Đại biểu Quốc hội không tán thành đánh thuế nhà ở
Và, bản tập hợp ý kiến tại 17 tổ thảo luận vừa được gửi đến đại biểu Quốc hội đã cho thấy đa số ý kiến không tán thành với việc đưa nhà ở vào diện chịu thuế. Vì hiện có rất nhiều loại thuế liên quan đến nhà, nếu đánh thuế đối với nhà ở trong thời điểm này dễ phát sinh sự không đồng thuận.
Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ rõ quan điểm, đánh thuế nhà ở là không hợp lý, thuế chồng lên thuế, do người xây dựng nhà ở đã bị đánh thuế vào vật liệu xây dựng. Chỉ nên đánh thuế vào người kinh doanh nhà, không nên thu thuế nhà ở của người chỉ có một căn nhà.
Đa số ý kiến thảo luận cũng cho rằng, thu thuế nhà sẽ không khuyến khích người dân xây dựng nhà ở khang trang, hiện đại. Nếu thu thuế để nhằm mục tiêu hạn chế đầu cơ nhà, đất thì phải cho phép người dân sở hữu tối thiểu 1 căn nhà không phải chịu thuế, chỉ nên đánh thuế từ ngôi nhà thứ 2 trở đi.
Có ý kiến đề nghị cần làm rõ thuế nhà ở là thuế đánh vào tài sản hay đánh vào chỗ ở, nếu là thuế tài sản thì tại sao những tài sản khác có giá trị lớn hơn (máy bay, du thuyền…) chỉ đánh thuế một lần còn nhà ở lại đánh thuế nhiều lần và nếu là thuế tài sản thì không có mức miễn trừ.
Bên cạnh những ý kiến hoàn toàn không đồng ý việc đưa nhà ở vào diện chịu thuế, có ý kiến đề nghị cần làm rõ đối tượng chịu thuế là nhà ở hay nhà để kinh doanh. Và, chỉ nên thu thuế đối với người sở hữu nhiều nhà, nhà quá lớn, vượt hạn mức, nhà cho thuê và nhà không sử dụng; không nên thu thuế đối với nhà ở của người có thu nhập thấp.
Nếu đánh thuế đối với nhà ở thì không nên đánh thuế đối với nhà chung cư vì phần lớn những người ở trong loại nhà này là có thu nhập thấp đồng thời giá nhà chung cư đã bao gồm cả giá đất, do đó không có căn cứ để xác định giá trị nhà để tính thuế.
Một số đại biểu đề nghị bổ sung các biện pháp để quản lý thu thuế đối với nhà ở, nhà công vụ được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Nếu vẫn kiên quyết thu thuế đối với nhà ở thì đề nghị giải trình rõ những Luật thuế đã được ban hành có góp phần chống đầu cơ hay không hay chỉ Luật này mới góp phần chống đầu cơ.
Luật cũng cần quy định rõ người phải chịu các chi phí phát sinh trong quá trình định giá nhà để làm căn cứ tính thuế.
Kết quả thảo luận tại tổ cũng nêu rõ một số ý kiến cho rằng việc thu thuế nhà là cần thiết nhưng hiện nay chưa nên thu, nên đề ra một lộ trình hợp lý. Hơn nữa, chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay là khuyến khích nhà ở nông thôn. Trong khi đó thuế nhà đất ở nông thôn đóng góp cho ngân sách nhà nước không nhiều. Vậy cân nhắc về việc có nên đặt vấn đề thu thuế nhà đất ở nông thôn. Đề nghị áp dụng lộ trình chậm hơn, khoảng 5- 7 năm nữa mới tính đến việc thu thuế nhà ở khu vực nông thôn.
Đối với đất, một số ý kiến cho rằng chưa nên thu thuế ngay với đất nông nghiệp và nên có một chế độ miễn giảm phù hợp. Đồng thời làm rõ: đất trang trại, đất danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa - du lịch, đất kinh doanh phi nông nghiệp; đất hồ, đất ao; đất ở các nông, lâm trường; các loại đất chưa đuợc quy định trong dự thảo luật; đất làm đường giao thông có thuộc đối tượng chịu thuế không? Đất thổ cư của hộ gia đình, cá nhân nếu cho thuê thì ai sẽ là người nộp thuế?
Trong quá trình thảo luận, về sự cần thiết ban hành luật, theo một số đại biểu thì luật cần được chuẩn bị kỹ càng và mang tính thực tiễn cao hơn. Chính phủ cần giải trình rõ hơn những bất cập của Pháp lệnh Thuế nhà đất hiện hành, làm căn cứ cho việc ban hành luật. Đồng thời cần nghiên cứu kỹ hơn kinh nghiệm quốc tế, cân nhắc trong mối quan hệ tổng thể với các loại thuế hiện hành liên quan đến nhà, đất để có những quy định phù hợp hơn.
Có ý kiến cho rằng chưa nên ban hành luật trong thời điểm hiện nay. Cần khảo sát, đánh giá cụ thể hơn và cân nhắc tính hợp lý của việc Luật Thuế nhà, đất được trình Quốc hội xem xét trước khi Luật Đất đai được sửa đổi.
- 0
- By Admin
- 21/11/2009
- 17