Đại lộ Thăng Long đội vốn trên 1.000 tỷ đồng
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Láng - Hòa Lạc là công trình được cho là đặc biệt quan trọng của Hà Nội nhằm kết nối trung tâm thủ đô với chuỗi đô thị phía tây: Xuân Mai – Miếu Môn – Hoà Lạc – Sơn Tây và nối liền các tuyến vành đai II, III và IV với quốc lộ 21 (đường Hồ Chí Minh). Công trình này có tổng mức đầu tư điều chỉnh (TMĐTĐC) lên tới trên 7.527 tỉ đồng (vốn đầu tư xác định ban đầu là 3.733 tỉ đồng). Dự án được khởi công từ tháng 3.2005 và dự kiến hoàn thành trong tháng 12.2010.Tuy nhiên, đã có những sai phạm, khuyết điểm của chủ đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án – tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và một số cơ quan, đơn vị liên quan khác trong quá trình chuẩn bị, triển khai dự án làm tổng mức đầu tư bị tăng giá với giá trị trên 1.000 tỉ đồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, ngay từ khâu lập, thẩm định và trình duyệt thiết kế, tổng mức đầu tư dự án, kết quả thanh tra cho thấy, chất lượng công tác lập tổng mức đầu tư, thiết kế, dự toán chưa cao, có nhiều sai sót. Trong khi đó, công tác thẩm tra, thẩm định, trình duyệt chưa chặt chẽ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai dự án.
Ví dụ, về công tác thiết kế, theo quyết định 2013/QĐ ban hành năm 2003 của bộ trưởng Giao thông vận tải thì chiều rộng nền đường dự án tối thiểu là 140m. Nhưng thực tế, chiều rộng nền đường tối đa chỉ còn 134m, hụt mất 6m (trừ đoạn xả lũ sông Đáy). Một số khu đô thị, khu công nghiệp dọc hai bên tuyến đường tiến hành san lấp mặt bằng cao hơn cao độ theo quy hoạch được duyệt, không có đường gom nội bộ mà lại kết nối trực tiếp với đường gom thuộc tuyến đường Láng – Hoà Lạc. Thiết kế cao độ đường gom và hệ thống thoát nước hai bên tuyến đường thực tế không đúng quy định. Cao độ đường gom không được lấy theo cao độ san nền khu vực tuyến đường đi qua. Tại hầu hết các đoạn từ km4+990 đến km 30+180, cao độ đường gom thấp hơn cao độ nền xây dựng hai bên đường Láng – Hoà Lạc từ 0,5 – 1,5m. Cách thiết kế các hạng mục như trên, theo Thanh tra Chính phủ, sẽ ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, gây mất an toàn giao thông khi tuyến đường đi vào khai thác.
Về vốn đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đơn vị tư vấn thiết kế chưa loại trừ giá trị khối lượng đã thực hiện trong TMĐTĐC để tính giá dự phòng nên đã làm tăng sai TMĐTĐC 56,63 tỉ đồng. Còn chủ đầu tư lại tính toán chỉ số trượt giá chưa căn cứ vào phương án cấp vốn đầu tư nên tỷ lệ áp dụng cho phần chi phí dự phòng trượt giá là “chưa đủ cơ sở” và chưa đúng quy định của bộ Xây dựng về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Cũng theo thanh tra, việc tính toán giá trị khối lượng của 16/121 hạng mục công trình trong TMĐTĐC so với bản thiết kế thi công có sự sai khác, từ đó làm tăng sai vốn đầu tư 33,8 tỉ đồng. Việc tính toán hệ số chuyển đổi đất chưa đúng định mức, áp dụng hệ số khấu hao, tỷ lệ phụ gia, định mức đắp đất không đúng định mức, đơn giá quy định cũng làm tăng sau tổng mức đầu tư hơn 44,4 tỉ đồng…
Đến giai đoạn thực hiện dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện, trong việc xác định quỹ đất để khai thác, tạo vốn, UBND tỉnh Hà Tây trước đây đã giao đất cho các đơn vị không phải là chủ đầu tư với tổng diện tích 746,8ha trong khi chưa xác định đủ quỹ đất để tạo vốn xây dựng đường Láng – Hoà Lạc.
Những việc làm này đã dẫn đến hệ quả tệ hại là không đủ đất để khai thác tạo vốn đầu tư cho dự án, nhà đầu tư không đủ năng lực về tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, phải thay đổi phương án huy động vốn, thay đổi hình thức đầu tư, chậm tiến độ dự án.
Đánh giá đáng chú ý nhất của Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện dự án đường Láng – Hoà Lạc là dự án này thực tế đã và sẽ chậm so với tiến độ trong quyết định đầu tư và hợp đồng ký kết lần đầu là bốn năm (khởi công tháng 5.2005 dự kiến sau 30 tháng hoàn thành), lần thứ hai là khoảng một năm (dự kiến tháng 12.2010 hoàn thành). Thế nhưng, đến nay dự án mới chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc.
Theo thanh tra, bộ Giao thông vận tải, bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm về việc chưa thực hiện đúng các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc quy hoạch, xác định quỹ đất giao cho nhà đầu tư khai thác tạo vốn, phê duyệt dự án khi chưa đủ các yếu tố cơ bản về nguồn vốn, khả năng tài chính của nhà đầu tư… dẫn đến phải thay đổi hình thức đầu tư, làm chậm tiến độ dự án, tăng tổng mức đầu tư do biến động giá với giá trị trên 1.000 tỉ đồng. Việc chậm tiến độ dự án cũng còn có một số nguyên nhân khác như khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, phức tạp; ảnh hưởng do biến động về giá và khủng hoảng kinh tế bên ngoài (cuối 2007 đầu năm 2008)... làm tăng tổng mức đầu tư dự phòng về giá.
Với kết quả trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiến hành kiểm điểm những cá nhân có sai phạm trong dự án này. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, tính toán làm rõ nghĩa vụ đối với những dự án không nằm trong diện đổi đất lấy hạ tầng những vẫn được hưởng lợi từ đường Láng - Hòa Lạc, như đô thị Nam An Khánh, khu đô thị - công nghiệp Quốc Oai, Liên Quan, Sơn Đông, Dương Cốc...
Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Vinaconex phải kiểm điểm về việc lựa chọn nhà thầu không đạt chất lượng, không đủ năng lực, dẫn tới bỏ thầu giữa chừng. Kết quả thực hiện các nội dung trên phải báo cáo Thủ tướng và gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 30/1/2011.
Trước đó, vào đầu tháng 6/2010, sau khi tiếp nhận một số thông tin phản ánh dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc “có nhiều vấn đề”, cùng với chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã lựa chọn 4 dự án, trong đó có dự án đường Láng - Hòa Lạc vào diện thanh tra đột xuất, nằm ngoài chương trình thanh tra năm nay.
Khi đó, Phó tổng thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình khẳng định, dự án này dù chỉ dài khoảng 30 km nhưng thời gian thi công đã kéo dài gần 10 năm và nhưng đến nay vẫn chưa có mốc hoàn thành cụ thể, nên việc thanh tra là cần thiết, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai.
* Tính từ đầu năm đến nay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 50 cuộc thanh tra, trong đó có 14 cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; ban hành kết luận 28 cuộc. So với chương trình, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay chỉ còn 8 cuộc thanh tra chưa triển khai.
Cũng trong tháng 11, thanh tra các bộ, ngành và địa phương tiến hành 567 cuộc thanh tra, đã kết thúc 222 cuộc. Tổng hợp kết quả từ các cuộc thanh tra đã kết thúc, phát hiện sai phạm với số tiền 29.735,5 triệu đồng, 558 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 22.827 triệu đồng, 5,58 ha đất; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.907 triệu đồng; kiến nghị xử lý hành chính 11 tập thể, 50 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 3 vụ, 6 cá nhân.
Lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước tại 9.786 tổ chức, cá nhân; qua thanh tra đã phát hiện 8.286 tổ chức, cá nhân có sai phạm; đã ban hành 7.388 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 15.055 triệu đồng (đã thu 11.722 triệu đồng).
(Theo Vietnam+)
- 134
- By Admin
- 03/12/2010
- 17