"Đau đầu" vì thủ tục của cơ quan thuế
Cụ thể, với thủ tục khai nộp thuế trước bạ nhà đất khi chuyển nhượng, để “xin” Chi cục thuế “cho” phép thực hiện nghĩa vụ thuế, người dân phải trải qua một loạt bước chuẩn bị giấy tờ để phục vụ việc quản lý chồng chéo của cơ quan thuế.Theo lời anh Hải, một người dân ở quận Tân Bình, Tp.HCM vừa đi làm thủ tục nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất ở: Khi đã có phiếu chuyển, đóng dấu đỏ chót của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận gửi Chi cục Thuế quận xác định nghĩa vụ tài chính, người nộp thuế còn bị Chi cục Thuế yêu cầu nộp sổ đất sao y; hợp đồng mua bán bản chính và bản sao; một bộ bản sao hồ sơ nhà gồm tờ khai lệ phí trước bạ cũ, gốc nhà cũ…
Không chỉ có vậy, Chi cục Thuế còn yêu cầu anh Hải về UBND phường nơi thửa đất tọa lạc làm giấy “Xác nhận vị trí hẻm”. Với các loại giấy tờ để phục vụ cách quản lý trùng lắp của Chi cục Thuế này, anh Hải phải chạy tới lui về phường tới 3 - 4 lần, vừa để sao y giấy tờ, vừa để xin xác nhận.
Chỉ tay vào từng mục hướng dẫn hồ sơ để được nộp thuế, anh Hải cho còn rằng: Cơ quan thuế đang ôm đồm cả việc quản lý thay các phòng chuyên môn của quận. Để nộp thuế, chỉ cần một tờ phiếu chuyển của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Cùng lắm là thêm tờ CMND, hộ khẩu và phần tự khai nhận, tự chịu trách nhiệm của người nộp thuế là xong.
Người nộp thuế khai gian dối, Chi cục Thuế có đầy đủ thẩm quyền truy thu, xử phạt hoặc hủy bỏ kết quả nộp thuế là xong. Phần xác nhận vị trí hẻm để làm căn cứ tính thuế, Chi cục Thuế phải tự gửi văn bản xuống hỏi UBND phường. “Tờ khai lệ phí trước bạ, biên lai nộp tiền vào kho bạc của chủ đất cũ chắc chắn Chi cục Thuế còn lưu giữ một bản… sao lại bắt người dân phải mất công đi lại gom giấy tờ, lo hồ sơ như vậy”, anh Hải nêu thắc mắc.
Làm thủ tục kê khai, nộp thuế. |
Sau khi căn nhà hoàn tất, bà Hòa, một người dân ở quận Gò Vấp phải tiến hành sao y các loại giấy tờ để thực hiện một loạt thủ tục khác. Bắt đầu là việc xin cấp số nhà với các loại giấy tờ như: bản sao giấy chứng nhận QSDĐ, giấy phép xây dựng; bản vẽ xây dựng…
Trong đó cực nhất là việc tới lui UBND phường để xin xác nhận, đề xuất cấp số nhà vào đơn. Bà Hòa than, mới xin cấp giấy phép xây dựng cách đó mấy tháng, quận còn lưu toàn bộ giấy phép xây dựng, sổ đất, bản vẽ xin phép xây dựng… Nay xin cấp số nhà, quận lại bắt sao y và nộp lại những loại giấy tờ mới nộp trước đó… thì phiền cho người dân quá! Bà Hòa còn cho rằng, khi khởi công công trình, người dân cũng đã nộp hồ sơ thông báo về UBND phường, giấy phép xây dựng cấp ra quận cũng gửi về phường để địa phương quản lý. UBND phường đề xuất thẳng việc cấp số nhà lên quận luôn có đỡ cho người dân hơn không?
Đến công đoạn khai thuế xây dựng, bà Hòa cũng lại tiếp tục phải chuẩn bị những loại giấy tờ, hồ sơ giống như khi làm thủ tục tại UBND quận. Có được thông báo nộp thuế trong tay, tiến hành làm thủ tục hoàn công nhà, bà Hòa lại một lần nữa được yêu cầu sao y, photo những loại giấy tờ bà đã nộp hoặc quận đã cấp ra cho bà trước đó như: bản sao sổ đất, giấy phép xây dựng, bản vẽ thiết kế xây dựng…
Và đặc biệt là phải thuê khảo sát, đo vẽ bản vẽ hiện trạng công trình tốn kém trên 2 triệu đồng. Vẫn chưa dừng lại ở đây, còn một thủ tục cuối cùng bà Hòa phải trải qua, đó là cấp đổi, cập nhật sổ hồng từ sổ chỉ có đất không thành sổ có cả thông tin về nhà, đất. Ở công đoạn này, để được nộp hồ sơ, bà Hòa lại phải chuẩn bị thành phần bộ hồ sơ giống như trước đó.
Cũng chỉ loanh quanh mấy loại giấy tờ, bản vẽ vừa bản chính vừa bản photo, sao y quận mới cấp ra hoặc đang còn lưu giữ. Và lại phải tốn thêm vài triệu bạc nữa để thuê đơn vị chức năng vẽ tiếp một bản vẽ được gọi là “Bản vẽ dùng để cấp đổi giấy chứng nhận”.
Bà Hòa cho biết thêm, để đi đến công đoạn này, chỉ tính tiền photo và tiền sao y giấy tờ đã tốn hết vài trăm ngàn đồng. Kể lại hành trình làm thủ tục giấy tờ cho căn nhà mới xây kéo dài gần nửa năm trời, bà Hòa lắc đầu: Thành phần hồ sơ cứ lặp đi lặp lại, thủ tục rời rạc cắt khúc; các cơ quan đã không chịu liên thông với nhau khiến người dân quá cực!
(Theo CAND)
- 113
- By Admin
- 20/02/2012
- 17