Đảm bảo an toàn giao dịch bất động sản: "Việt Nam cần sửa Luật Đất đai"
Chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ* Việt Nam và Pháp vừa kết thúc 5 năm hợp tác về tư pháp với một trong những kết quả rõ nhất là sự ra đời của công chứng tư. Phía VN hy vọng sẽ tiếp tục được Pháp hỗ trợ hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực công chứng. Theo ông, văn bản nào cần được sửa đổi, hoàn thiện trước tiên?
Trước hết, tôi muốn nói rằng dự án kết thúc nhưng đây chính là giai đoạn "bàn đạp" cho thời gian sắp tới. Hai bên đều nhận định giai đoạn vừa qua rất thành công, cho nên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác.
Chúng tôi cho rằng Việt Nam cần sửa Luật Đất đai vì luật này được ban hành khi các vấn đề của nền kinh tế phát triển như tốc độ hiện nay chưa thể hiện rõ.
Bây giờ, để tạo điều kiện cho đầu tư thì luật phải tính đến yếu tố an toàn pháp lý nữa. Không thể có an toàn pháp lý nếu không có một số thủ tục và kiểm soát nhất định.
Chúng tôi mong muốn phía Việt Nam trao nhiều trách nhiệm hơn cho công chứng viên trong lĩnh vực giao dịch bất động sản để bảo đảm tính an toàn của nó.
* Luật của VN quy định rằng, ngoài phòng công chứng ra, UBND cấp xã, huyện cũng có thẩm quyền chứng thực các hợp đồng giao dịch. Nếu thay đổi liệu có gây xáo trộn lớn?
Tất nhiên không thể làm một cú "Big Bang" trong lĩnh vực công chứng, nhất là ở các tỉnh không có CCV thì không thể đùng một cái, không cho UBND huyện, xã đóng vai trò công chứng nữa, nhưng sẽ phải có sự chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ.
UBND huyện, xã chỉ làm chứng thực, CCV chứng những giao dịch bất động sản. Điều này tương tự như ở châu Âu, tòa thị chính làm việc chứng thực các văn bản còn công chứng thì chứng những giao dịch bất động sản.
* Hiện các CCV mới được bổ nhiệm còn gặp khó khăn khi mua bảo hiểm vì bị các công ty bảo hiểm từ chối. Theo ông, giải pháp là gì?
Tôi không ngạc nhiên lắm về điều này. Ở châu Âu, các công ty bảo hiểm bán bảo hiểm cho các CCV khi họ đã tập hợp thành một lượng lớn bởi công ty bảo hiểm cũng làm ăn vì lợi nhuận, khách hàng lẻ tẻ thì khó bán. Giải pháp ở đây là phải lập hiệp hội các CCV.
* Liên quan đến lệ phí công chứng, thời gian tới có thể được tăng lên gấp đôi. Ở Pháp, mức lệ phí được tính toán thế nào?
Công chứng viên cần ở gần dân
* Pháp có bao nhiêu CCV, thưa ông?
Pháp có 63 triệu dân, 9.000 CCV và 5.000 VPCC, tức là cứ 7.000 dân thì có 1 CCV.
Ở VN, tôi được biết là mục tiêu mà Bộ Tư pháp đề ra là phát triển số lượng CCV lên 2.000 người trong vòng 12 năm tới. Tôi nghĩ đây là con số hợp lý, với một đất nước rộng lớn và đang phát triển nhanh như Việt Nam.
* Vậy theo ông có cần thiết phải hạn chế số lượng VPCC?
Tôi nghĩ ở đây là quy hoạch của Chính phủ để kiểm soát được số lượng, dựa vào nhu cầu ở lĩnh vực này. Bởi vì CCV là đại diện của Nhà nước, họ hoạt động nhân danh Nhà nước, cho nên không thể CCV được mở VP ở bất cứ nơi nào họ muốn.
Ở nước chúng tôi, mở VP luật sư được tự do hoàn toàn, các luật sư muốn mở VP ở nơi họ muốn, chính vì thế có những thành phố nhỏ và nông thôn không có luật sư nào cả.
Nhưng CCV thì phải mở VP ở những chỗ mà Bộ Tư pháp muốn, theo một bản đồ phân bổ về tư pháp rất quan trọng. Cứ mỗi huyện có 1 CCV.
CCV là một chuyên gia luật gần dân. Đó chính là người giải thích luật cho dân, giúp dân tiếp cận với hội đồng tư pháp. Chính vì lẽ đó, họ phải ở gần dân, ở tỉnh nhỏ, ở huyện.
Vì thế Bộ trưởng Tư pháp VN mới nói đến chiến lược phát triển trong vòng 12 năm bởi không thể có cây đũa thần kỳ nào để có ngay lập tức 2.000 CCV và chia họ hành nghề trên khắp đất nước.
* Người VN còn tâm lý chuộng Nhà nước hơn. Ở châu Âu có hiện tượng này không?
Chính phủ nên có những tuyên truyền cho hoạt động công chứng tư để dân chúng hiểu là công chứng tư không có gì khác công chứng công, thậm chí có mặt còn hơn.
Ở VN là nước đang hiện đại hóa mạnh mẽ, tư nhân hóa sẽ làm cải thiện chất lượng các lĩnh vực công, còn nếu chỉ giữ mãi độc quyền Nhà nước thì khó có điều này.
Vì sao? Bởi bằng cách tư nhân hóa, người ta sẽ tăng trách nhiệm CCV đối với công dân lên, nếu CCV là công chức, thì dù có làm tốt hay không công việc của mình, họ cũng vẫn có lương do Nhà nước trả.
Khi được tư nhân hóa, thu nhập của CCV phụ thuộc vào khách hàng, nếu làm việc kém thì mất khách hàng, cho nên họ có động lực phải làm việc cho tốt.
Đó chính là cơ chế vận hành ở phạm vi toàn thế giới khiến lĩnh vực công chứng do tư nhân đảm nhiệm, ở Trung Quốc, Iran, Madagascar, Hàn Quốc hay Australia đều như vậy.
Riêng ở Pháp, từ thời Napoléon cách đây 200 năm, công chứng đã hoàn toàn là tư nhân - người kết nối Nhà nước và công dân. Công chứng được Nhà nước kiểm soát nhưng hoạt động như doanh nghiệp.
* Nhưng trong quá trình chuyển đổi, các phòng công chứng Nhà nước không tránh khỏi có cảm giác bị bỏ rơi?
Không hề có chuyện đó. Tất nhiên các CCV Nhà nước sẽ có cảm giác sợ hãi nhưng Nhà nước sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho phòng công chứng chuyển đổi thành VPCC.
Ở Nga, quá trình này kéo dài trong 10 năm, ở Trung Quốc quá trình này đã bắt đầu từ 2 năm nay và sẽ kéo dài 10-15 năm nữa.
Tôi tin chắc rằng công chứng tư sẽ có tương lai rất tốt ở VN vì đây là nước đang phát triển mạnh mẽ, công chứng có rất nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
"Năm 2005, Bộ Tư pháp tổ chức một cuộc điều tra ở cả thành thị lẫn nông thôn. Chúng tôi nhận thấy hầu hết các hợp đồng giao dịch đất đai mà UBND xã chứng thực không đạt yêu cầu. Bởi vì ông chủ tịch UBND xã có phải là chuyên gia pháp luật đâu. Khi người ta mang đến hợp đồng giao dịch đất đai nhà cửa, ông chỉ chứng là ông X, bà Y có hộ khẩu ở xã, thay vì chứng giao dịch này có hợp pháp hay không. Tôi khẳng định, nếu ra tòa thì gần 100% hợp đồng do UBND xã chứng đều vô hiệu".
(Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp Trần Thất)
Theo Vietnamnet
- 0
- By Admin
- 22/09/2008
- 17