Đa số các khu dân cư, đô thị "không lối thoát hiểm"
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH), trong 9 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 970 vụ cháy, làm chết 38 người, bị thương 73 người, gây thiệt hại về tài sản hơn 780 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó có 8 vụ cháy gây chết người xảy ra tại các hộ gia đình, làm 25 người thiệt mạng là do không có đường thoát nạn.Rất nhiều khu dân cư trong cả nước không có đường thoát nạn khi có cháy. |
Hiện nay, việc sống chật chội, tận dụng tối đa diện tích diễn ra phổ biến với người dân thành phố. Tuy nhiên, rất ít người ý thức được rằng đó là việc làm nguy hiểm, vô tình bịt lối thoát hiểm của họ khi có sự cố xảy ra.
66% người chết trong hỏa hoạn là do không có đường thoát nạn
Những kết cục đau lòng chỉ vì không có đường thoát hiểm có thể kể đến như vụ cháy xảy ra ngày 11/6 tại số 59, đường Sử Hi Nhan, tổ 6, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa). Mặc dù lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời ngay khi nhận được tin báo, nhưng do ngôi nhà có kiến trúc dạng ống, kín bưng, cửa khóa nhiều lớp kiên cố, nên không thể tiếp cận được với đám cháy. Việc chữa cháy và cứu người bị nạn là cực kỳ khó khăn. Hậu quả là 3 nạn nhân đã tử vong.Gần đây hơn là vụ cháy ngày 26/8 tại khu nhà C8, tập thể Kiến trúc, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một cụ bà 91 tuổi đã thiệt mạng do không có lối thoát nạn. Theo những người dân ở đây, khu tập thể gỗ trên được xây dựng từ những năm 50 thế kỷ trước, là nơi sinh sống của 36 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu nhưng lối thoát nạn chỉ là một hành lang độc đạo, dài tít tắp. Trước đây khu nhà có hai cầu thang lên xuống nhưng một bên đã bị các hộ dân bịt lại.
Hay vụ cháy tại gia đình anh Phan Kim Hùng, khu phố 9, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận vào ngày 29/8 vừa qua làm 4 người thiệt mạng do ngôi nhà có kiến trúc dạng ống, cửa thoát nạn cũng là nơi gia đình bày bán hàng tạp hoá và bán lẻ xăng nên lửa bùng phát rất nhanh, bít mất lối thoát nạn duy nhất của gia đình.
Mặc dù nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên tiếp xảy ra nhưng việc vi phạm nghiêm trọng các quy định PCCC và thoát nạn vẫn rất phổ biến. Đa phần trong số đó, người dân thậm chí không ý thức được hành vi nguy hiểm của mình. Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết: Ngay tại Hà Nội, rất nhiều khu dân cư xảy ra tình trạng như trên, đặc biệt là các khu tái định cư như khu Trung Hòa – Nhân Chính. Ngoài ra, ở khu vực phố cổ như Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào có nhiều ngõ sâu hun hút...
Tại khu dân cư số 28 Bà Triệu (Hà Nội), cầu thang gỗ, cũng là lối thoát nạn duy nhất của hàng chục hộ dân trở thành nơi để xe đạp, sắt thép xây dựng, gầm cầu thang được “tận dụng” làm bếp đun nấu. Nếu cháy xảy ra sẽ làm mất đường thoát nạn của cả khu dân cư này. Ở các khu phố thương mại thì hầu hết là nhà ống, mặt tiền đồng thời là lối thoát nạn duy nhất nhưng cũng bị che chắn bởi hàng hóa, xe gắn máy và các vật liệu dễ cháy khác.
Bà Nguyễn Thị Điển, một người dân ở khu dân cư số 28 Bà Triệu lo lắng cho biết: “Khu này sàn nhà gỗ, cầu thang, lan can cũng gỗ. Ban ngày, người lớn đi làm hết, chỉ có bà già, trẻ con ở nhà. Dại miệng mà xảy ra cháy thì cũng chẳng biết làm thế nào”.
Người dân phải chủ động phòng ngừa
Theo đánh giá của Cục PCCC & CNCH: Hiện nay cả ý thức lẫn kiến thức của người dân về PCCC còn chưa cao. Việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, sử dụng điện, xăng dầu, khí đốt hoá lỏng còn bừa bãi, cùng với cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu về PCCC và thoát nạn đã làm nguy cơ cháy, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tăng cao. Tại các khu tái định cư Trung Hoà - Nhân Chính, các cửa buồng thang thoát nạn đáng ra phải thường xuyên đóng, để khi có cháy, khói ở bên ngoài không thể xâm nhập vào buồng thang, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bị nạn, thì người dân lại chèn cho mở thường xuyên để tiện việc đi lại. Khi được hỏi về việc này thì người dân cho biết “cửa buồng thang thoát nạn phải luôn mở thì mới đảm bảo an toàn!”…Trước thực trạng trên, trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp PCCC nhằm hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tại khu vực này. Tuy nhiên, với hạ tầng như hiện tại ở nhiều khu dân cư, nếu muốn cải thiện điều kiện chữa cháy chỉ có cách... đập đi xây lại. Đây là việc hoàn toàn không khả thi, vì vậy cách tốt nhất vẫn là người dân chủ động phòng ngừa.
Theo khuyến cáo của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, người dân luôn phải chú ý đến lối thoát nạn, đảm bảo thông thoáng, không có chướng ngại vật bít lối khi có sự cố. Một biện pháp rất tốt đã được TP Hồ Chí Minh áp dụng hiệu quả là việc liên kết giữa các nhà ống liền kề để khi xảy ra cháy có thể thoát sang nhà liền kề và ra ngoài
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 29/09/2012
- 17