đoạn thực hiện chứ không phải hoàn thành. Điều này đã đặt ra nghi vấn về mức độ khả thi của những dự án khủng này bởi yêu cầu về kinh phí quá khổng lồ.

Việt Hưng, chủ dự án Ecopark được sự hỗ trợ từ tập đoàn bất động sản hàng đầu của Anh là Savills. Bình Thiên An (BTA) thực chất thuộc tập đoàn đa quốc gia Kusto Group để xây dựng Diamond Island. Hay Vincom Village là sản phẩm đầu tư của tập đoàn kính tế lớn nhất nhì Việt Nam Vingroup. Mọi sự dao động về kinh phí đều ảnh hưởng đến tiến độ những dự án này. Bằng chứng là sau ba năm, những khu biệt thự, sân golf, khu giải trí của Dream City vẫn nằm trên giấy, bởi chỉ tính riêng giải phóng mặt bằng đã ngót ngét 2.000 tỷ đồng.

Thêm một cái “khủng” từ tham vọng của các Ecocity đã tự cản trở chính các dự án này là diện tích giải phóng mặt bằng quá lớn. “Khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc” Ecopark đã trở thành tâm điểm trong thời gian qua với những vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng gây nhiều bức xúc cho nông dân Văn Giang.

Một nguyên nhân khác, kịch bản của Ecocity Việt Nam chỉ đơn thuần là xây dựng một khu định cư, giải trí phức hợp chứ không phải là cải tiến những điều kiện sẵn có của một đô thị. Điều mong mỏi của cộng đồng là thay đổi bộ mặt của đô thị, chứ không phải “di cư” đến một vùng đất mới. Không thể “cộng dồn” các Ecocity rồi cho rằng không gian sống đô thị đã cải thiện.

Mô hình nào?

Đồng quan điểm với ông Lưu Đức Hải, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cũng cho rằng cần phải xây dựng luật cho Ecocity. Năm 2011, Luật Quy hoạch đô thị đã được thông qua nhưng vẫn chưa đã động gì đến đô thị sinh thái. Lợi dụng kẻ hở này, nhà đầu tư đã tự gắn mác “Đô thị sinh thái” cho các dự án của mình để đánh vào tâm lý ủng hộ của xã hội.

Nói về chuẩn của Ecocity theo quốc tế (International Ecocity Standard), thì không chỉ xanh, sạch, đẹp là một đô thị sinh thái. Thông qua các nhóm tiêu chí như cơ cấu đô thị (kiến trúc, đất); hệ thống giao thông, năng lượng tái tạo, phúc lợi xã hội thì một Ecocity phải đảm bảo được sự phát triển bền vững về kinh tế và môi trường.

Xét trong điều kiện Việt Nam hiện nay, bà Nguyễn Thị Hạnh cho rằng, đây là một lộ trình còn rất dài. Bởi lẽ đô thị Việt Nam vẫn đang loay hoay giải quyết hàng loạt những bất cập về quy hoạch, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chất lượng sống không đảm bảo... thì chưa đủ sức để hướng đến sự cân bằng bền vững giữa môi trường và kinh tế.

Cốt lõi để xây dựng hệ thống tái chế rác thải, nhà máy năng lượng tái tạo, phủ xanh đô thị... của một Ecocity là vốn. Để có nguồn vốn khổng lồ này thì nền kinh tế phải đi trước, để tạo động lực cho phát triển đô thị. Và để đảm bảo nền tảng kinh tế thì bộ máy quản lý hiệu quả lại là chìa khóa hàng đầu. Từ mô hình suy luận mang tính “bắc cầu” này, một vấn đề quen thuộc lại hiện ra: xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Có hai vấn đề đặt ra trước mắt đối với Ecocity Việt Nam lúc này là xây dựng luật và chính quyền đô thị. Cuối năm nay, Luật đô thị sẽ được Quốc hội thông qua. Đây chính là cơ hội để pháp lý hóa và nâng vấn đề đô thị sinh thái lên một tầm nghiên cứu nghiêm túc.

(Theo DNSG)

  • 0
  • By Admin
  • 05/09/2012
  • 17