• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Đã có phương án quy hoạch vành đai 5 - vùng Thủ đô Hà Nội

Theo quan điểm mới nhất vừa Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầu tuần này, đề xuất xây hầm đường bộ qua dãy Tam Đảo thuộc tuyến vành đai 5 tại phía Đông hồ Xạ Hương của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên là không có tính khả thi.

Ngoài chi phí đầu tư cho công trình hầm lớn, đắt hơn phương án xây dựng đường thông thường của Bộ GTVT tới 7.000 tỷ đồng, thì yếu tố hình học của 2 đường dẫn vào hầm cũng bị hạn chế do địa hình khó khăn.

“Phương án hầm còn có một nhược điểm là cắt qua Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Tam Đảo. Việc thi công chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái, nguồn nước ngầm trong núi”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá.

Ảnh minh họa

Bộ GTVT cũng “bác” đề xuất “bẻ” hướng tuyến đi về phía Nam TP. Phủ Lý của UBND tỉnh Hà Nam nhằm tận dụng các đường địa phương  để nâng cấp.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, đề xuất của tỉnh Hà Nam không phù hợp với quan điểm, mục tiêu quy hoạch của đường vành đai 5 là đường vành đai liên vùng, kết nối các đô thị đối trọng của Hà Nội. Hướng tuyến này còn làm vành đai 5 vượt khỏi khu vực trung tâm tỉnh Hà Nam, tiến sát Nam Định, khiến chi phí vận doanh tăng (dài thêm 30 km), không phù hợp cho khai thác lâu dài.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, các đoạn tuyến đường vành đai 5 sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc hoặc đường cấp II, với quy mô 4 - 6 làn xe.

Dự kiến, trên tuyến sẽ xây dựng 2 hầm nhỏ tại Hòa Bình và 15 cầu lớn, 42 cầu trung và 45 cầu nhỏ được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Ước tính, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến để hoàn thiện tuyến đường vành đai 5 theo đề xuất của Bộ GTVT là 85.561 tỷ đồng (theo thời giá năm 2013), trong đó, giai đoạn trước năm 2020 cần 19.760 tỷ đồng; giai đoạn 2020 - 2030 cần 32.175 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2030 cần 33.626 tỷ đồng.

Do nhu cầu vốn lớn, nên ngoài nguồn vốn ngân sách, Bộ GTVT dự kiến sẽ huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước theo các hình thức BT, BOT, PPP.

Cụ thể, trong giai đoạn trước mắt, Bộ GTVT sẽ huy động vốn ngân sách, ODA để đầu tư một số đoạn tuyến trước năm 2020 để bảo đảm thông tuyến, hình thành tuyến vành đai 5. Giai đoạn 2020 - 2030 sẽ xây dựng toàn tuyến theo quy hoạch đường vành đai 5, quy mô tối thiểu 4 làn xe đường cao tốc và đường ô tô cấp II. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô quy hoạch.

 “Căn cứ quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, Quy hoạch mạng lưới GTVT, Quy hoạch đường vành đai 5 phải bám được 2 mục tiêu chính là liên kết các đô thị lân cận Thủ đô Hà Nội và tạo động lực phát triển cho cả khu vực Đồng bằng sông Hồng và vùng trung du phía Bắc”, ông Trường khẳng định.

  • 192
  • By Admin
  • 12/03/2014
  • 17