• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đất phía Tây Hà Nội: Đắt vì đâu?

Trong bối cảnh toàn thị trường từ trong Nam đến ngoài Bắc đều rơi vào cảnh èo uột, ế ẩm, tại sao giá đất khu vực này lại tăng mạnh. Có hay không những chiêu làm giá?

Một dự án đất gần đại lộ Thăng Long . Ảnh: T.Dũng

Đắt bởi nhà giàu đi buôn?

Cách đây gần 2 tháng, khi Đại lộ Thăng Long mới hoàn thiện, giá đất nền một số dự án dọc khu vực này đứng im hoặc giảm vài triệu đồng/m2 do đường vào các khu đô thị bất tiện. So với tốc độ hạ tầng mới được cải thiện chút ít thì giá đất tại một số dự án lên đến chóng mặt.

Đơn cử một lô đất biệt thự 390m2 tại Bắc An Khánh cách đây 3 tháng giá từ 9-10 tỷ đồng, thì nay đang được rao đến 13 tỷ đồng, bên cạnh mức giá gốc khoảng 2.000USD/m2. Một loạt dự án các khu dọc trục đường Lê Văn Lương cũng tịnh tiến lên đều. Mức giá cao nhất hiện kể đến như An Hưng với khoảng 65 triệu đồng/m2 (đường13m) và hơn 100 triệu đồng/m2 (đường 40m).

Liền kề đường nhỏ nhất Văn Phú chủ “hét” 60 triệu, đường lớn cao đến ngạc nhiên 135 triệu đồng/m2; khiêm tốn như khu Geleximco giờ cũng đòi 60 triệu đồng/m2. Ngoài ra tiến độ đóng tiền mà chủ đầu tư “ốp” cho khách hàng khi hạ tầng dự án mới ở giai đoạn giải phóng mặt bằng như khu C, D của Geleximco hiện cũng lên tới 80-90% (một lô đất 100m2 lên tới 4-5 tỷ đồng).

Lý giải cho xu hướng đất phía tây đắt khách, một chủ sàn bất động sản ở Mỹ Đình cho rằng, trong số khách tìm đến rất nhiều khách hàng nhà giàu, mua để ôm giữ chứ không cần sang bán, chuyển nhượng ngay.

Qua xu hướng giao dịch chung trên thị trường cũng như của các sàn lân cận, đại diện Cty môi giới bất động sản Thiên Phú Thành ước tính 70% lượng hàng nằm trong tay các đối tượng như vậy, 30% sản phẩm được đem ra giao dịch thường xuyên thuộc về các nhà đầu tư kiểu lướt sóng. Những nhà giàu này từ đâu đến?

Có mặt tại khu vực này vào một buổi sáng, chúng tôi ghi nhận sự có mặt của một loạt khách hàng và nhà đầu tư mới từ các tỉnh thành. Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực cao su, một nhà đầu tư lớn tại khu vực này không ngần ngại chia sẻ: “Đất kiểu gì cũng sinh lời. Có đắt cũng cứ mua”.

Tuy nhiên không chỉ bản thân ông mà ngay cả đại diện hai đơn vị môi giới bất động sản trên cũng thừa nhận: nguyên nhân chính khiến giá đất tăng cũng bởi rơi vào tay một số người có tiền. Và họ, với tâm lý làm giá, cứ hét giá trên trời. Vô hình trung, chỉ từ một vài lần rao bán, chiêu này đã lan rộng, đẩy giá đất tăng với tốc độ nhanh.

Đắt do qua nhiều nấc trung gian?

Ông Nguyễn Trung Vũ - Tổng Giám đốc Cty Bất động sản Thế kỷ cũng nhìn nhận, mặc dù giá đất liên tục lập kỷ lục nhưng tâm lý các nhà đầu tư chỉ nhìn vào lợi nhuận thu được kiểu như mua giá gốc + tiền chênh hôm nay, ngày mai bán đi có lời, ngày kia lại mua tiếp mà không mấy khi để ý đến đắt rẻ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho giá đất cứ tịnh tiến đều, ông Vũ nhận định.

Phải làm gì để hạn chế chiêu này? Để tránh tình trạng sốt đất vô lý như nhiều trường hợp xảy ra năm 2010, TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng bộ môn Luật Đất đai, trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng cần thực hiện ngay minh bạch thị trường thông qua điều tiết về mặt pháp lý trước tiên là với các chủ đầu tư dự án.

Song song với đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo kênh thông tin dự báo thị trường một cách chính thức để hạn chế dần kiểu kinh doanh cảm tính, tâm lý đám đông, “đi tắt đón đầu” đẩy giá lên trong lĩnh vực đầu tư sốt nóng này.

Một nhà buôn có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiết lộ: Hiện có hai mắt xích là chủ đầu tư và nhà môi giới. Chính sự bắt tay nhau với quan điểm cùng có lợi và vòng vèo qua nhiều nấc trung gian đã góp phần làm giá bất động sản tăng cao.

“Tâm lý của các chủ đầu tư dự án thường không muốn bán cho những người tiêu dùng cuối cùng dù số lượng những đối tượng này rất lớn. Họ luôn muốn làm tăng nhiệt về giá cũng như lượng giao dịch trên thị trường trong thời gian triển khai đến lúc hoàn thành dự án. Ngược lại, những nhà môi giới và nhà đầu tư cỡ lớn, mua cả sàn với giá bán buôn vô hình sẽ tạo ra nhiều cấp độ thị trường để đẩy giá lên” - vị này tiết lộ.

Theo các chuyên gia, cung ít, cầu nhiều và thiếu minh bạch chính là hai lý do khiến giá bất động sản khu phía tây nói riêng liên tục tăng và người có nhu cầu thực rất khó tiếp cận. Trong bốn mắt xích chính tham gia thị trường bất động sản hiện tại là chủ đầu tư, nhà môi giới, nhà đầu tư và người tiêu dùng cuối cùng thì ba đại diện đều giúp thị trường lên là thu lợi nhuận. Các khâu này cũng chủ yếu làm giá bất động sản tăng vọt và người tiêu dùng cuối cùng luôn chịu thiệt.

(Theo Tiền Phong)

  • 0
  • By Admin
  • 07/12/2010
  • 17