Dân kêu trời vì dự án 10 năm "bất động"
“Sập bẫy” dự án siêu rẻ
Dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 tọa lạc ngay Km 14, Quốc lộ 1A, Thanh Trì, Hà Nội do Công ty Cơ khí và Xây lắp số 7 (Coma7) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2003 – 2004, dự kiến sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 8/2005.Tuy nhiên, đến nay, sau gần 10 năm khởi công, dự án vẫn là bãi đất hoang, đã được người dân xung quanh tận dụng để trồng rau và cây ăn quả. Theo nhiều người dân sống xung quanh khu đất này, từ năm 2003, chủ đầu tư đã mang máy móc, đưa người đến để khoan cọc, chuẩn bị làm móng. Tuy nhiên, do thời gian bỏ hoang khá lâu nên thoạt nhìn qua, khu đất tưởng như vẫn còn nguyên sơ.
“Thời điểm đó rất đông công nhân và máy móc được huy động đến khu vực này để khoan cọc làm móng. Nghe nói chủ đầu tư đã bỏ hàng tỷ đồng để khoan cọc rồi. Khách đến xem dự án hàng ngày cũng đông lắm”, bác Trạch, một người dân sống lâu năm tại khu vực gần dự án, cũng là công nhân cũ của Công ty Coma 7 cho biết.
Cũng theo bác Trạch, sau khi đóng cọc, không hiểu vì lý do gì, nhưng gần chục năm nay không thấy ai đả động gì đến dự án nữa. Cách đây chừng khoảng 5 năm, thì có rất nhiều khách hàng đến “mục sở thị” dự án còn thực hiện nữa không, nhưng giờ thì gần như không còn ai lui tới khu đất này nữa.
“Các thông tin về dự án cũng không ai biết nữa, người thì nói xây chung cư 15 tầng, người thì đồn sẽ chuyển sang xây nhà liền kề, nhà xã hội. Còn chủ đầu tư thì không đưa ra phương án cụ thể nào”, bác Trạch nói.
Phản ánh với báo chí, anh Bằng, một khách hàng mua dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7 bức xúc, cách đây 8 năm (7/2004), hai vợ chồng anh có ký hợp đồng mua bán căn hộ tầng 15 với giá là 2.639.385 đồng/m2, thời hạn bàn giao nhà là tháng 8/2005.
Dự án vẫn là bãi đất hoang, trồng rau và cây ăn quả |
Theo hợp đồng, tiến độ đóng tiền được chia làm 3 đợt: Đợt 1 đóng 40% tổng giá trị hợp đồng (tương đương với số tiền 82.400.000 đồng) ngay sau 10 ngày ký hợp đồng. Đợt 2 cũng đóng 40% tổng giá trị hợp đồng sau 10 ngày xây xong phần thô và đợt 3 đóng nốt 20% còn lại (tương đương đương 41.072.030 đồng) khi hoàn thiện căn hộ.
Ngay sau khi ký hợp đồng, hai vợ chồng anh Bằng đã đóng 82.400.000 đồng. “Dự án lúc đầu được triển khai đóng cọc rầm rộ, nên ai cũng tin chủ đầu tư sẽ bàn giao đúng tiến độ. Nhiều khách hàng giống như tôi, khi xuống “mục sở thị” đều rất yên tâm và tin tưởng gửi gắm hàng trăm triệu đồng cho chủ đầu tư”, anh Bằng nhớ lại.
Cũng theo anh Bằng, hồi đó thấy dự án giá tốt (hơn 2 triệu đồng/m2), 1 căn hộ 80 m2, giá tầm hơn 200 triệu đồng, rẻ hơn hẳn so với nhiều dự án cùng thời điểm đó, nên anh cũng giới thiệu cho một số người bạn đến mua. Cũng may, không ai “sập bẫy” như anh.
Điều đáng nói, dù dự án không được triển khai, nhưng gần 10 năm qua, chủ đầu tư vẫn không chịu thực hiện theo đúng cam kết như trong hợp đồng là “nếu bên A xây dựng và bàn giao nhà không đảm bảo tiến độ quy định thì phải chịu lãi suất ngân hàng tương đương với lãi suất không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định”.
“Dù không thực hiện dự án nhưng chủ đầu tư vẫn không chịu trả lại tiền cho khách hàng. Rất nhiều lần tôi yêu cầu được gặp chủ đầu tư nhưng họ đều lảng tránh. Đến tận năm 2006, do thấy khách hàng phản ứng căng quá, nên tôi mới được trả 30 triệu đồng, số tiền còn lại đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, anh Bằng nhăn nhó.
Từ “mật ngọt” đến “bài cùn”
Không chỉ anh Bằng, rất nhiều khách hàng khác cũng bị “sập bẫy” dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7. Đa số do thấy dự án có giá tốt, khởi công rầm rộ, nên nhiều người không chút đắn đo sẵn sàng mua lại suất của dự án từ cán bộ công nhân viên Coma 7 với mức giá chênh lệch từ 20 – 30 triệu đồng/căn.Anh Tuấn, một khách hàng mua dự án cho biết, do chưa có nhà ở, thấy dự án rầm rộ triển khai, nên dù chưa có đủ tiền để nộp cho chủ đầu tư, hai vợ chồng anh chị vẫn quyết định đi vay người thân, bạn bè để đóng cho đúng tiến độ.
“Hồi đó, hai vợ chồng tôi tích góp mãi mới được 40 triệu đồng, số tiền còn lại, khoảng hơn 40 triệu nữa phải đi vay mượn mấy nơi mới đủ. Những tưởng sẽ có được nhà ở như mong muốn, ai ngờ “chôn” tiền vào đấy xong, chúng tôi trở thành con nợ. Còn con nợ của chúng tôi là Coma 7 thì cố tình chây ỳ, không chịu trả lại tiền”, anh Tuấn kể.
Ngoài ra, để có được căn hộ này, anh phải mua lại từ một cán bộ công nhân viên Coma 7 với số tiền chênh là 20 triệu đồng.
Khi phát hiện dự án dừng thi công, anh Tuấn đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư xây dựng trở lại, nhưng vẫn không có động tĩnh gì. Đến năm 2006, thì anh đành phải lên trụ sở công ty đề nghị thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cho khách hàng.
“Lúc đầu họ còn cho chúng tôi vào trụ sở, dù không gặp được các lãnh đạo. Nhưng sau đó, bảo vệ chặn ngay từ cổng vì có chỉ đạo không có những người đòi nợ vào công ty làm phiền. Suốt một thời gian dài, tôi phải vật vờ ở quán nước trước cổng công ty để “rình” lãnh đạo”, anh Tuấn cho biết.
Theo anh Tuấn, lúc đầu để yên lòng khách, phía chủ đầu tư đưa ra những lời hứa hẹn “mật ngọt” là họ đang triển khai một dự án khác ở Hà Đông, nên nếu muốn họ sẽ đổi sang dự án này. Nhưng cũng chỉ là hứa suông, còn sau đó, dự án Hà Đông cũng không có thông tin gì.
Những lần sau đó, khi liên hệ với chủ đầu tư, thì câu trả lời là “chúng tôi hết tiền rồi, khách hàng thông cảm”. Sau gần 20 chục lần “phục kích” thì đến năm 2006, anh Tuấn cũng được chủ đầu tư trả 20 triệu đồng, còn hơn 60 triệu đồng còn lại thì đến giờ vẫn “bốc hơi”.
Anh Huy, một khách hàng khác đã đóng 118 triệu đồng mua dự án này cũng bức xúc kể lại, không chỉ chây ỳ, không chịu trả tiền cho khách, chủ đầu tư còn chơi bài cùn là cho khách đến đòi tiền thoải mái, nhưng ban lãnh đạo đi vắng, không giải quyết hoặc hứa hẹn khi nào có tiền sẽ hoàn trả đầy đủ cho khách, thậm chí cam kết đến tháng 12/2007 sẽ trả cả vốn và lãi cho khách. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không thấy chủ đầu tư có động tĩnh gì.
“Lúc đầu họ cố trốn, không gặp. Sau đó tôi kéo quân ở cả công ty sang làm ầm lên thì họ mới chịu tiếp và cho những lời hứa suông. Biện pháp đòi nợ mềm dẻo, cứng rắn tôi đều thực hiện rồi, nhưng cũng đành chịu thua thôi. Giờ coi như bị lừa, quên hẳn số tiền này đi để sống cho thoải mái”, anh Huy chán nản nói.
May mắn hơn nhiều khách hàng mua dự án Khu tập thể Cơ khí và Xây lắp số 7, anh Khối do có mối quen biết với công an kinh tế nên đến năm 2010 anh đã đòi lại toàn bộ số tiền 131 triệu đồng đã đóng vào dự án này.
Anh Khối cho biết, lúc đầu chưa nhờ đến công an, anh cũng rất chật vật mà không đòi được một đồng xu nào từ chủ đầu tư. Họ lấy lý do công ty khó khăn, các khách hàng ồ ạt rút tiền, công ty không xoay sở kịp, chờ một thời gian nữa ổn định sẽ trả đầy đủ. Tuy nhiên, anh Khối chờ đợi mãi vẫn không có hồi âm.
“Ngay cả khi nhờ công an, họ cũng chỉ trả rất nhỏ giọt, mỗi năm 2 đợt, mỗi đợt tầm 20 – 30 triệu đồng”, anh Khối kể.
Điều đáng nói, suốt 10 năm qua, số tiền góp vốn của các khách hàng đã bị mất giá đi rất nhiều.
Anh Bằng tính toán: “Hơn 80 triệu bây giờ không phải số tiền lớn. Nhưng cách đây 8 năm thì đó là số tiền không nhỏ. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản thế này. Vàng thời đó khoảng 450.000 đồng/chỉ, tức là 82 triệu mua được khoảng 17 – 18 cây vàng.
Tính ra với giá bây giờ tương đương với khoảng 750 – 800 triệu đồng. Nhưng thực tế, giờ nếu có đòi được từ chủ đầu tư thì cũng chỉ đáng giá chưa đến...2 cây vàng. Như vậy, có khác gì tiền của chúng tôi đã thành mớ giấy lộn”.
(Theo VTC News)
- 0
- By Admin
- 18/09/2012
- 17