Đất có nguồn gốc tập đoàn - hợp tác xã: Lúng túng cấp chủ quyền
“Đất có nguồn gốc tập đoàn - hợp tác xã (HTX), liệu có được xem xét cấp giấy chủ quyền hay không?”. Vướng mắc này buộc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Tp.HCM vừa có công văn xin hướng dẫn từ Bộ TN-MT.Nơi cấp, nơi không
Nguyên nhân chính khiến dự án cải tạo kênh Ba Bò (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức - Tp.HCM) trễ hạn là không giải phóng được mặt bằng. Khu vực thượng lưu kênh Ba Bò trước năm 1975 thuộc vành đai căn cứ quân sự Mỹ.
Sau giải phóng, người dân tự khai phá sử dụng rồi tham gia vào HTX và HTX giao khoán cho các hộ gia đình. HTX tan rã, người dân vẫn tiếp tục quản lý đất canh tác, cũng có trường hợp đất cằn cỗi nên người được khoán đất bỏ hoang và người khác đến khai phá sử dụng từ trước năm 1993.
Do địa phương không quản lý nên hiện nay có trường hợp vẫn còn sử dụng, cũng có trường hợp đã chuyển nhượng. Khi TP thu hồi đất để làm dự án, các hộ này không được bồi thường vì địa phương xác định là đất công.
Người dân không chấp nhận cách giải quyết của địa phương nên không giao đất. Trên thực tế, sau năm 1975 đến trước năm 1993, hầu hết đất nông nghiệp của TP đều thuộc nguồn gốc tập đoàn - HTX quản lý.
Cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc xác định nguồn gốc đất dự án kênh Ba Bò, quận Thủ Đức. Ảnh: TS |
Sau khi các tập đoàn - HTX tan rã, người quản lý, sử dụng là các hộ dân. Tuy nhiên, trong hồ sơ địa chính vẫn thể hiện chủ đất là tập đoàn - HTX hoặc ghi đất công do địa phương quản lý. Việc thu thuế đất có nơi thu, nơi không khiến cho các căn cứ xác định nguồn gốc đất sau này gặp nhiều khó khăn.
Năm 1998, TP đã ban hành Công văn số 1674 triển khai thực hiện chỉ thị Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nguồn gốc đất công nếu “người đang sử dụng ổn định, hợp lý, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật đất đai như tự ý bao chiếm, tự sang tay với nhau hoặc việc giao đất không đúng thẩm quyền (hạn điền không quá 3 ha/hộ)”.
Tiếp đó, Luật Đất đai ra đời năm 2003, khoản 4, khoản 6 của điều 50 chỉ rõ các trường hợp tự chuyển nhượng, tặng - cho đất có nguồn gốc tập đoàn - HTX cũng được cấp giấy đỏ và bồi thường khi bị thu hồi đất.
Riêng trường hợp tự chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp phải xem xét thêm về thời điểm chuyển, quy hoạch khu vực. Thời điểm này, các quận, huyện đã giải quyết cấp giấy chứng nhận cũng như bồi thường thiệt hại về đất khi bị thu hồi cho rất nhiều trường hợp. Cách giải quyết như trên, theo Sở TN-MT là phù hợp cả tình lẫn lý.
Lấn chiếm hay khai hoang?
Theo Sở TN-MT, nguyên nhân dẫn đến những cách giải quyết khác nhau xuất phát từ việc phân biệt đất khai hoang và đất lấn chiếm. Trong khi tiêu chí xác định “khai hoang” và “lấn chiếm” theo quy định của pháp luật chưa rõ ràng nên việc xem xét, phân biệt hết sức cảm tính, suy đoán. Từ đó phát sinh mâu thuẫn giữa người sử dụng đất với các cơ quan quản lý và giữa các cơ quan quản lý với nhau.
Chính vì vậy, Sở TN-MT đã xin Bộ TN-MT hướng dẫn xử lý để thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật, tránh khiếu kiện và thất thoát ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, sở cũng đưa ra giải pháp được cho là bám sát Luật Đất đai và được nhiều bên đồng tình.
Theo đó, những trường hợp đất bỏ hoang, không thực sự được Nhà nước quản lý sử dụng theo chế độ đất công và người dân sử dụng không có tranh chấp, khiếu nại cũng như không có sự cảnh báo, ngăn chặn xử lý từ phía địa phương trước ngày 15-10-1993 thì phải xem họ là trường hợp khai hoang để được xem xét cấp giấy đỏ và bồi thường thiệt hại khi bị thu hồi, kể cả những trường hợp đã chuyển nhượng, tặng - cho từ trước ngày 1-7-2004.
Những trường hợp đã chuyển nhượng từ sau ngày 1-7-2004 thì không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ khi nhà nước thu hồi. Riêng những trường hợp đã chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp, phải xem xét về thời điểm chuyển mục đích, sự phù hợp với quy hoạch để xem xét tính cách bồi thường theo đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp.
Mỗi nơi giải quyết một kiểu Dù cách giải quyết của Sở TN-MT Tp.HCM đưa ra là hợp lý nhưng trong thực tế vẫn còn một số cơ quan và địa phương cho rằng những người có đất nguồn gốc tập đoàn - HTX không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì đây là đất công. Một số nơi thì giải quyết theo hướng: Nếu người được chia cấp giao khoán vẫn tiếp tục sử dụng cho đến thời điểm xét cấp giấy chứng nhận thì được xét cấp giấy hoặc bồi thường, còn những trường hợp đã chuyển nhượng, tặng - cho hoặc trường hợp chiếm dụng lại để canh tác thì không được bồi thường. Thực tế, số còn canh tác ổn định rất ít, đa số đã chuyển đổi mục đích và chuyển nhượng. |
(Theo NLĐ)
- 286
- By Admin
- 15/11/2010
- 17