Đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở có được hợp thức hóa?
Năm 1985, gia đình tôi xây ngôi nhà 40m2 trên diện tích 60m2 đã được cấp GCN và nay muốn xây dựng thêm trên diện tích 120m2. Theo điều 87 Luật đất đai năm 2003, đất vườn, ao được xác định là đất ở khi trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư. Xin hỏi tại sao 120m2 trên không được cấp giấy chứng nhận là đất ở theo điều 87?Tại sao một số nghị định của Chính phủ, quyết định của UBND lại quy định thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất vườn, ao liền kề và đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư (không thuộc đất công) được chuyển đổi mục đích thành đất ở chỉ áp dụng đối với đất vườn, ao liền kề với đất ở (trong cùng một thửa) và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư. Như vậy có mâu thuẫn với Luật đất đai?
Nay gia đình tôi xây dựng trên diện tích 120m2 thì có cần chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở không?
Quang Hung Nguyen (hngquang666@... )
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 1 điều 87 Luật Đất đai, đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư. Và theo Khoản 5 điều 87 Luật Đất đai, trường hợp chưa được cấp có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định thì diện tích đất ở có vườn, ao được xác định theo mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân do UBND cấp tỉnh quy định.Theo quy định nói trên, để đất vườn, ao trong cùng thửa đất ở được công nhận là đất ở thì tại vị trí đất của ông phải được quy hoạch khu dân cư (tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận là tháng 8-2004). Do trong thư ông không nêu rõ điểm này nên chưa thể xác định việc UBND huyện xác nhận đây là đất nông nghiệp là đúng quy định hay không.
Đối với trường hợp tại vị trí thửa đất đã được quy hoạch khu dân cư, theo Khoản 2 điều 14 Nghị định 87/2007/NĐ-CP, ông phải được cấp giấy chứng nhận theo mục đích là đất ở cho toàn bộ diện tích 180m2. Do đó ông nên nộp hồ sơ đề nghị UBND huyện xem xét cấp giấy chứng nhận cho phần diện tích 120m2.
Trường hợp UBND cấp huyện không giải quyết trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, hoặc giải quyết không thỏa đáng, ông có thể làm đơn khiếu nại đến chủ tịch UBND huyện hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện để được giải quyết. Thời hiệu để khiếu nại đến chủ tịch UBND huyện là 90 ngày kể từ ngày nhận được trả lời của UBND huyện, hoặc kể từ ngày kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại. Đối với trường hợp khởi kiện tại tòa án, thời hiệu khởi kiện là 1 năm.
Trường hợp ông khiếu nại lần đầu đến chủ tịch UBND huyện nhưng không được giải quyết trong vòng 45 ngày (theo Điều 28 Luật Khiếu nại) hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại, ông có thể khiếu nại lần hai đến chủ tịch UBND tỉnh. Thời hạn khiếu nại lần hai là 60 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại (Điều 37 Luật Khiếu nại).
Còn trường hợp ông đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết của tòa, ông có thể kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm tại tòa án nhân dân cấp tỉnh trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (Điều 176 Luật Tố tụng hành chính).
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG
(Theo Tuổi trẻ)
- 240
- By Admin
- 14/09/2012
- 17