• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đất công "vô tư" biến thành... quán nhậu

>>       Bỏ hoang đất vàng: Khó xử vì công nghệ... "bôi trơn"?

Vì thế, chuyện đất công bỗng trở thành... quán nhậu đã trở nên quen thuộc với người dân Thủ đô.

Có đất trống ắt có quán nhậu

Điển hình cho mô hình này phải kể đến "trung tâm ẩm thực" trên dọc tuyến đường Lê Văn Lương (đoạn từ cầu Cống Mọc đến ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dạo qua đoạn đường này, đếm sơ cũng có đến 5 - 7 quán ăn đua nhau chen chúc với các gara ô tô, điểm rửa xe, cửa hàng tạp hóa... Nổi bật nhất phải kể đến các nhà hàng bia hơi hoành tráng với lượng khách ra vào tấp nập như: Tây Đô, Hiếu Béo... án ngữ trên những khoảnh đất dự án treo lơ lửng từ nhiều năm nay. Theo những người dân thường qua lại nơi này, các nhà hàng, quán bia... trên tuyến đường Lê Văn Lương đã xuất hiện từ khá lâu, cứ vào tầm khoảng 11h trưa hay 17h chiều, hàng loạt các loại xe từ ô tô đến xe máy nối đuôi nhau dài hàng trăm mét, lấn chiếm vỉa hè và tràn xuống lòng đường gây cản trở giao thông.

Đất công "vô tư" biến thành... quán nhậu | ảnh 1
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia nay có thêm chức năng mới

Dịch lên một đoạn, trên cung đường Lê Văn Lương kéo dài, một diện tích đất rộng hàng nghìn mét vuông đã được UBND quận Thanh Xuân giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và duy tu các công trình đô thị do quận Thanh Xuân quản lý, bỗng mọc ra một quán bia hơi với biển hiệu "Nhà hàng Tây Đô". Đáng nói, phần đất này đã được quây tôn để chống lấn chiếm, song không hiểu vì lý do gì, hai cánh cổng vào khu đất vẫn mở rộng để khách hàng ra vào quán nhậu. Thậm chí, cổng vẫn được gắn biển Trung tâm Phát triển quỹ đất và duy tu các công trình đô thị, nhưng vào bên trong là một hạ tầng quán bia hơi đồ sộ. Khi chúng tôi hỏi địa chỉ Trung tâm quỹ đất, nhân viên quán nhanh nhảu trả lời là ở đây, nhưng phòng làm việc cụ thể ở đâu thì tất cả đều lắc đầu không biết!

Quyết định số 92/2007 của UBND TP.Hà Nội về quản lý, sử dụng tài sản công nêu rõ: Đối với nhà đất (trụ sở, nhà xưởng) của các cơ quan hành chính sự nghiệp, công lập phải sử dụng đúng chức năng, đúng mục đích, đúng quy hoạch. Đồng thời, phải xác định được giá trị nhà đất theo khung giá thành phố ban hành, đưa vào sổ tài sản để quản lý. Những trường hợp sử dụng sai mục đích, cho thuê mượn, bỏ hoang, thành phố sẽ có quyết định sắp xếp, thu hồi. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm bảo toàn đối với tài sản nhà đất, nếu thất thoát phải chịu trách nhiệm

Đem thắc mắc về quán xá chiếm dụng đất công hỏi chính quyền sở tại, chúng tôi nhận được sự ngạc nhiên của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính, bởi theo cách nhớ của bà Hà, chiếm dụng đất dự án chưa thực hiện nghe đâu cũng chỉ có vài cái lều kinh doanh lặt vặt? Trả lời PV Nguoiduatin.vn  về việc có hay không sự "bảo kê" của chính quyền địa phương cho các quán nhậu trên đường Lê Văn Lương, bà Hà cho biết: "Việc chủ đầu tư cho thuê hay mượn thế nào chúng tôi không biết, chứ không có chuyện bảo kê. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận là trách nhiệm của phường, nhưng chúng tôi chỉ có mỗi quyền đi tháo dỡ trong điều kiện lực lượng cán bộ lại mỏng...".

Không chỉ riêng phường Nhân Chính, ngay cổng Trung tâm Triển lãm nông nghiệp Việt Nam (trên đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng đang chềnh ềnh biển hiệu của một nhà hàng lớn. Theo ghi nhận của PV Nguoiduatin.vn, toàn bộ phần mặt tiền của trung tâm này (đoạn ngã ba Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt) được án ngữ bởi hàng loạt cửa hàng kinh doanh ăn uống, buôn bán vật liệu, giới thiệu sản phẩm... Nếu đi xa hơn, đến tuyến đường Lê Văn Huyên, đoạn đối diện với công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là sự hiện diện của một khu ẩm thực với hàng loạt những nhà hàng, quán ăn..."ôm" gọn một khu đất rộng lớn đang nằm chờ dự án. Không ai biết giá trị của bản hợp đồng cho thuê những khu đất này có giá bao nhiêu, nhưng thực tế, người thuê sẽ được giá rẻ hơn các mặt bằng khác, còn ông chủ cho thuê bỗng dưng đút túi vài chục triệu đồng mỗi tháng mà chẳng mất một đồng... mua đất.   

Rạp xiếc "kèm"... quán bia

Ngay giữa lòng Thủ đô, trong khi nhiều cơ quan Nhà nước đang thiếu trụ sở làm việc, thì còn rất nhiều mảnh đất công dư thừa, được đem cho thuê lại kiếm lời. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Số 87, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) là một ví dụ. Số là bên cạnh tòa nhà đang tổ chức chiếu phim phục vụ những người yêu điện ảnh Thủ đô và cả nước, khu nhà liền kề mới hoàn thiện đã được đơn vị cho một đối tác khác thuê lại để làm siêu thị điện máy. Kế bên hông tòa nhà này, phía mặt đường Thái Hà, một phần diện tích của trung tâm cũng được dành cho đơn vị khác để thực hiện chức năng: "Bảo hành sản phẩm".

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn, việc trông giữ xe của khách đến xem phim cũng được Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho một doanh nghiệp tư nhân thầu lại để hoạt động. Đáng nói, dùng đất công để cho thuê lại ở đơn vị này đã từng được dư luận nhắc tới từ cuối năm 2006, khi hơn 300m2 đất thuộc dự án xây dựng Trung tâm chiếu phim quốc gia giai đoạn II được ưu ái cho... quán ăn. Thế nhưng, tìm hiểu thì được đại diện Trung tâm chiếu phim Quốc gia cho biết, đây chỉ là tận dụng khi công trình chưa hoạt động và có sự nhất trí của đơn vị chủ quản.

Đất công "vô tư" biến thành... quán nhậu | ảnh 2
Quán nhậu đang tung hoành trên đất công

Không kém cạnh về thị trường tận dụng đất công cho thuê, Rạp xiếc Trung ương (địa chỉ 67 - 69, Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tận dụng hàng trăm m2 mặt tiền của mình cho thuê làm quán bia, trung tâm thẩm mỹ... Tương tự, hồ Ba Mẫu (sát đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ lâu cũng bị một nhà hàng chiếm dụng nguyên một góc hồ để thực hiện chức năng kinh doanh ăn uống gây phản cảm, mất mỹ quan, môi trường đô thị. Người dân sinh sống gần hồ cho biết, với lượng khách ra vào tấp nập, mỗi ngày nhà hàng này đổ xuống lòng hồ một lượng nước, rác thải không hề nhỏ, song không hiểu sao vẫn không bị cơ quan chức năng sờ gáy. Phải chăng chính quyền địa phương không biết hay cố tình phớt lờ cho tình trạng vi phạm tái diễn trong suốt thời gian qua.

Tiếp tục cuộc hành trình, cánh chúng tôi quyết định quay lại Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi đang được các quán ăn, nhà hàng, gara ô tô, bãi rửa xe... chiếm dụng vô tội vạ. Ghi nhận nhanh trên đoạn đường Võ Thị Sáu với chiều dài chưa đầy 2 cây số, hầu như toàn bộ đất mặt đường thuộc Công viên Tuổi trẻ đã bị người dân chiếm dụng.

Ông Giang Tuấn Khanh, PGĐ Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội (đơn vị được giao quản lý công viên -PV)  bày tỏ: Đây là dự án do doanh nghiệp phụ trách nên hoàn toàn khác so với các công viên khác về phương thức quản lý. Bản thân công ty cũng ba lần thay đổi cơ quan chủ quản (trước thuộc Thành đoàn Hà Nội, năm 2004 chuyển sang Sở Du lịch Hà Nội và từ năm 2005 đến nay, trực thuộc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội). Trong quá trình hoạt động, công ty đã liên doanh, liên kết với một số doanh nghiệp, cá nhân xây dựng các công trình không theo quy hoạch và buộc phải tháo dỡ, khiến công ty đang phải đối mặt với việc các đối tác của các công trình này kiện đòi bồi thường. Hiện nay, tổng số nợ của công ty lên đến vài chục tỷ đồng nên "xã hội hóa" là biện pháp duy nhất để triển khai các dự án trong công viên theo quy hoạch được phê duyệt.

Về việc đất công viên đang bị xẻ thịt, ông Khanh cũng cho hay: Công viên này theo phê duyệt của Thủ tướng là 26 ha, nhưng hiện nay mới sử dụng được 6,7 ha. Một phần chưa giải phóng mặt bằng được chính là đoạn Võ Thị Sáu, phần bị chiếm dụng này sẽ được dành để xây dựng Trung tâm văn hóa, thể thao thanh thiếu niên quận Hai Bà Trưng do quận Hai Bà Trưng quản lý. Nhưng quận vẫn chưa giải tỏa được vì sự manh động của các đối tượng đang hoạt động trên mảnh đất này. Hễ cứ giải tỏa hôm nay, đến mai các đối tượng này lại quay lại quây tôn, dựng lều.    

Việc chiếm dụng đất công đang rất phổ biến ở Thủ đô và số lợi nhuận thu được đang chảy vào túi của một số cá nhân, trong khi cái thành phố nhận được chỉ là bộ mặt đô thị nhếch nhác.

(Theo Nguoiduatin)

  • 0
  • By Admin
  • 22/03/2012
  • 17