Dân Đà Nẵng khổ sở vì dự án "treo"
Năm 2008, dự án Công viên Văn hóa- Lịch sử Ngũ Hành Sơn được công bố với 139ha. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn nằm trên giấy, chưa được triển khai.
Trong căn nhà cấp 4 vỏn vẹn 20m2 đã xuống cấp nặng, nhưng có tới 6 người sinh sống, anh Nguyễn Văn Tuyến (tổ 85, phường Hòa Hải) bức xúc: “Năm 2010, khi có thông tin giải tỏa bàn giao mặt bằng để xây dựng dự án công viên, chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành để người ta đo đạc, áp giá nhà cửa, đất đai. Thế nhưng, 4 năm trôi qua mà không thấy động tĩnh gì. Mùa mưa thì ngập úng, nước dột quanh nhà mà không dám sửa chữa, đập đi xây lại, ở như vầy thì cực khổ quá.”
Buổi tiếp xúc cử tri hai quận Thanh Khê và Ngũ Hành Sơn ngày 28.4
Ông Nguyễn Văn Kháng - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 1, cũng là hộ thuộc diện di dời phục vụ dự án than phiền: “4 năm đã trôi qua, đời sống của 240 hộ dân nằm trong vùng giải tỏa gặp vô vàn khó khăn do nhà ở đã xuống cấp nghiêm trọng mà không được sửa chữa hay xây dựng mới. Từ năm 2010 đến giờ, các hộ dân cũng không được nhập hộ khẩu dù gia đình họ có thêm dâu, rể, con cháu, chưa kể cả dân gốc đã đăng ký tạm trú nhiều năm cũng không được nhập hộ khẩu”.
Trong mùa mưa bão 2013, hàng chục căn nhà bị tốc mái nhưng người dân chỉ dám sửa chữa qua loa.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, dự án chậm triển khai do TP.Đà Nẵng thiếu vốn. Trước mắt, trong năm 2014, thành phố sẽ thi công 2 con đường lớn nằm trong dự án dẫn vào chùa Quán Thế Âm là Sư Vạn Hạnh và Huyền Trân Công Chúa. Tuy nhiên, với việc triển khai toàn bộ dự án, ông Hiền cho biết chưa rõ đến bao giờ mới thực hiện. |
Ông Nguyễn Văn Hiền -Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết: “Thực hiện chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng về việc giao đất cho Ban dự án số 1 triển khai từ năm 2010, chính quyền phường đã hướng dẫn, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, tuy nhiên việc chậm triển khai cần có sự chỉ đạo của chính quyền thành phố.
Hiện thành phố đang chỉ đạo địa phương tập trung ưu tiên đền bù giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường chính là Nam Huyền Trân Công Chúa và Sư Vạn Hạnh, còn các vị trí khác thì sẽ phải phân kỳ do thiếu kinh phí. Còn đất tái định cư bố trí cho người dân sau giải tỏa thì thành phố đã sắp xếp đủ”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết năm 1992, dù được huyện, xã cấp đất nhưng vì cuộc sống quá khó khăn nên người dân ở đây không làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo tính pháp lý mà chỉ có giấy tờ viết tay. Nay có chủ trương quy hoạch dự án Công viên Văn hóa- Lịch sử Ngũ Hành Sơn thì những giấy tờ giao đất cũ không đủ tính pháp lý để xin phép xây dựng nhà...
Ông Hiền cho biết thêm, vừa qua UBND TP.Đà Nẵng đã thống nhất cho phép những hộ dân nằm trong khu vực chậm triển khai được phép sửa chữa nhà dưới 50m2 để chống bão với điều kiện đất đang sử dụng là đất hợp pháp.
Tuy nhiên, trong vùng dự án Khu Công viên Văn hóa - Lịch sử Ngũ Hành Sơn có nhiều hộ dân làm nhà nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể sửa chữa, xây dựng lại. “Chúng tôi đề nghị thành phố quan tâm, ưu tiên nguồn vốn sớm để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống” - ông Hiền nói.
- 0
- By Admin
- 29/04/2014
- 17