Đặc khu kinh tế Tp.HCM sẽ tạo bước đột phá cho BĐS phía Nam?
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM đã trình Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân Đề cương chi tiết thành lập đặc khu kinh tế của Tp.HCM. Theo đó, Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM đề xuất đặc khu kinh tế nằm ở hướng Nam, bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh.
Phân tích của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM cho thấy, vị trí này có nhiều lợi thế. Nằm trong hướng phát triển chính của Tp.HCM về hướng nam, đặc khu kinh tế sẽ đưa không gian phát triển của Tp.HCM hướng ra Biển Đông và phù hợp với xu hướng vươn ra biển của các đô thị hiện đại trên thế giới. Đây là khu vực này có cảng biển Hiệp Phước và khu đô thị cảng Hiệp Phước, rất phù hợp phát triển dịch vụ logistics và kinh tế biển.
Các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, đặc khu kinh tế Tp.HCM được kỳ vọng tạo ra bước phát triển thần kỳ, đột phá cho thị trường địa ốc phía Nam trong thời gian tới.
Doanh nghiệp địa ốc rục rịch hướng về phía Nam
Đặc khu kinh tế Tp.HCM nằm ở hướng nam đã góp phần củng cố niềm tin của giới đầu tư địa ốc cũng như chủ đầu tư về tiềm năng phát triển của khu vực này, nhất là khu vực quận 7 lân cận khu Phú Mỹ Hưng. Qua khảo sát nhận thấy, hiện nay hàng loạt các doanh nghiệp lớn đã chuyển hướng tìm kiếm quỹ đất, tiến hành phát triển dự án và chuẩn bị nguồn hàng để đón đầu đặc khu kinh tế trong tương lai.
Cuối tháng 9 vừa qua, Sacomreal đã chính thức công bố mở bán 200 căn hộ cao cấp thuộc dự án Jamona Apartment (quy mô 1.290 căn hộ) tại khu đô thị cao cấp Jamona City với giá bán 20 triệu/ m2. Được biết, trong đợt mở bán lần đầu trước đó, dự án này cũng thu hút giới đầu tư khi tiêu thụ được gần 1 nghìn sản phẩm trong 1 thời gian ngắn.
Theo bà Võ Thị Dịu Hiền, đại diện Sacomreal, hiện tại công ty đang xác định quận 7 là khu vực trọng tâm phát triển dự án của công ty trong thời gian tới. Do đó, song hành cùng công tác bán hàng thì công ty cũng gấp rút tiến hành chuẩn bị quỹ đất và mua bán sát nhập để chuẩn bị sẵn nguồn hàng phong phú cung ứng ra thị trường. Cùng với dự án Jamona City, Jamona Apartment, trong những tháng cuối năm 2015, công ty cũng sẽ cung ứng ra thị trường dự án có quy mô lớn là Jamona Riverside.
Khá nhạy bén, Novaland cũng đã nhanh chân tìm kiếm và mua bán những dự án chết tại khu vực này để hồi sinh. Đơn cử, cuối tháng 8/2015, doanh nghiệp này đã tiến hành mua lại dự án Trần Thái tại huyện Nhà Bè để xây dựng khu căn hộ quy mô hơn 1 nghìn căn với tên gọi mới là Sunrise Riverside sẽ chính thức mở bán vào cuối năm nay.
Bản đồ khu vực dự kiến hình thành đặc khu kinh tế phía Nam Sài Gòn. Ảnh Internet |
Bên cạnh những đại gia tiếng tăm đó, thị trường BĐS cũng ghi nhận hàng loạt dự án gia nhập thị trường phía Nam thời gian qua như: The Everich 2,3 của Địa Ốc Phát Đạt, Dự án Dragon Hill Residence của Công ty Phú Long, Luxcity của Đất Xanh, AnGia Riverside của An Gia, Florita của Hưng Thịnh, Skyway Residence của Lĩnh Phong Conic….
Để đón đầu xư hướng đầu tư trong thời gian tới, hầu hết sản phẩm được các chủ đầu tư gia nhập thị trường trong thời gian gần đây thuộc phân khúc căn hộ cao cấp hoặc đất nền.
Tiềm năng lớn cho BĐS phía Nam Tp.HCM
Khởi đầu với ý tưởng táo bạo biến vùng đầm lầy hoang sơ thành khu đô thị hiện đại. Cho đến nay, Nam Sài Gòn đã ngày càng khẳng định vai trò như một điển hình trong quy hoạch đô thị, địa điểm mang đến không gian sống và những giá trị gia tăng vượt bậc cho cư dân.
Trong một vài năm trở lại đây, tuy giới đầu tư BĐS có xu hướng đổ dồn về khu Đông, vì nơi này được đầu tư hạ tầng mạnh. Nhưng chính sách mới xây dựng khu Nam Sài Gòn thành đặc khu Kinh tế của Tp.HCM sẽ trở thành đòn bẩy để thị trường BĐS khu vực này phát triển mạnh trong thời gian tới.
Các chuyên gia đánh giá, hiện tại Nam Sài Gòn đã sở hữu những lợi thế đặc biệt để phát triển thành đặc khu kinh tế trọng điểm của TP:
Một là: Tp.HCM muốn phát triển phải có giao thương với bên ngoài, đặc biệt tuyến giao thông huyết mạch quan trọng nhất chính là giao thông đường thủy. Song, khó khăn hiện nay của cảng Sài Gòn là ở sâu trong đất liền, vừa hẹp lại vừa không còn khả năng phát triển mở rộng. Do đó, định hướng của TP là phát triển mở rộng TP về hướng Nam và tiến ra biển Đông.
Hai là: Việc di chuyển cảng Sài Gòn ra khu vực Sông Soài Rạp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho TP xây dựng hàng loạt cầu vượt sông Sài Gòn, đồng thời tạo điều kiện để phát triển đồng bộ TP ra Hướng Đông sau này.
Ba là: Vùng Nam Sài Gòn là vùng trũng, đất ngập mặn quanh năm nên không thích hợp để làm nông nghiệp. Do đó, định hướng của TP sẽ phát triển khu vực này thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ của TP và lấy khu công nghiệp cơ bản Hiệp Phước, khu chế xuất Tân Thuận làm trục trung tâm để phát triển các khu công nghiệp vệ tinh.
Bốn là: Nam Sài Gòn là cửa ngõ giao thương với 6 tỉnh Nam Bộ, do đó, việc mở rộng TP ra hướng Nam sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của miền Tây. Chính vì thế, Tp.HCM đã nỗ lực không ngừng để đầu tư hạ tầng cho khu vực này. Nếu như trước kia, đại Lộ Nguyễn Văn Linh đã làm thay da đổi thịt cho khu vực quận 7 hoang sơ thì nay tuyến cao tốc Bến Lức, Long Thành chạy qua Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Quận 7 sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của toàn khu vực. Hơn nữa, thông qua cầu Phú Mỹ khu Nam cũng dễ dàng kết nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Tóm lại, với việc hội tụ đầy đủ những điều kiện để phát triển thành đặc khu kinh tế, Nam Sài Gòn sẽ trở thành trung tâm thu hút đầu tư trong tương lai. Như vậy có thế thấy tiềm năng phát triển BĐS khu Nam còn rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, để thị trường phát triển cần phải có chính sách phát triển hạ tầng đồng bộ hơn nữa. Bởi với sự gia tăng dân số quá nhanh thì hạ tầng giao thông khu vực này đang có biểu hiện quá tải.
- 0
- By Admin
- 05/10/2015
- 17