Đất xây nhà máy ở Tp.HCM: Có thật sự thiếu?
Với hàng loạt nhà máy đang hoạt động trong Khu công nghệ cao (SHTP, Q.9, Tp.HCM), khu chế xuất của Tp.HCM, nhưng khi muốn mở rộng sản xuất tại Tp.HCM, một công ty thuộc Tập đoàn Nidec (Nhật) lại phải chạy đôn chạy đáo đi tìm mặt bằng để mở nhà máy. Trước đó không lâu, công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử TNHH Nissei Electric cũng tìm về tận miền Tây để mở nhà máy.
Một dự án được cấp phép từ tháng 12/2009 tại Khu công nghệ cao, Q.9 (Tp.HCM) với 10.000m2, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai |
Đưa nhà máy về tỉnh
Thật ra, tên tuổi nhà đầu tư Nidec (Nhật) không quá xa lạ với Tp.HCM do tập đoàn này hiện có tám nhà máy đã và đang đầu tư tại Khu chế xuất Tân Thuận và SHTP, với tổng vốn đầu tư trên 346 triệu USD, chuyên sản xuất các mặt hàng linh kiện công nghệ cao. Do nhu cầu phát triển, năm 2011, Công ty Nidec Tosok (một thành viên của Tập đoàn Nidec) quyết định mở thêm nhà máy chuyên sản xuất van Solenoid điều khiển trong hộp số tự động xe hơi, với số vốn đầu tư hơn 36 triệu USD.
Ông Osamu Kawakami - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nidec Tosok Precision, kể lại khi đó Nidec Tosok đã đặt vấn đề tìm mặt bằng tại Tp.HCM để mở nhà máy nhưng mọi chuyện không dễ. “Chúng tôi đã có đoàn đi khảo sát tìm quỹ đất tại các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) Tp.HCM nhưng không được. Sau đó đoàn phải ra tận Đà Nẵng nhưng mặt bằng cũng không phù hợp, cuối cùng chúng tôi phải về Bến Tre để mở nhà máy” - ông Kawakami nói.
Mặc dù nhà máy đang được xây dựng ở KCN Giao Long (Bến Tre), nhưng ông Kawakami vẫn tỏ ra tiếc rẻ cho rằng nếu mở nhà máy này ở Tp.HCM sẽ tiết kiệm được nhiều hơn về chi phí cũng như thời gian do nhà máy mới này và nhà máy của Nidec Tosok ở KCX Tân Thuận là công ty “chị em” nằm trong một chuỗi sản xuất. Nay nhà máy mới tại Bến Tre, công ty sẽ phải tốn phí vận chuyển về nhà máy tại KCX Tân Thuận (Tp.HCM) để hoàn tất sản phẩm.
Phía Tập đoàn Nidec cũng cho biết thêm hiện quỹ đất Nidec được giao tại SHTP đã sử dụng hết. Cụ thể, tại đây Nidec được bàn giao 33ha nhưng đến nay với năm công ty, mỗi công ty sử dụng trên 6ha đất nên quỹ đất đã không còn.
Một số nhà đầu tư cho rằng câu chuyện quỹ đất ở Tp.HCM hiện nay không đơn thuần là giá đất bị đẩy lên cao mà các yếu tố về hạ tầng, nhân công, quỹ đất chiến lược để mở rộng nhà máy cũng đang dần kém cạnh tranh so với nhiều địa phương khác. Vì vậy việc kéo nhà máy về các tỉnh trong chiến lược mở rộng sản xuất của các tập đoàn là xu thế trong thời gian tới.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư công nghiệp cho rằng việc Nidec Tosok về Bến Tre mở nhà máy, rồi trước đó là Công ty TNHH Nissei Electric về Tiền Giang mở nhà máy, có thể từ nhiều lý do khác nhau như nhân công, giá đất...
Trong khi đó, Tập đoàn Nidec có nhu cầu lại phải về Bến Tre mở nhà máy. |
Có thật sự thiếu đất?
Theo ông Nguyễn Tấn Phước, phó ban quản lý các KCX-KCN Tp.HCM (Hepza), hiện chủ trương của Tp.HCM là thu hút đầu tư vào bốn ngành chủ lực gồm điện - điện tử, cơ khí chính xác, chế biến lương thực thực phẩm và hóa dược phẩm. Trong đó mục tiêu thu hút đầu tư vào các KCX-KCN quan trọng nhất là các ngành công nghệ cao. Mục tiêu này nhằm giảm những ngành thâm dụng lao động, công nghệ thấp gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay quỹ đất cho lĩnh vực này là vấn đề đang phải giải quyết.
Trong khi đó tại SHTP, bà Nguyễn Thị Minh Thu - trưởng phòng xúc tiến đầu tư và quan hệ quốc tế SHTP - cho biết tổng diện tích SHTP được UBND TP giao là 913ha và chia làm hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn một với 300ha, thời gian thực hiện đến năm 2010. Và giai đoạn hai 613ha, thực hiện từ năm 2011-2015. Đến nay hơn 90% đất giai đoạn một dành cho sản xuất công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao đã được lấp đầy. Tuy nhiên, 613ha còn lại của giai đoạn hai chỉ mới trình lên UBND Tp.HCM. Do vậy, phải đến cuối năm 2013 đầu 2014 mới đi vào thu hút ồ ạt nhà đầu tư.
Điều đáng nói là trong khi quỹ đất cho công nghệ cao đang “khan hiếm” thì nhiều chủ đầu tư “ôm” đất lại không triển khai dự án. Theo tìm hiểu của chúng tôi đến cuối tháng 9-2012 SHTP có 29 dự án hoạt động sản xuất, bốn dự án đang xây dựng, 14 dự án đang làm thủ tục xây dựng và có tới 13 dự án đã được cấp phép giao đất nhưng chưa triển khai vốn đầu tư (trong đó năm dự án đang gặp khó khăn về tài chính và tám dự án khác được cấp phép năm 2012). Phần lớn các dự án này đều là của nhà đầu tư trong nước và nguyên nhân chậm triển khai là thiếu vốn.
Chính vì vậy, dù mang tiếng lấp đầy 90% giai đoạn một nhưng tại SHTP hiện có nhiều khu đất rộng hàng chục ngàn mét vuông đã được cắm mốc của các dự án, thậm chí có dự án được cấp phép từ năm 2009, 2010... hiện vẫn phủ đầy cỏ dại. Theo ông Lê Hoài Quốc - trưởng ban quản lý SHTP, đã có ba dự án như thế bị rút giấy phép đầu tư và yêu cầu trả lại đất cho các đơn vị khác có năng lực hơn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, số dự án nằm im cho cỏ mọc vẫn án ngự trên một diện tích đất lớn tại đây.
Giải quyết trước mắt Để đáp ứng nhu cầu trước mắt của nhà đầu tư, bà Nguyễn Thị Minh Thu cho biết trong lúc chờ quyết định của UBND Tp.HCM về việc mở rộng giai đoạn hai của SHTP, đã cho san lấp một số lô đất gần khu của giai đoạn một theo hình thức cuốn chiếu. Tuy nhiên, cũng phải đến cuối năm 2013 đầu 2014 hạ tầng ở đây mới ổn định và thu hút nhà đầu tư được. Còn trong các KCX-KCN, theo ông Nguyễn Tấn Phước, hiện KCX Tân Thuận đang xây dựng những nhà xưởng tiêu chuẩn đáp ứng các lĩnh vực thiết kế phần mềm phục vụ thu hút ngành công nghệ cao. Khu này được xây dựng trên diện tích 38ha nhưng cũng chủ yếu dành cho các doanh nghiệp thiết kế phần mềm. Đề nghị ưu đãi cả doanh nghiệp mở rộng sản xuất Ông Shigeru Murata - tổng giám đốc Nidec Tosok Corporation Nhật Bản - cho rằng hiện nay việc mở rộng nhà máy của tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao không được hưởng ưu đãi. Ông cho rằng nếu chính phủ VN tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng được ưu đãi cả trong mở rộng nhà máy thay vì chỉ ưu đãi cho doanh nghiệp mới vào đầu tư như hiện nay thì sẽ thu hút được ngành công nghệ cao tốt hơn. |
(Theo Tuổi trẻ)
- 157
- By Admin
- 24/10/2012
- 17