Đất - không thể sử dụng vô tội vạ!
Phải lo cho thế hệ tương lai
Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu lương thực khá ổn định. Vì vậy, an ninh lương thực ở cấp quốc gia chưa phải là điều đáng quan ngại. Tuy nhiên, phải lo cho thế hệ tương lai. Vì đất nông nghiệp không thể phục hồi hoặc có thể thì rất ít. Trong khi dân số cứ đều đặn tăng lên mỗi năm khoảng 1 triệu người. Đất thì ít đi.
Tốc độ chuyển đổi đất nông nghiệp phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đất đã chuyển đổi được sử dụng ngày càng hiệu quả thì có thể giảm tốc độ chuyển đổi.
Có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhưng động lực để vận dụng giải pháp đó là quy luật giá cả của kinh tế thị trường. Giá đất đắt lên, không thể sử dụng vô tội vạ. Giá đất còn nói lên quy luật cung cầu.
Đại lộ Đông Tây, TP.HCM - Ảnh: Anh Khang
Vì giá đất tăng làm cho chi phí đầu tư tăng, dẫn đến hệ số ICOR tăng lên (hệ số ICOR là chi phí đầu tư để thu được một đơn vị tăng trưởng). Giá đất đắt cũng không tốt, thấp cũng không tốt. Vì vậy, Chính phủ cũng cần tham gia điều tiết nhất định giá cả bằng những biện pháp kinh tế thích hợp, biện pháp tiền tệ như thuế, lãi suất ngân hàng, quy hoạch đất đai… và tìm cách sử dụng các loại đất có giá trị thấp như đất đồi núi, đất bãi cát…
Mặt khác, việc giảm lượng đất nông nghiệp phải bù lại bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, chứ không phải chỉ bằng cách nâng cao hiệu quả sử dụng đất đã chuyển đổi từ đất nông nghiệp.
Kém hiểu biết: hỏng môi trường, xấu đô thị!
Phải đặt câu hỏi: Chúng ta khai thác nguồn lợi từ đất để làm gì?
Trước hết, là để sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp ngày nay gắn nhiều với hóa chất như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng… Dù những loại thuốc này nhanh chóng bị phân hủy, nhưng sản phẩm phân hủy ấy vẫn gây độc hại cho môi trường. Nước mưa trôi xuống sông ngòi làm ô nhiễm tài nguyên nước.
Đất còn dùng để sản xuất công nghiệp và dịch vụ, kể cả khai khoáng. Điển hình nước ta khai thác vàng sa khoáng làm tổn hại các dòng sông.
Đất để xây dựng đô thị. Nói chung xây dựng cần nhiều vật liệu từ đá vôi, cát, đất sét, sỏi… Việc khai thác này làm ô nhiễm, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên… Ở các nước hiện nay người ta khuyến khích dùng gạch bê tông chứ không phải dùng gạch đúc. Bởi bê tông lấy từ đá, không mất đất nông nghiệp mà mất đất núi. Họ dùng cát, sỏi nhân tạo nhiều chứ không dùng cát sỏi khai thác trực tiếp từ thiên nhiên.
Khai thác cát sỏi có tổ chức, có hướng dẫn cũng có cái tốt là khơi thông dòng chảy cho sông. Nhưng ở Hà Nội, Đồng Nai…, người ta đã khai thác một cách vô tội vạ. Trong quá trình xây dựng thì các chất thải xây dựng cần có chỗ chôn lấp. Hà Nội hiện nay đổ hết ra đường. Tôn đường thì đào núi, kênh hồ để lấy đất tôn nền. Do đó, trong quá trình xây dựng, đất chỉ để tôn nền cũng chiếm khá lớn. Cần hạn chế cao nhất việc đào đắp trong xây dựng, nhất là những đào đắp có khả năng phá vỡ sự ổn định của đồi núi, sông biển…
Ở nước ngoài, chẳng hạn như thành phố San Francisco (Mỹ) giàu như thế mà vẫn giữ nguyên núi đồi, đường dốc không tưởng tượng. Hồng Kông cũng vậy, đường ôtô đi rất thấp. Trong khi các nhà quy hoạch Việt Nam cho rằng, cứ phải ủi mọi thứ lấy mặt bằng mới là đô thị.
Lãng phí, kém hiểu biết mà còn làm mất vẻ đẹp của các đô thị khác nhau. Các ông quy hoạch nhìn trên bản đồ, thấy chỗ nào cần xây dựng thì san bằng phẳng hết. Nguy cơ đó đã là hiện hữu chứ không phải là tiềm ẩn. Ví dụ như đường Hồ Chí Minh cũng cố gắng cao nhất đưa về một mặt bằng. Đường ôtô sao phải như vậy? Sao phải đưa về một mặt bằng? Mà làm rồi thì lại không bỏ tiền ra làm kênh thoát nước hẳn hoi, chỉ làm một rãnh con con.
Công nghệ ngày nay cho phép làm đường ở trên cao. Ở những nơi đông dân làm đường như thế ít tốn đất. Giao thông ở vùng đông đúc dân cư không bị cản trở. Chúng ta làm một cái hầm thì rút ngắn được con đường, rút ngắn được con đường là rút ngắn được khối lượng đất mà cảnh quan thiên nhiên không bị phá vỡ. Ở Tuần Châu lại đắp một con đường từ đất liền ra đảo, chắn dòng nước. Cách sử dụng đất vẫn như cũ. Tương tự như thế ở đảo Lan Châu. Làm như thế là biến hòn đảo thành đất liền. Phá vỡ cảnh quan, tốn đất, thay đổi dòng chảy.
Kết cấu hạ tầng hiện nay mới tính đến chi phí xây dựng, mà bỏ qua chi phí sửa chữa, bảo dưỡng. Chỉ chú ý giá thành xây dựng công trình mà không tính toán đến hiệu quả kinh tế xã hội, môi trường. Chúng ta đang bỏ nhiều tiền của của Nhà nước để phát triển hạ tầng. Nhưng, chưa có một chiến lược hạ tầng quốc gia, không có một chiến lược chung. “Ông” ngành nào thì biết ngành đó.
Nâng cao giá trị đất để giữ dân, giữ đất
Đất sử dụng về biên giới hải đảo và an ninh quốc phòng:
Đất biên giới của chúng ta thường là đất nông nghiệp. Nhất là ở phía Bắc, người dân thường bỏ đất mà đi. Người ở Cao Bằng bỏ vào Lâm Đồng, Tây Nguyên…, đất mà dân bỏ đi thì lấy ai mà giữ?
Vì vậy, cần có chính sách khai thác nâng cao giá trị đất ở biên giới để giữ chân người dân - những người sống mấy thế hệ từ ông cha bà chú, người ta phải giữ đất của người ta. Nhà nước phải đầu tư, đầu tư không phải chỉ để phát triển nông nghiệp mà để giữ biên giới. Nhưng việc này hình như là của quân đội, bộ đội biên phòng, Chính phủ chứ không phải vấn đề của xã hội Việt Nam, trí thức Việt Nam.
Về hải đảo, việc giữ địa hình đất là rất cần thiết. Ví dụ, trong quy hoạch Côn Đảo, nên làm đường hầm chứ đừng đem ủi núi đi như thế. Làm đường hầm có nhiều cái lợi. Như Đài Loan đã làm tuyến đường cao tốc ở phía Đông, với rất nhiều hầm. Nếu có chiến tranh, đường cao tốc là đường băng dự bị của sân bay, hầm là kho chứa tài nguyên dự bị nếu có chiến tranh nguyên tử. Hầm Tuyết Sơn dài 13km.
Một người sống “cõng” một người chết!
Đất nghĩa trang của Việt Nam gần bằng đất đô thị. Đất nghĩa trang là 95 ngàn hecta, còn đất đô thị là 101 ngàn hecta. Nghĩa là cứ một người dân ở đô thị thì gánh một người ở nghĩa trang.
Ở Hoa Đông không có mồ mả là do họ thiêu hết. Trong Nghị quyết Trung ương 6 có nói một câu là khuyến khích việc hỏa táng. Theo tập quán của cha ông ta thì đến đời thứ năm không còn mộ. Nay nếu cứ để xây mộ bê tông thì bảy, tám đời sau vẫn còn. Đây là vấn đề quá khó. Khu Ciputra (Hà Nội) xây ngay cạnh khu nghĩa trang, họ phải xây tường cao bằng nóc nhà để che đi, còn ô nhiễm nước ngầm.
Cuối cùng, vấn đề xói mòn đất cũng là một vấn đề cần chú ý, khi cả hai phần ba lãnh thổ là đất dốc cả. Nói chung là đất đang bị xói mòn, giữ thế nào cũng cần suy nghĩ thấu đáo.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ: Lâu đài kinh tế sẽ sụp đổ nếu xây dựng trên nền đất không bền vững Việt Nam là nước ít đất, đông dân. Bình quân đất đai trên đầu người chỉ khoảng 0,4ha, đứng thứ hai từ dưới lên trong 10 nước ASEAN. Trong tổng số trên 33 triệu hecta đất của cả nước, chúng ta phải tính đến việc giữ diện tích rừng cố định khoảng 50% tổng diện tích tự nhiên (bao gồm cả đất trồng cây lâu năm), giữ 4 triệu hecta đất chuyên trồng lúa nước, như vậy tối thiểu phải giữ 20 triệu hecta cho mục đích môi trường và an ninh lương thực. Diện tích còn lại 13 triệu hecta cần được tính toán kỹ lưỡng để tăng diện tích đất phi nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế theo một cách thức lựa chọn vị trí hợp lý, giải pháp thực hiện hợp lý nhằm đảm bảo ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Đất đai với nhiều vai trò khác nhau, là một đầu vào của hoạt động kinh tế, là tài sản để tạo vốn đầu tư, là địa bàn để con người sinh sống và hoạt động, là nơi hứng chịu cuối cùng của thiên tai và các thảm họa môi trường do con người gây ra. Nếu chỉ tính đến việc có đất để đầu tư phát triển phi nông nghiệp mà không nghĩ tới những hậu quả về xã hội và môi trường thì sự phát triển đó là thiếu bền vững. Lâu đài kinh tế sẽ sụp đổ nếu được xây trên một nền đất không bền vững. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc chuyển dịch mạnh cơ cấu sử dụng đất đang có biểu hiện khá rõ ràng về sự thiếu bền vững. Lý do có thể do nhiệt tình nóng vội muốn phát triển của một số địa phương, có thể do thiếu tri thức trong quy hoạch, có thể do có tư lợi trong giao đất cho các chủ đầu tư, có thể do khung pháp lý còn nhiều xung đột và có thể do nhiều yếu tố khác nữa. Phát hiện bất cập và chấn chỉnh là nhiệm vụ rất cấp bách hiện nay. |
(Theo Tuổi trẻ)
- 0
- By Admin
- 16/08/2010
- 17