• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đất Hà Tây đang xuống giá cục bộ

Chị Lan, một nhà đầu tư tại Hà Tây cho biết, khoảng một tháng qua kể từ khi ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng, thị trường đất đai ở đây đã đi xuống. Người rao bán nhiều hơn người mua, giá cả đồng loạt giảm. Khu đất dự án ở đô thị Văn Phú của chị mới tháng trước rao giá 17 triệu đồng một m2, nay phải rút xuống 16 triệu đồng.

Anh Khang, một chủ đầu tư sở hữu nhiều miếng đất tại các dự án An Khánh, Văn Khê, Mỗ Lao cũng đang lo. Cuối năm ngoái, trước những thông tin đầy triển vọng về sự phát triển của Hà Tây, anh đã thế chấp nhà đi vay vốn ngân hàng để đầu tư. Nắm trong tay bốn, năm miếng đất, lại thấy giá cứ tăng đều đều hằng tháng, anh đã hy vọng vào một vụ thắng lớn. Nhưng hiện nay, do ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng, nhà đầu tư đổ xô bán ra, mấy mảnh đất của anh rao bán từ hơn một tháng nay vẫn chưa có ai hỏi mua. Giá chuyển từ trạng thái tăng đều sang đứng giá và giảm dần.

Ở các trung tâm môi giới bất động sản và trên các trang web giao dịch nhà đất, giá bán các căn hộ chung cư, nhà liền kề, phân lô hay biệt thự đều đồng loạt giảm 1-2 triệu đồng một m2. Nhiều lô liền kề TT1 được đánh giá là có vị trí đẹp, tại khu đô thị mới Văn Phú được rao với giá 17 triệu một m2. Đất biệt thự khu Đô thị mới An Khánh, Bảo Sơn có giá khoảng 22,5 triệu một m2.

Đất Hà Tây đang xuống giá cục bộ
Mặc dù đang đi xuống, nhưng giá khu Văn Quán - Hà Đông vẫn cao hơn thời điểm đầu năm 2007 khoảng từ 4 đến 5 triệu đồng một m2.
Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Nguyễn Đình Ngọc, Phó phòng kinh doanh bất động sản Công ty ATS thừa nhận, khoảng một tháng gần đây bất động sản Hà Tây đã hạ nhiệt, giá cả mọi nơi đều có xu hướng đi xuống. Đã có biểu hiện các nhà đầu tư bán tháo hàng ra, trong khi lượng người tìm mua lại giảm đáng kể.

Trong nửa cuối năm 2007 đến đầu năm 2008, thị trường đất Hà Tây là điểm đến hấp dẫn. Hàng loạt các khu đô thị, trung tâm thương mại của các "đại gia" dầu khí, xây dựng, du lịch... được cấp phép. Cùng với thông tin về việc địa giới thủ đô sẽ mở rộng, Hà Tây được xem là khu "đất vàng" trong tương lai. Người người đổ xô vào đầu tư đất, chiếm đa phần là các nhà đầu tư, đầu cơ, trong đó không ít người phải dựa vào các khoản vốn vay từ ngân hàng.

Nhưng thuế luỹ tiến cùng với việc ngân hàng kiểm soát tín dụng bất động sản trở thành hai trong số các nguyên nhân khiến các nhà đầu tư đua nhau bán tháo trong thời gian này. Các khoản vay thế chấp bất động sản đều bị dừng lại. Các khoản nợ đáo hạn cần thanh toán. Người mua giảm, trong khi người bán lại đua nhau "bung hàng". Thị trường bất động sản ở đây chuyển sang trạng thái cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó theo các chuyên gia, bất động sản Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của tâm lý đám đông, mà các nhà đầu tư hiện chủ yếu là nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp.

Sau khi có thông tin Bộ Xây dựng đề xuất lấy toàn bộ tỉnh Hà Tây về thủ đô, giá vẫn có chiều hướng đi xuống. Ông Ngọc đánh giá, thị trường chỉ trầm lắng trong một giai đoạn nhất định. Khi ngân hàng nới lỏng các chính sách tín dụng, các biện pháp kiềm chế lạm phát của nhà nước phát huy tác dụng, thị trường sẽ bình ổn trở lại.

Các chuyên gia của Công ty Quản lý và Tiếp thị Bất động sản CBRE đánh giá, TP Hà Đông đang là thị trường phụ của trung tâm Hà Nội, đặc biệt là phân khúc nhà ở. Trục đường Láng - Hòa Lạc được quy hoạch để thành hành lang phát triển theo hướng Đông - Tây của Hà Nội. Nơi đây được dự đoán sẽ trở thành khu đô thị chất lượng cao bởi dự án metro từ Hà Nội đến Hà Đông đang đợi phê duyệt, cùng với khoảng 130 dự án đang trong quá trình xây dựng hoặc lập kế hoạch. Ông Renato Shordon, Phó giám đốc Công ty CB Richard Ellis Việt Nam đánh giá: "Hà Tây sẽ lại là điểm nóng trong năm nay".

Theo Đô Thị

  • 320
  • By Admin
  • 12/03/2008
  • 17