Dân sống "mòn" trong vùng quy hoạch “treo” (P3)
Tuy nhiên, hiện nay, người dân nào bị “dính” vào quy hoạch dự án chưa được triển khai, thì quyền lợi bị xâm hại, gần như dự án “treo” đến đâu, người dân nghèo đi đến đó. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND Tp.HCM đã thẳng thắn như vậy khi đề cập đến quy hoạch “treo”.Bài cuối: Đừng để người dân nghèo đi vì quy hoạch “treo"
Khu vực ga Bình Triệu chưa biết ngày thoát “treo”. Ảnh: Lê Hồng Thái |
Sửa đổi luật Đất đai
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, theo đại biểu Khoa, cần phải thay đổi hệ thống luật đất đai trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người dân. Cụ thể, đối với đất nông nghiệp, nên quy định bất cứ dự án nào (trừ dự án phục vụ an ninh quốc phòng, đường sá), khi thu hồi đất, nhà đầu tư phải trực tiếp mua của dân. Nếu dân không đồng ý bán khi chưa được giá, thì không được cưỡng chế.Ông Đặng Đình Thông, giám đốc công ty TNHH luật Đặng Đình Thông phân tích, tình trạng quy hoạch “treo” nằm trong các dạng sau: địa phương có công bố quy hoạch một khu đất để xây dựng công trình, dự án, nhưng sau đó, không làm gì để thực hiện quy hoạch; địa phương ban hành quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, nhưng việc thu hồi kéo dài và không dứt điểm; đất đã được thu hồi và giao cho chủ đầu tư dự án, nhưng chủ đầu tư không đầu tư, hoặc đầu tư một phần rồi bỏ. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố và phê duyệt quy hoạch một khu đất để xây dựng công trình, dự án, nhưng không làm gì để thực hiện dự án trong một thời gian đến hàng chục năm như: quy hoạch bán đảo Thanh Đa; quy hoạch ga Bình Triệu; quy hoạch mở rộng đường Nguyễn Kiệm… là tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang gây bức xúc nhất trong xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở nhiều nơi và gây lãng phí đất đai.
Phải có quy trình xoá “treo”
Theo ông Thông, điều 29 luật Đất đai và điều 29 nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29.10.2004, quy định rằng, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình, hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau ba năm không thực hiện theo kế hoạch, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hoặc huỷ bỏ công bố. Trong thực tế, có rất nhiều dự án quy hoạch không thể thực hiện được, vì lý do tài chính, nên kéo dài hàng chục năm, nhưng không được huỷ bỏ theo đúng quy định.Luật Đất đai và luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định rất rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị, nhưng lại chưa quy định một quy chế rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quy hoạch bị huỷ bỏ. Mặt khác, việc công nhận huỷ bỏ một quy hoạch sẽ gắn liền với việc giải quyết các hậu quả có liên quan đến quy hoạch bị huỷ bỏ. Bên cạnh đó, là quy trình lập, thẩm định và phê duyệt rất chặt chẽ và liên quan tới nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền. Do đó, nếu chính các cơ quan này huỷ bỏ quy hoạch đó, thì đồng nghĩa với việc họ công nhận sự sai lầm và thiếu tầm nhìn của mình trong quy hoạch. Vì lẽ này, mà trong thực tế có rất nhiều các dự án quy hoạch “treo” bị huỷ bỏ. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ông Thông kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm xây dựng và ban hành những quy phạm pháp luật rõ ràng và khả thi cho việc huỷ bỏ những quy hoạch không phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội qua từng thời kỳ.
Khi mạnh ai nấy làm dự ánTheo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, nguyên giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc Tp.HCM, để xoá quy hoạch “treo”, thành phố cần có chiến lược phát triển đô thị toàn diện. Tp.HCM đang tồn tại rất nhiều dự án “treo” là vì trước đây, thành phố như một công trường xây dựng: thành phố làm dự án, quận huyện làm dự án, tư nhân làm dự án; đất đai được giao tràn lan… đến khi khủng hoảng kinh tế, nhà đầu tư không có vốn để thực hiện, nên dự án này phải “treo”. Do vậy, tầm nhìn và một kế hoạch phát triển toàn diện, bền vững là cái mà thành phố cần để giải bài toán đô thị nói chung và quy hoạch “treo” nói riêng. |
(Theo SGTT)
- 0
- By Admin
- 28/02/2011
- 17