Dân ngại nhận chung cư cao cấp
Khó hoàn thành "mặt bằng sạch" trước ngày 30/9Cầu Nhật Tân là dự án cây cầu dây văng hiện đại nhất miền Bắc, với tổng đầu tư 13.600 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản. Phú Thượng là nút chân cầu phía Nam. Do phải thu hồi diện tích của 330 hộ đất ở, 300 hộ đất nông nghiệp nên suốt một thời gian dài, việc giải phóng mặt bằng rơi vào bế tắc. Khúc mắc lớn nhất vẫn nằm ở chỗ không thống nhất được mức giá đền bù. Mặc dù ngày 22/4/2010, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 1868, nâng giá đền bù cho riêng phường Phú Thượng lên 1,5 lần song các hộ dân vẫn cho rằng, mức giá đền bù hiện tại vẫn còn quá thấp so với bảng giá thị trường.
Phần diện tích đất nông nghiệp, đất trưng dụng về cơ bản đã được bàn giao xong trước ngày 30/6. Khó khăn lớn nhất là phần diện tích đất ở. Phần chân cầu chủ yếu rơi vào các hộ ở tổ 50, 51, 52. Tới nay, tổ công tác giải phóng mặt bằng mới lập biên bản kiểm đếm được 37 hộ (trong đó có 20 hộ tổ 52, 17 hộ tổ 51). Tổ công tác cũng đã xây dựng xong phương án kiểm đếm đất của tổ 46, 47A từ ngày 7/6/2010 nhưng các hộ vẫn chưa đồng ý cho trích thửa, kiểm đếm, đo đạc.
Tại vị trí cột 46-1, có 7 hộ nằm trong chỉ giới, tổ công tác đã tiến hành kiểm đếm được 6 hộ. Ở vị trí cột 42, có 7 hộ, đã kiểm đếm được 4 hộ. Đối với 5 đơn vị nằm trong hành lang chỉ giới cầu, gồm: Công an quận Tây Hồ, Công ty CP xây dựng giao thông Hà Nội, Công ty CP đầu tư và phát triển vận tải, Cục Hậu cần - Bộ Tổng tham mưu, Công ty TNHH khu đô thị Nam Thăng Long, 04 đơn vị đã bàn giao mặt bằng, chỉ còn 1 đơn vị là Cục Hậu cần chưa làm xong thủ tục giải ngân.
Nhiều năm nay, gia đình bà Phạm Thị Sinh vẫn sống trong căn nhà tạm bợ, không dám sửa sang vì cầu Nhật Tân sẽ bắc qua đầu nhà mình.
Theo ông Hoàng Trung Kính - Trưởng ban giải phóng mặt bằng - Ban quản lí hạ tầng Tả Ngạn - đơn vị được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân, tiến độ thực hiện tại phường Phú Thượng rất chậm chạp, thậm chí có lúc rơi vào bế tắc.Theo đúng kế hoạch, các hộ nằm trong phần chính tuyến sẽ phải bàn giao mặt bằng trước ngày 30/9, các hộ còn lại sẽ phải hoàn thành di dời trước ngày 30/12. Tuy nhiên, ông Kính cũng cho rằng, khả năng đạt được tiến độ như kế hoạch là rất khó. Về chính sách tái định cư, 330 hộ mất đất sẽ được bố trí trong 650 căn thuộc nhà CT13, CT14 tại khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra), trung mình mỗi hộ được 2 căn.
Cần chuyển đổi nghề, không thích chung cư cao cấp
Trong căn nhà khá tồi tàn, bà Phạm Thị Sinh (tổ 52, cụm 8) sống cùng 6 người con, cháu tất thảy. Căn nhà được xây từ năm 1984 nay đã xuống cấp. Trời mưa, nhà dột khắp nơi, sàn nhà lõng bõng nước, những mảng tường bám rêu xanh rì. Đã muốn sửa nhà từ lâu, nhưng từ khi biết cây cầu sẽ bắc qua ngay trên đầu nhà mình, nhận thông báo di dời từ phường, bà Sinh đành phải từ bỏ ý định ấy, chấp nhận tiếp tục sống tạm bợ. Toàn bộ diện tích 600m, trong đó có 180m đất thổ cư của gia đình bà sẽ phải nhường lại cho dự án.
Giải thích về lí do chưa bàn giao đất, bà Sinh than thở: "Bao đời nay chúng tôi sống với đồng ruộng, nay không biết làm gì với cái chung cư cao cấp. Nếu may mắn nhận được căn hộ dưới tầng trệt thì còn có thể kinh doanh buôn bán chứ lên tầng cao thì chẳng biết mưu sinh bằng cách nào. Đã vậy, chi phí sinh hoạt ở Ciputra vào loại đắt đỏ, gia đình tôi sợ không kham nổi".
Ông Hoa Văn Bảo - tổ trưởng tổ dân phố 52, cụm 8 cho biết: "Tổ có 46 hộ, trong đó có 18 hộ nằm trong diện phải di dời. Hiện tại mới chỉ có 8 hộ đã tiến hành bàn giao, vẫn còn 5 hộ chưa cho tổ công tác vào kiểm đếm".
Theo ông Bảo, các hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án đền bù hiện tại. Theo thang giá đền bù, phần lớn các hộ chỉ được đền bù theo mức 13 triệu/m2 đất thổ cư, trong khi giá trị thực tế ngoài thị trường đều ở mức 35-40 triệu/m2, có chỗ lên tới 60-70 triệu/m2.
Theo chính sách, đất trưng dụng được hỗ trợ 50 ngàn/m2 cùng 50% rau màu trồng trên đất, song diện tích vào lòng cầu vĩnh viễn lại không được hỗ trợ tiền đất, trong khi nhiều hộ rơi vào lòng cầu tới cả nghìn mét. Nhiều hộ khai hoang phục hoá, cũng chỉ được hỗ trợ hoa màu, không hỗ trợ tiền đất. Qua nhiều lần họp tổ, ông Bảo cho biết, phần lớn các hộ chưa đồng ý bàn giao đất là do muốn nâng giá đền bù đất thổ cư theo sát giá thị trường.
Khó khăn từ công tác giải phóng mặt bằng đã khiến cho gói thầu số 2 - thi công đường dẫn phía Nam (nút Phú Thượng) gần như bế tắc. Theo lộ trình, tới cuối năm 2010, cầu Nhật Tân về cơ bản sẽ hoàn thiện xong phần dây văng, tới 2012 sẽ thông toàn tuyến.
Thời điểm này, các cơ quan liên quan đang tập trung, dồn sức cho công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do chưa đạt được sự đồng thuận của dân nên khả năng hoàn thiện "mặt bằng sạch" đúng tiến độ xem ra rất khó
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 03/09/2010
- 17