Đau đầu gỡ thế khó cho ngành thép
Thép ế giữa mùa xây dựng
Theo thông lệ, những tháng cuối năm là giai đoạn thị trường vật liệu xây dựng, trong đó có thép, tiêu thụ mạnh mẽ nhất bởi nhu cầu sửa chữa, xây mới nhà ở tăng cao, tuy nhiên tình hình thị trường năm nay lại khác. Theo nhân viên một cửa hàng thép trên đường Láng (Hà Nội), dù tiêu thụ có cao hơn những tháng trước nhưng nhìn chung vẫn thấp, đặc biệt một số loại thép cây, thép cuộn giá cao. Sở dĩ có tình trạng này một phần do kinh tế khó khăn, nhu cầu xây dựng của người dân chững lại, một phần vì thép nhập ngoại giá rẻ hơn đến 500.000-800.000 đồng/tấn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính tới 15/12/2013, Việt Nam đã nhập khẩu 9 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá 6,5 tỷ USD, tăng 25% về lượng và 14% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong khi xuất khẩu cả năm ước 2 tỷ USD. Như vậy năm 2013 thị trường thép nhập siêu khoảng 4,5-5 tỷ USD, tương đương mức năm 2012.
Còn theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, dự kiến doanh thu ngành thép trong năm nay tăng 2-3%, lên 4,6 triệu tấn. Tuy nhiên, khả năng tiêu thụ thép sẽ không nhiều đột biến, có thể mức tăng chỉ khoảng 2-3% so với năm 2013. Như vậy, có thể thấy ngành thép đang tiếp tục phải đối diện với tương lai tối màu khi lượng hàng tồn kho không giảm, mức tiêu thụ không tăng, xuất khẩu yếu, chưa kể phải đối đầu với các mặt hàng thép giá rẻ đang ồ ạt chiếm lĩnh thị phần trong nước.
Nhức đầu gỡ thế khó
Trên thực tế, nếu tính tổng lượng thép tiêu thụ cả nước hiện nay 11,8 triệu tấn, với dân số cả nước trên 92 triệu dân, bình quân thép tiêu thụ mới đạt 140kg/người, một con số quá thấp. Bên cạnh đó, ngành thép được xem là phát triển lệch khi dư thừa thép nhưng nhiều mặt hàng thép trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất với sản lượng rất thấp.
Chưa kể, thế mạnh trong sản xuất thép của nước ta là thép xây dựng cũng là điểm cạnh tranh gay gắt nhất với thép nhậu khẩu, đặc biệt thép giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này khiến ngành thép lâm vào tình cảnh khá éo le: thua trên sân khách đã đành, sân nhà cũng đang ở vào thế khó.
Đầu tháng 12/2013, Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất của Trung Quốc thấp nhất 6,45-6,99%. Mức thuế áp cao nhất được áp cho Công ty Yuan Long Stainless Steel Corp của Đài Loan (Trung Quốc) với hơn 30%.
Các nhà sản xuất thép không gỉ của Indonesia, Malaysia lần lượt 12,03% và 14,38%.Theo nhiều chuyên gia, mặc dù doanh nghiệp có những phản ứng trái chiều, nhưng đối với ngành thép việc này hoàn toàn cần thiết, bởi trên thực tế đây là lần đầu tiên Việt Nam điều tra chống bán phá giá thép nhập ngoại.
Tuy nhiên, tại thị trường nước ngoài, thép Việt Nam đã bị các nước khởi xướng điều tra chống bán phá giá 3 lần, bao gồm sản phẩm ống thép hàn carbon, mắc áo bằng thép và ống thép hàn chịu lực không gỉ và liên tục phải chịu các mức thuế cao. Đây cũng là lý do khiến tình hình xuất khẩu của ngành thép theo xu hướng trồi sụt, gặp nhiều bế tắc.
2014 dự báo tiếp tục là 1 năm khó khăn cho thép xây dựng Việt Nam. |
Trên thực tế, không chỉ đến khi vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên trong ngành thép diễn ra mà từ cách đây rất lâu, những kiến nghị về việc Việt Nam nên có những hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu thép từ nước ngoài đã được đưa ra.
Đồng thời với đó là những hỗ trợ để đẩy mạnh xuất khẩu. Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thép xây dựng trong nước sản xuất được và đang dư thừa, vì thế cho nhập là vô lý. Cần phải kiểm tra mác sản phẩm nhập khẩu kỹ hơn nữa để tránh tình trạng thép xây dựng nhưng lại trốn tránh bằng cách khai thép nhập khẩu là hợp kim để có mức thuế 0%. Hình thức gian lận này đã khiến doanh nghiệp thép trong nước thiệt hại không nhỏ.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại ngành thép theo hướng tập trung sản xuất những mặt hàng trong nước còn thiếu, như thép tấm lá, thép chế tạo… thay vì ồ ạt sản xuất những mặt hàng đã vượt xa nhu cầu đang trở nên khá bức bách. Đây cũng là hướng phát triển ngành thép lâu dài, căn cơ. Bởi lẽ sự bảo hộ thép trong nước bằng chính sách thuế quan sẽ dần giảm bớt, đến khi hàng rào này chính thức được gỡ bỏ, nếu doanh nghiệp không đủ mạnh để cạnh tranh, đó là lúc ngành thép lâm vào tình cảnh khó khăn nhất.
- 224
- By Admin
- 14/01/2014
- 17