• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

"Đại gia" Trung Quốc đua sắm BĐS tại Bordeaux

Khi đi ngang qua Chateau Laulan-Ducos, nhìn bên ngoài lâu đài này chẳng mấy khác biệt so với hơn 7000 lâu đài khác tại Bordeaux, khu vực sản xuất rượu nho nổi tiếng nhất nước Pháp. Thế nhưng khi bước vào khu vực làm rượu người ta sẽ thấy điều gì đó khác lạ đang xảy ra.

"Đại gia" Trung Quốc đua sắm BĐS tại Bordeaux | ảnh 1
Nhiều lâu đài và ruộng nho tại Pháp đã thuộc về người Trung Quốc

Trên thực tế tòa lâu đài tuyệt đẹp với đường nét thiết kế từ thời Trung Cổ, rộng 22 ha với những cánh đồng nho rộng lớn bao quanh này đã thuộc sở hữu của một người Trung Quốc. Richard Chen, 42 tuổi, chủ sở hữu của chuỗi hơn 300 cửa hàng trang sức cao cấp mang thương hiệu Tesiro chính là người đã mua lại Chateau Laulan Ducos hồi năm ngoái.

“Tôi đã tìm kiếm một ruộng nho phù hợp suốt hơn 6 năm qua. Đây chính là nơi tôi tìm kiếm và chất lượng rượu quả là thượng hạng”, Chen nói. “Mục tiêu của tôi đó là đem thứ rượu vang cao cấp của Pháp đến Trung Quốc với giá phải chăng”. Hiện các chai rượu của Laulan Ducos đang được phân phối tại “Laulan French Wine”, một chuỗi 32 cửa hàng do chính ông Chen xây dựng.

Chen chính là một phần của làn sóng các nhà đầu tư Trung Quốc, những người đang liên tục thâu tóm các lâu đài và ruộng nho khắp thế giới để đáp ứng “cơn khát” rượu ngoại ngày càng lên cao tại nước này.

Chỉ trong vòng 4 năm qua, có khoảng 30 lâu đài tại thủ phủ của ngành rượu vang thế giới đã thuộc về các “đại gia” Trung Quốc và còn khoảng 20 thương vụ nữa đang được thương thảo. Jane Anson, phóng viên của tạp chí rượu vang Decanter tại Bordeaux ví đây như một “cơn thác lũ mua sắm”.

Không phải ngẫu nhiên các nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô đến nơi này. Theo số liệu mới nhất đất nước đông dân nhất thế giới đã vượt qua cả Đức và Anh để trở thành thị trường lớn nhất của các nhà sản xuất rượu Bordeaux. Trong năm 2011, có 58 triệu chai rượu Bordeaux với tổng trị giá 300 triệu euro được xuất sang Trung Quốc, tăng 100% so với năm trước.

Theo Eddie Yuan, nhân viên tư vấn của Langfan Consulting, đơn vị môi giới việc mua các lâu đài tại Bordeaux thì người Trung Quốc xem rượu vang Bordeaux đồng nghĩa với sự xa xỉ và đẳng cấp. Và khi giá bất động sản tại Pháp ngày càng hạ như hiện nay, việc mua một khu sản xuất rượu vang là hoàn toàn hợp lý.

Mặc dù sự xuất hiện của người nước ngoài tại các lâu đài ở Bordeaux không phải chuyện gì mới với nơi này nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc thì khác. “Sự có mặt của người Trung Quốc khiến cả vùng này bất ngờ bởi nó diễn ra rất nhanh và quyết liệt. Các thương vụ đầu tư của họ được thực hiện lớn hơn, triệt để hơn và diễn ra trong thời gian ngắn”, Philippe Roudie, giáo sư địa lý tại đại học Bordeaux chia sẻ với trang CNBC.

Một đặc điểm nữa dễ nhận thấy đó là các nhà đầu tư Trung Quốc thường mua các cơ sở sản xuất rượu vang chỉ vì nó có tên giống với những thương hiệu rượu đã nổi tiếng chứ không phải vì đó là khu vực có thể trồng được thứ nho chất lượng cao. Đơn cử, năm 2008 lâu đài đầu tiên của Pháp bị người Trung Quốc mua lại là Chateau Latour Laguens.

Mặc dù nơi này nằm cách xa Haut-Médoc, quê hương của nhiều thương hiệu rượu nổi tiếng nhất trên thế giới như Chateau Lafitte-Rothschild, Mouton-Rothschild hay Chateau Latour, tên của tòa lâu đài này lại nghe hao hao giống thương hiệu rượu nổi tiếng Chateau Latour, vốn rất được người Trung Quốc ưa thích.

Mới đây hơn, một tỷ phú Trung Quốc khác đã mua Chateau Chenu-Lafitte, một trang trại cũng nằm trong Côtes-de-Bourg, một vùng ít nổi tiếng về chất lượng rượu nho. Thế nhưng nơi này lại có cái tên giống như thương hiệu rượu vang hàng đầu thế giới Grand Cru wine: chateau Lafitte-Rothschild.

Với những người dân địa phương, sự có mặt của người Trung Quốc dường như không được chào đón. Mặc dù chính nhờ lượng tiêu thụ của thị trường này đã giúp bù đắp lại sự sút giảm của sức mua trong nước, người dân Bordeaux lo ngại khi thấy những vùng đất mà họ vốn sản xuất rượu hàng bao thế kỷ nay bị bán đi.

“Việc họ là khách hàng không có nghĩa là họ có thể xâm chiếm đất đai của chúng tôi”, Petra du Jardin, nhân viên một khách sạn địa phương nói. Hay Lois de Roquefeuille, chủ một cơ sở sản xuất rượu nho địa phương thì quả quyết. “Mặc dù họ đang đầu tư tiền vào khu vực này và cũng không thể đem đất đai về Trung Quốc, thật khó chịu khi thấy họ đang nhanh chóng can thiệp vào công việc của chúng tôi”.

Mới đây nhất, sau khi một tỷ phú đến từ Macao mua lại Chateau de Gevrey-Chambertin, một lâu đài từ hình thành từ thế kỷ 12 với 2ha ruộng nho đi kèm ở mức giá 8 triệu euro, nhiều dân địa phương đã nổi giận. “Tôi cho rằng nước Pháp đang bán linh hồn của mình và các chính trị gia cần phải có hành động nào đó”, Jean-Michel Guillon, chủ tịch hiệp hội nhà sản xuất rượu vang Gevrey-Chambertin nói.

“Chúng tôi đang tự nhủ rằng di sản của chúng tôi đang bị ném qua cửa sổ bởi đây không phải thương vụ thâu tóm duy nhất của người nước ngoài trong vùng này. Tôi e rằng vài năm tới, cả vùng Burgundy sẽ không còn thuộc về người Burgundy. Tôi không có ý chống lại nhà đầu tư…nhưng nếu chúng ta lật ngược lại vấn đề, người Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao nếu các nhà đầu tư Pháp mua lại 10 hay 50m Vạn Lý Trường Thành?”.

(Theo Dân trí)

  • 153
  • By Admin
  • 28/08/2012
  • 17