• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đắk Nông: Bỏ hoang khu tái định cư tiền tỉ

Theo người dân, nguyên nhân khiến các công trình tiền tỉ phơi nắng mưa là do người dân không ở trong khu tái định cư vì thiếu đất sản xuất và đất ở lại bị ngập nước.

Dân không ở được

Nhìn từ xa, các công trình công cộng của khu tái định cư của Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 3 tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jút, Đắk Nông) dù xây dựng hoành tráng nhưng xung quanh cỏ dại mọc um tùm, hàng rào đổ nát xiêu vẹo. Vào trong các công trình là cảnh gạch lát nền, ốp tường bị bong tróc phần lớn, cửa sắt, cửa kính bị bể, cong vênh rất nhiều, hệ thống nhà vệ sinh trong các công trình này bị hủy hoại hầu hết. Toàn khu có bảy căn nhà tái định cư của các hộ dân chỉ có hai hộ ở lại, còn các hộ khác khóa cửa im ỉm...

 

Dọn cỏ trong khuôn viên trường tiểu học bị bỏ hoang ở khu tái định cư thủy điện Sêrêpốk 3 (xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông)

 


Ông Lương Văn Ban, một hộ dân bị thu hồi hơn 3 sào đất tại thôn Suối Tre (cũ) để làm lòng hồ thủy điện, cho biết gia đình ông bị buộc phải nhận 400m2 đất ở tại thôn Nam Tiến này. Tuy nhiên vị trí đất ở được cấp cho gia đình ông (và nhiều hộ gia đình khác) lại nằm ngay vùng trũng thấp, mùa mưa nước ngập ngang đầu gối nên không thể làm nhà, vợ chồng ông phải dựng tạm căn lều ở một nơi khác để ở.

Còn bà Nguyễn Thị Bắc, có hơn 3 sào đất bị thu hồi và nhận bồi thường tổng cộng hơn 40 triệu đồng, cho rằng số tiền đó không đủ mua đất mới để sản xuất. Bà Bắc cho biết giá đất bồi thường và giá đất thực tế lại quá chênh lệch khiến người dân nhận tiền bồi thường xong không còn khả năng mua lại đất ở gần khu tái định cư để canh tác (theo bà Bắc, giá đất được bồi thường thời điểm đó là 12 triệu đồng/ha, trong khi giá đất thực tế gấp 3-4 lần, còn giá đất hiện tại lên đến 100-120 triệu đồng/ha). Do vậy, người dân cứ ly tán khắp nơi để kiếm sống.

Đang vận động dân về

Ông Nguyễn Hữu Dương, trưởng phòng đền bù tái định cư Ban quản lý dự án thủy điện 5 (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho biết về tái định cư, người dân bị thu hồi đất sẽ được cấp 400m2 đất ở và có bốn mẫu nhà để lựa chọn. Trước khi thực hiện, đơn vị tư vấn đã lấy ý kiến, nguyện vọng của 75 hộ đủ điều kiện được tái định canh, định cư và có gần 20 hộ dân lựa chọn mẫu nhà số 3. Các hộ dân còn lại nhận bồi thường công trình, nhà cửa bằng tiền và sẽ tự xây dựng nhà theo nhu cầu riêng. Tuy nhiên, sau đó chỉ có bảy hộ hiện nay nhận nhà tái định cư.

Còn về tái định canh, UBND tỉnh Đắk Nông có chủ trương bố trí 300ha tại tiểu khu 841, xã Ea Pô làm đất tái định canh cho người dân tại thôn Suối Tre bị thu hồi đất làm lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, theo phiếu đăng ký nguyện vọng thì tất cả hộ dân đều không nhận đất tái định canh với lý do tự mua hoặc đã có đất canh tác, chỉ nhận tiền bồi thường về đất, hoa màu, cây cối. Ông Dương cũng cho rằng các công trình công cộng đã bàn giao năm 2008 nên việc để hoang gây lãng phí thuộc trách nhiệm của UBND huyện Cư Jút.

Ông Hoàng Phú, chủ tịch UBND huyện Cư Jút, cho biết các công trình công cộng bỏ hoang là vì khi vừa xây dựng xong thì phần lớn người dân đi nơi khác mua đất, làm ăn. Trước khi có dự án thủy điện Sêrêpốk 3, UBND huyện đã nhiều lần tổ chức họp dân để lấy ý kiến và mong muốn người dân nhận đất canh tác để đảm bảo cuộc sống nhưng người dân không chấp thuận. Ông Phú nói thêm khu vực đất tái định cư của các hộ dân thực tế là có trũng nước vào mùa mưa nhưng không đáng kể, nếu người dân có đơn trình bày thì UBND huyện sẽ đề nghị chủ đầu tư đắp đất nâng cao nền để người dân làm nhà. “UBND huyện đã giao Phòng giáo dục - đào tạo vận động, bố trí học sinh về điểm trường này để học; giao UBND xã Ea Pô vận động bà con về sinh sống, sửa chữa để mở trạm y tế, nhà cộng đồng phục vụ người dân” - ông Phú cho biết.

  • 148
  • By Admin
  • 28/05/2013
  • 17