• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đất Hà Nội giá bao nhiêu?

Có tin cho hay từ anh ấp trứng vịt lộn tay trắng kiếm vài trăm triệu đồng trong một tháng, có người kiếm ra số ấy chỉ vài lần đưa đẩy "buôn nước bọt"... Nhưng làm sao để cá nhân cũng như xã hội có lợi từ tài nguyên đất đai mới là vấn đề.

Ai là người quyết định giá đất Hà Nội

Bảng giá đất năm 2010 do UBND Thành phố công bố không biết cơ cấu hoạt động thế nào, công thức tính ra sao chỉ biết đất ở cao nhất nội thành Hà Nội là 81 triệu đồng/m2, thấp nhất là 1,8 triệu đồng/m2. Các huyện ngoại thành giá thấp hơn một nửa.

Cầm bảng giá này đi mua đất ở Hà Nội thì các chủ đất sẽ cho là mình ở hành tinh khác đến. Biệt thự trong phố hàng trăm triệu đồng/m2 (mua xong phá biệt thự ngay để xây cao tầng). Phố cổ trả hàng tỷ đồng/m2 có nhà còn chưa bán.

Quảng cáo mua bán BĐS cho biết đất trung tâm Hà Đông đã rao 100 triệu/m2. Ven đường ở các phố huyện xa tít cũng hàng chục triệu đồng. Giá thấp dần theo khoảng cách đến trung tâm, nơi đường xá khó khăn. Mươi triệu là đất mà đường to chưa tới hay các dự án còn đắp chiếu nằm chờ .

Vài triệu/m2 thì cũng có: đất ruộng, đất rừng - đất không được quyền chuyển nhượng mua bán. Đất trong bản vẽ trưng bầy trong Triển lãm quy hoạch chung Hà Nội họ đã tô mầu xanh lè - đất công viên, cây xanh nhưng vẫn cứ mua (có thể mua để trồng cây, làm vườn hoa mi ni?!)

Đất đai do ai quản lý?

UBND Thành phố có một Phó Chủ tịch (PCT) phụ trách đất đai, và Sở Tài nguyên môi trường (TN-MT) trực thuộc. Tại 29 quận huyện có 29 PCT có nhiệm vụ tương tự. Hơn 500 xã phường cũng có hơn 500 PCT chuyên trách lại thêm một biên chế cán bộ địa chính giúp việc.

Trong cơn mua bán nhà đất tháng 5/2010, các phóng viên đến các địa phương thì hầu hết các vị có trách nhiệm cho biết là họ không biết gì. Đất thổ cư có mua bán thì có xác nhận, nhưng chỉ viết là ông A bà B là người địa phương, chuyện mua bán coi như là không biết.

Tại các quận huyện, có phòng Tài nguyên môi trường, bên cạnh là Văn phòng đăng ký đất nhà. Hồ sơ lưu trữ bản đồ đất đai thổ canh, thổ cư đầy đủ và liên tục cập nhật biến động (trong đó có chuyển nhượng mua bán)... Tuy vậy thông tin cập nhật không bao giờ theo kịp các diễn biến thực tế, mặc dù ngân sách chi cho công việc này cấp đều và là con số không nhỏ.
 

Tham chiếu giá đất tại các địa phương lên nền Bản đồ Quy hoạch Hà Nội. Bản vẽ KTS Bùi Thế Trung thể hiện

Kiểm kê hàng năm, 5 năm một lần có Tổng kiểm kê. Nội dung gồm sổ sách, bảng biểu, bản đồ địa chính, tô mầu biến động sử dụng đất.... Năm 2010, dự toán Tổng kiểm kê được duyệt gần 18 tỷ đồng.

Bộ máy quản lý đất đai Hà Nội khá kiện toàn, hầu hết cán bộ trình độ đại học, không ít thạc sĩ, tiến sĩ. Thiết bị luôn được quan tâm đầu tư: máy tính, máy in, máy scaner, mạng internet, bản đồ số hoá. Luật lệ, quy chế khá hoàn thiện.

Tuy vậy, nếu bạn muốn có thông tin tin cậy về giá cả, nguồn gốc, những tư vấn về tính hợp lệ hay rủi ro mức phí, thuế má của mảnh đất, ngôi nhà... Thật không dễ.

Khi có một sự việc gì đó về quản lý đất đai lỏng lẻo, xã hội cần có tư liệu làm sáng tỏ, các vị liên quan từ xã phường đến quận huyện hầu như trả lời là chưa nắm rõ vì nhiều lý do... Thực tế này báo chí từng mô tả nhiều.

Cơn sốt nông dân bán đất  ở phía Tây Hà Nội dâng cao và Quốc hội cũng muốn biết thông tin giá đất... Một đoàn liên ngành đã thành lập để khảo sát vấn đề này. Kết quả ra sao hy vọng ít hôm tới sẽ rõ.

Làm thế nào để tài nguyên đất đai phát huy hiệu quả

Đã có nhiều sáng kiến nhưng chú ý hơn cả là dùng thuế làm công cụ điều chỉnh. Tài nguyên đất ở sẽ được phân bổ công bằng. Lợi nhuận từ các nhà kinh doanh hay đầu cơ BĐS để ngân sách thu lại, đầu tư hạ tầng. Muốn việc này thì phải có Cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (CSDL -ĐĐ).

Toàn quốc có trên 75 triệu thửa đất với hơn 22 triệu hộ gia đình. Nếu mỗi thửa đất trong bản đồ số hoá được gắn với thông tin chủ quản lý đất, kèm theo mô tả hình học, phân hạng, các liên quan hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Giá mà có được thì lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường không phải đi hết từ "ngạc nhiên" này đến "không ngờ" khác do các chủ sử dụng sản xuất xả thải độc hại bừa bãi ra môi trường, đất rừng giao cho ai từ bao giờ không biết, núi đồi bị đào khoét, sông hồ ruộng vườn thoái biến chỉ ai bị hậu quả mới biết... Lý do quản lý ở xa nên tin không ai báo.

Từ thập kỷ 90, buổi bình minh của thời Mở cửa, CSDL-ĐĐ đã được cơ quan quản lý đất đai - tiền thân của Bộ TN - MT đặt ra mục tiêu xây dựng. Đã qua 20 năm, Hà Nội cũ hàng chục ngàn hecta đất ruộng đã đô thị hoá, Hà Nội mới đang có quy hoạch huy động số đất nông nghiệp gấp hàng chục lần để thành đất đô thị thì cái CSDL -ĐĐ vẫn chưa thấy mặt mũi đâu.

Trong khi chi phí cho việc đo đạc cập nhật thông tin liên quan đến dữ liệu đất đai vẫn chi đều. Cam kết hoàn thành cấp GCN với giao dịch điện tử ngành TN-MT lỗi hẹn đã vài lần.

Nếu có thu nhập, bạn phải kê khai nộp thuế đầy đủ. Nếu là doanh nghiệp, trách nhiệm lớn hơn: Báo cáo hàng tháng đúng hạn, nếu chậm, cơ quan Thuế sẽ có công văn với lời lẽ cảnh báo nghiêm khắc.

Rất nhiều tiền nộp thuế vào ngân sách để chi đo đạc, nhập dữ liệu biến động cho CSDL-ĐĐ. Nhưng người nộp thuế không được biết số tiền ấy chi dùng có hiệu quả không? Nếu bạn thử hỏi các cơ quan quản lý đất đai là mảnh đất bạn đang ở có giá trị bao nhiêu? Bạn sẽ phải gặp bao nhiêu người, trong bao lâu để có câu trả lời và kết quả có đáng tin cậy?

Quy mô lớn hơn là đất Thành phố theo quy hoạch sẽ có hàng tỷ m2 ruộng, giá từ vài trăm ngàn đồng/m2. Khi thành đất ở sẽ là vài chục triệu đồng/m2. Nếu lợi nhuận tạm tính là 1000USD/m2, thì với hàng trăm triệu m2 đất ở, thì tổng lợi nhuận lên tới hàng trăm tỷ USD. Món lợi ấy thu về ngân sách bao nhiêu? Muốn thu nhiều ắt phải có CSDL-ĐĐ tin cậy. Cơ hội lớn là vừa có kết quả Tổng kiểm kê dân số và nhà ở năm 2009, Tổng kiểm kê đất đai 2010 và sắp tới là Quy hoạch được công bố... Tất cả đã sẵn sàng, vấn đề là có quyết tâm không, cơ quan nào thực hiện, quy chế giám sát ra sao?

Tại Cộng hoà Pháp, CSDL-ĐĐ cho biết biến động hàng ngày của 88 triệu thửa đất, 36 triệu ngôi nhà, 6 triệu con đường, 27 triệu chủ sở hữu... do Cơ quan Thuế vụ quản lý: họ chi tiền để ngành địa chính đo đạc chính xác, hoàn thiện và tiến hoá hàng ngày. Tất cả vì mục tiêu: tiền thuế thu từ đất đai được chính xác nhất, nhiều nhất. Nguồn thu nhập của địa phương phần lớn liên quan đến nhà đất. Tỷ lệ thu thuế cư trú (20,2%), bất động sản có xây dựng (28%) và BĐS không xây dựng (2,7%).
 

Theo Vietnamnet
  • 0
  • By Admin
  • 01/06/2010
  • 17